Thứ Năm, 21/11/2024 21:00:24 GMT+7
Lượt xem: 1143

Tin đăng lúc 14-02-2022

Hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh

Trong bối cảnh nền kinh tế đang cần sự hỗ trợ lớn từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và toàn hệ thống tổ chức tín dụng là tiếp tục giảm lãi suất cho vay, nâng cao chất lượng tín dụng và hướng dòng vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ðể thực thi điều này, cùng với việc ưu tiên nguồn vốn, ngân hàng cũng sẵn sàng triển khai các gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp.
Hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh
Công nhân Công ty cổ phần May Chiến Thắng may áo xuất khẩu. (Ảnh TRẦN HẢI)

Năm 2022, dịch bệnh được dự báo vẫn diễn biến khó lường với sự xuất hiện của biến chủng Omicron, triển vọng kinh tế, lạm phát toàn cầu khó dự báo, đặt ra những khó khăn, thách thức ngành ngân hàng phải đối mặt. Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Ðào Minh Tú chia sẻ quan điểm điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là tiếp tục tập trung hỗ trợ tối đa vốn cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, hướng dòng tiền vào những lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.

 

Tín hiệu phục hồi

 

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2022, cả nước có 13 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 28,9% so cùng kỳ năm trước; số lao động đăng ký đạt hơn 77 nghìn người, tăng 10,5% so tháng 12/2021. Cùng với đó, cả nước có 19.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 352,8% so tháng 12/2021 và 194% so tháng 1/2021). Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 1/2022 lên 32.100 doanh nghiệp, tăng 93,6% so cùng kỳ năm trước. Những con số này cho thấy tín hiệu khả quan của phát triển doanh nghiệp trong năm 2022.

 

Trên thực tế, sau giai đoạn giãn cách xã hội, nền kinh tế bắt đầu có những tín hiệu khởi sắc khá rõ nét. Việc nhiều doanh nghiệp dần phục hồi và hoạt động sản xuất trở lại đã khiến nhu cầu về vốn tăng cao. Nhằm hỗ trợ nhu cầu của doanh nghiệp và người dân, nhiều ngân hàng đã và đang đồng loạt đẩy mạnh các gói tín dụng ưu đãi, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh như công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh xuất nhập khẩu, mua nhà ở, sản xuất, phân phối điện và xây dựng,... Cụ thể, ngay từ đầu năm 2022, VietinBank đã "tung" gói "Khởi đầu thành công" dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm các ưu đãi toàn diện từ dịch vụ tài khoản, thẩm định vay vốn, tiền gửi, tài trợ thương mại, bảo lãnh và bảo hiểm như ưu đãi 100% phí chuyển tiền; thẩm định trong 8 giờ; lãi suất từ 4,2%/năm đối với dịch vụ vay vốn; ưu đãi 100% mức phí bảo lãnh, phí tài trợ thương mại, thư tín dụng,...; giảm 40% mức phí bảo hiểm,... Còn BIDV triển khai chương trình ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân với quy mô lên tới 200 nghìn tỷ đồng, lãi suất từ 5%/năm. Theo đó, khách hàng vay mua nhà qua ứng dụng BIDV Home tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, lãi suất chỉ còn từ 6,2%/năm trong 6 tháng đầu, từ thời điểm giải ngân đầu tiên; vay tiêu dùng, vay mua ô-tô, vay sản xuất, kinh doanh, lãi suất giảm chỉ còn từ 6,4%/năm trong 6 tháng đầu; khách hàng tại các địa bàn khác từ 6,6%/năm,... Hay Techcombank cũng đưa ra chương trình "Khai mở thành công 2022" với gói giải pháp BusinessOne cho cộng đồng doanh nghiệp về thanh toán đi cùng giải pháp tín dụng được thiết kế chuyên biệt theo từng lĩnh vực; MSB cấp hạn mức tín dụng tín chấp đến 500 triệu đồng/khoản vay cho doanh nghiệp xuất khẩu, lãi suất vay ngoại tệ từ 2,5%/năm, đồng Việt Nam từ 5,5%/năm...

 

Trên cơ sở thực tế điều hành năm 2021, để bảo đảm vốn phục vụ cho nền kinh tế, năm 2022 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam định hướng mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14%. Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Ðào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung vốn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do Covid-19, hướng dòng tiền vào các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn lực của các tổ chức kinh tế thông qua tổ chức tín dụng, góp phần thực hiện những chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ.

 

Phấn đấu giảm lãi suất cho vay

 

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, một trong những động lực giúp doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và thành lập mới tăng mạnh là nhờ Quốc hội thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Chính phủ sẽ dành tối đa 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất (2%/năm) cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có khả năng trả nợ, phục hồi. Với chính sách tiền tệ, sẽ tập trung giải pháp để điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 đến 1%/năm trong hai năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên; điều tiết thanh khoản phù hợp, tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất;...

 

Theo Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Lộc Tài (Ðắk Nông) Nguyễn Mạnh Vinh, ngoài chính sách miễn, giảm thuế, giải pháp về hỗ trợ nguồn vốn rất cần thiết cho doanh nghiệp lúc này. Cụ thể, các ngân hàng cần nới hạn mức tín dụng, giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo nhận định của Phó Thống đốc Ðào Minh Tú, thách thức lớn nhất đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa yêu cầu giảm lãi suất, mở rộng tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế và yêu cầu kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định vĩ mô. Ðây là vấn đề được dư luận rất quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều về mức tăng trưởng tín dụng, lãi suất. Có luồng ý kiến cho rằng, cần hạ thấp lãi suất hơn nữa, mở rộng tín dụng hơn nữa; nhưng có quan điểm cho rằng phải duy trì mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý để cân đối hài hòa giữa lãi suất huy động, lãi suất cho vay và kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp để hỗ trợ kiểm soát lạm phát. Do vậy, tinh thần chung năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện tối đa hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế. "Năm 2022, chủ trương hạ lãi suất vẫn tiếp tục được đặt ra, nhưng trên cơ sở các ngân hàng thương mại phải bằng chính nguồn lực của mình, giảm lãi suất từ việc tiết kiệm chi phí hoạt động, chia sẻ lợi nhuận trong điều kiện khó khăn hiện nay", Phó Thống đốc Ðào Minh Tú khẳng định.

 

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng, tuy dư địa hạ lãi suất và tăng trưởng tín dụng vẫn còn nhưng không nhiều, do lãi suất ở mức thấp trong nhiều năm và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, trong khi áp lực lạm phát vẫn ở mức cao. Hiện, nhiều nước bắt đầu thu hẹp nới lỏng định lượng và tăng lãi suất. Vì vậy, cần phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ trong quá trình triển khai gói phục hồi kinh tế. Chính sách phải tác động cả tổng cung, tổng cầu và phối hợp tốt các chương trình hỗ trợ khác để tạo thành tổng lực, phát huy hết hiệu lực. Chia sẻ thêm về gói hỗ trợ lãi suất 40 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng bày tỏ mong muốn khi triển khai, Chính phủ và các ngân hàng sẽ rút kinh nghiệm từ bài học năm 2009, sớm hướng dẫn thực hiện chi tiết, rõ ràng, cụ thể để các đơn vị có thể triển khai được ngay, "bơm" vốn đúng các đối tượng ưu tiên, hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh thay vì vào kênh đầu cơ chứng khoán, bất động sản.

 

Theo báo Nhân dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang