Bộ TN&MT cho biết, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2013 đến nay.
Qua gần 9 năm thực hiện, Luật đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước. Tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu, 63% lượng nước được hình thành ở bên ngoài lãnh thổ, chất lượng tài nguyên nước suy giảm đặt ra nhiều thách thức lớn. Nhiều chủ trương mới về quản lý tài nguyên và yêu cầu thực tiễn về bảo vệ, phục hồi để bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia. Thực tế đó đòi hỏi pháp luật về tài nguyên nước và một số luật liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên nước cần thiết phải sớm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất, toàn diện.
Theo Bộ TN&MT, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được xây dựng với mục đích tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bảo đảm minh bạch, đồng bộ để có khả năng vốn hóa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật nhằm quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, góp phần quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế-xã hội của đất nước đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia.
Đồng thời, hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các quy định về quản lý nước trong Luật Tài nguyên nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước, bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đủ cơ sở pháp lý để giải quyết những vấn đề về tài nguyên nước đặt ra của giai đoạn phát triển mới; bảo đảm tương thích với pháp luật và thông lệ quốc tế; tạo hành lang pháp lý đồng bộ về tài nguyên nước, thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế-xã hội.
Để đạt được các mục tiêu trên, dự thảo Luật đưa ra 4 chính sách:
Chính sách 1: Bảo đảm an ninh tài nguyên nước nhằm quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước nhằm bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, đặc biệt là đảm bảo an ninh nước cho sinh hoạt, hướng đến chỉ số bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Chính sách 2: Về xã hội hóa ngành nước với mục tiêu phát triển kinh tế nước, coi sản phẩm nước là hàng hóa thiết yếu, cần được quản lý, vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế đầu tư vào ngành nước nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển nguồn nước.
Chính sách 3: Tài chính về tài nguyên nước, mục tiêu là tính đúng, tính đủ giá trị của nước nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm thất thoát, lãng phí nước và tránh thất thu ngân sách Nhà nước. Đồng thời là động lực phát triển, kêu gọi các nhà đầu tư ở các thành phần kinh tế tham gia vào công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên nước.
Chính sách 4: Về bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số chính sách khác.
Theo báo Chính phủ