Chủ Nhật, 24/11/2024 03:11:35 GMT+7
Lượt xem: 1335

Tin đăng lúc 31-07-2019

Huy động nguồn lực cho xúc tiến, quảng bá du lịch

Mặc dù bị tác động tiêu cực bởi bối cảnh phát triển, nhưng trong năm 2018, ngành du lịch Việt Nam tiếp tục giữ được đà tăng trưởng hai con số, các chỉ tiêu về khách du lịch, tổng thu đều tăng trưởng tốt. Ghi nhận cho kỳ tích này, lãnh đạo Tổng cục Du lịch đều nhấn mạnh đến hiệu quả lớn từ hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.
Huy động nguồn lực cho xúc tiến, quảng bá du lịch
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam không ngừng tăng trưởng ấn tượng, đây là kết quả tích cực nhờ công tác xúc tiến, quảng bá được tổ chức đồng bộ, quy mô

Quảng bá đồng bộ nhiều thị trường

 

Đánh giá từ Báo cáo thường niên du lịch Việt Nam 2018, trong năm qua các hoạt động xúc tiến du lịch được triển khai đồng bộ tại nhiều thị trường, bằng nhiều phương thức khác nhau, như tổ chức các chương trình phát động thị trường ở nước ngoài, tham gia các hội chợ quốc tế lớn trên thế giới và khu vực, đón các đoàn famtrip và presstrip đến khảo sát, tìm hiểu sản phẩm dịch vụ du lịch Việt Nam, ứng dựng e-marketing trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.

 

Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, công tác xúc tiến, quảng bá đã huy động được nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác, phát huy hiệu quả cơ chế đối tác công tư (PPP). Tổng kinh phí dành cho xúc tiến, quảng bá không tăng so với những năm trước nhưng quy mô sự kiện ở các thị trường lớn hơn, hiệu quả hơn. Mặt khác, việc chuẩn bị nội dung quảng bá, xúc tiến đã được cải thiện, tính chuyên nghiệp được nâng cao hơn so với những năm trước.

 

Kết quả của hoạt động quảng bá, xúc tiến được thể hiện rõ nét thông qua sự tăng trưởng nguồn khách du lịch đến từ các thị trường trọng điểm, tiềm năng, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan; Nga, ASEAN, Úc, Tây Âu...

 

Trong đó phải kể tới Trung Quốc, đây là thị trường chiếm 32% thị phần khách quốc tế đến Việt Nam. Thời gian qua, các hoạt động xúc tiến, quảng bá tới thị trường này được triển khai quy mô lớn tại nhiều địa phương của Trung Quốc. Ngoài ra, chương trình xúc tiến, quảng bá còn được thực hiện bởi các doanh nghiệp đón khách Trung Quốc với việc mở nhiều đường bay thuê bao trực tiếp từ nhiều thành phố của Trung Quốc đến các điểm đến của Việt Nam.

 

Tiếp đến là thị trường Hàn Quốc, lượng khách Hàn Quốc đến Việt Nam liên tục tăng, đạt 3,5 triệu lượt khách năm 2018. Hiện Hàn Quốc là thị trường lớn thứ hai của Việt Nam và còn rất nhiều dư địa có thể khai thác. Theo Tổng cục Du lịch, đây là kết quả rất tích cực trong bối cảnh quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, du lịch ngày càng chặt chẽ, nhiều chương trình xúc tiến du lịch được triển khai, nhiều đường bay mới mở giữa hai nước.

 

Riêng với thị trường Đài Loan đã có sự tăng khá nhanh trong vài năm trở lại đây, từ 388 nghìn lượt năm 2014 lên tới 714 nghìn lượt vào năm 2018, tốc độ tăng trưởng khá nhanh, có năm đạt trên 20%. Ngoài ra, hiện Nga cũng là thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam, năm 2018 có hơn 606 nghìn lượt khách Nga đến Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng khách ấn tượng từ hai thị trường này là kết quả đầy xứng đáng cho hàng loạt chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được triển khai quy mô, chất lượng.

 

Bên cạnh các thị trường trọng điểm, nhóm các thị trường quốc tế ưu tiên, ngành du lịch Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm khai thác nhóm thị trường tiềm năng như: Hà Lan, Áo, Thụy Sỹ, Mỹ… Theo đó, Tổng cục Du lịch đã tích cực phối hợp với các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch đối với một số thị trường, đón đoàn doanh nghiệp và báo chí một số nước.

 

Ngoài việc đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá ra nước ngoài, ngành du lịch còn tổ chức các hoạt động nổi bật trong nước thông qua tổ chức các hội du lịch quốc tế; phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, quảng bá du lịch và thương hiệu du lịch Việt Nam; tăng cường quảng bá trực tuyến, tổ chức các chiến dịch xúc tiến trên mạng xã hội, các dự án phát triển ảnh 360 độ cũng như hoàn thành bước dầu xây dựng ứng dụng thông tin du lịch cho các thiết bị di động (vietnamGo)…

 

Nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá

 

Năm 2019 và những năm tiếp theo dự báo du lịch thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm lại; cạnh tranh các điểm đến vì thế sẽ gay gắt hơn, nhiều thị trường nguồn, trọng điểm của du lịch Việt Nam cũng sẽ có những thay đổi lớn, do vậy việc duy trì thị trường truyền thống, khai thác thêm các thị trường mới, tiềm năng sẽ là thách thức lớn của du lịch Việt Nam.

 

Xác định những khó khăn phía trước, đại diện Tổng cục Du lịch cho biết, ngành du lịch sẽ có những kế hoạch, chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam quy mô, tăng về số lượng và chất lượng; đồng thời hướng tới quảng bá các thị trường có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày.

 

Nhằm tăng chất cho hoạt động, quảng bá du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng vừa phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá Du lịch Việt Nam. Đề án đặt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trong khu vực và thế giới; thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch quốc tế và nội địa về cả số lượng và chất lượng; góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

 

Theo Đề án mới, công tác quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam sẽ đổi mới phương thức hoạt động trên cơ sở phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế để nâng cao hiệu quả. Các hoạt động xúc tiến, quảng bá sẽ được tổ chức theo hướng tập trung vào các điểm đến, sản phẩm có thế mạnh và thị trường khách du lịch trọng điểm; phát huy sức mạnh tổng hợp của các địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho xúc tiến, quảng bá du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, khai thác bản sắc văn hóa Việt Nam trong xúc tiến, quảng bá và phát triển thương hiệu du lịch.

 

Cụ thể, du lịch Việt Nam sẽ được truyền thông thương hiệu theo bộ nhận diện Việt Nam – Vẻ đẹp bất tận gắn với các dòng sản phẩm du lịch cụ thể tại các sự kiện xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế. Hợp tác với các hãng truyền thông trong nước và quốc tế như BBC, CNN… tổ chức các hoạt động truyền thông thương hiệu du lịch Việt Nam. Triển khai hiệu quả chương trình xúc tiến quảng bá điện tử (E- marketing), lồng ghép trong thực hiện Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin du lịch; phát triển ứng dụng thông minh trong quảng bá điểm đến, giới thiệu sản phẩm và hướng dẫn du lịch trên thiết bị di động phục vụ khách du lịch. Phát triển đồng bộ các công cụ xúc tiến du lịch trên các website chính thức và mạng xã hội.

 

Ngoài ra, Việt Nam sẽ triển khai thí điểm mô hình hợp tác công – tư cho các hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam ở một số thị trường trọng điểm; phát huy vai trò, ảnh hưởng của các Đại sứ du lịch trong việc tổ chức các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch ở nước ngoài. Sử dụng tư vấn chuyên nghiệp triển khai các hoạt động nghiên cứu, dự báo và tổ chức hoạt động xúc tiến quảng bá trong và ngoài nước.

 

Ngành du lịch Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động thêm nguồn lực xã hội, áp dụng công nghệ cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, góp phần đến năm 2025, đón được 30-32 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trên 130 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 45 tỷ USD.

 

Theo Báo Công Thương

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang