Tiếp tục “hút” vốn FDI từ Nhật Bản
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hưng Yên hiện nay là một trong những tỉnh miền Bắc thu hút được vốn đầu tư FDI từ Nhật Bản lớn nhất với 173 dự án và tổng vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD.
Có được kết quả này là do những năm gần đây, Hưng Yên luôn chú trọng phát triển hạ tầng giao thông và đô thị, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên – Trần Quốc Văn cho biết, chiến lược phát triển hiện nay của tỉnh dựa trên 3 trụ cột chính, đó là: Phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, phát thải các bon thấp, sử dụng ít tài nguyên; Phát triển thương mại, dịch vụ có gía trị gia tăng lớn; Phát triển kinh tế đô thị trên cơ sở đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, hình thành hệ thống đô thị hiện đại, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, mang tính kết nối cao, trọng tâm là các đô thị sinh thái, thông minh, đáng sống; đô thị công nghiệp, dịch vụ gắn với bảo đảm nhà ở xã hội cho người lao động và công nhân.
Đến nay, Hưng Yên có 2.182 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 20 tỷ USD từ nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có 536 dự án FDI với số vốn đăng ký 6,76 tỷ USD. Trong đó, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đứng đầu về số dự án với 173 dự án và tổng vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD. Hiện đã có khoảng 170 dự án FDI của Nhật Bản đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư thực hiện khoảng trên 3,2 tỷ USD, qua đó tạo việc làm cho khoảng 45.000 lao động, riêng đóng góp ngân sách nhà nước năm 2022 khoảng 1.407 tỷ đồng.
“Tỉnh Hưng Yên coi trọng và kêu gọi các nhà đầu tư từ Nhật Bản, đặc biệt là các tập đoàn lớn nghiên cứu hợp tác đầu tư các lĩnh vực có thế mạnh, như công nghiệp chế biến, chế tạo; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; kết cấu hạ tầng, đô thị thông minh...”, ông Văn cho hay.
Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Nhật Bản diễn ra mới đây ở Tokyo, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn và đại diện Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đã trao đổi bản ghi nhớ (MoU) về việc hợp tác thúc đẩy dự án Khu công nghiệp Thăng Long II, giai đoạn 4 (trên địa bàn huyện Yên Mỹ). Ở giai đoạn này, Tập đoàn Sumitomo sẽ chú trọng đến việc mở rộng khu thương mại và nhà ở trên diện tích 391,7 ha, với tổng số vốn đầu tư là 500 triệu USD.
Khu công nghiệp Thăng Long II là một trong những khu công nghiệp kiểu mẫu và là điểm nhấn quan trọng trong chiến lược thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Hưng Yên. Đến nay, Khu công nghiệp này đã tiếp nhận trên 100 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3 tỷ USD, chủ yếu là các các nhà đầu tư Nhật Bản; trong đó có một số tập đoàn kinh tế lớn như: Kyocera, Hoya, Nippon, Daikin, Toto, Panasonic.
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho “đại bàng làm tổ”
Với sự vào cuộc sát sao của chính quyền, người dân và doanh nghiệp, tỉnh Hưng Yên đang tập trung triển khai các dự án trọng điểm, tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng nhằm đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư.
Theo Sở Giao thông vận tải Hưng Yên, tỉnh có hệ thống các tuyến giao thông đường bộ quan trọng như Quốc lộ 5, Quốc lộ 39, Quốc lộ 38, Quốc lộ 38B, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; tuyến đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình... Những tuyến giao thông này được đầu tư khá đồng bộ, toàn diện, từng bước hiện đại và bền vững, bảo đảm sự liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải; gắn kết giữa các địa phương, giữa đô thị và nông thôn, đặc biệt với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Cùng với đó, 2 tuyến giao thông trọng điểm khác là Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Tân Phúc - Võng Phan (giao với ĐT.378) có tính lan tỏa cao, tạo hành lang để hình thành nên các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung; nâng cao năng lực lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, cụm, khu công nghiệp sạch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo nguồn thu cao cho ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp và thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp cũng luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng. Tỉnh Hưng Yên hiện có 17 khu công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với diện tích 4.395 ha. Tỉnh đã thành lập 26 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 1.256 ha. Các KCN, CCN đều nằm tại những vị trí “đắc địa”, giao thông thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào nên đều là những “điểm cộng” thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Tuân, Giám đốc công ty CP Đầu tư khu công nghiệp Yên Mỹ - chủ đầu tư khu công nghiệp số 5 (trên địa bàn huyện Kim Động và Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) cho hay, khu công nghiệp số 5 nằm tại vị trí tiếp giáp với các trục đường lớn của tỉnh Hưng Yên, trên đường nối 2 cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình nên đặc biệt thuận lợi cho công tác vận chuyển hàng hóa về các cảng Hải Phòng, cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn,…
Ngoài ra, theo ông Tuân, dự án khu công nghiệp số 5 được quy hoạch 02 nhà máy xử lý nước thải với công suất 7.500m3 ngày/đêm, công nghệ xử lý nước thải tiên tiến nhất hiện nay. Đồng thời, có 01 khu nhà ở công nhân 12ha phục vụ nhu cầu của công nhân làm việc tại đây. Do đó, khu công nghiệp số 5 được kỳ vọng sẽ là điểm đến hấp dẫn, an toàn, bền vững cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; mang đến sự đổi thay trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Kim Động, Ân Thi và của tỉnh Hưng Yên.
Dự kiến, các khu công nghiệp tại Hưng Yên tiếp tục tăng lên thời gian tới, đạt 30 khu công nghiệp với 9.540 ha đến năm 2030; ngoài ra còn có 25 cụm công nghiệp với diện tích trên 1.200 ha và dự kiến tăng lên 52 cụm công nghiệp với diện tích 3.000 ha đến năm 2030. |
Theo Diễn đàn DN