Thứ Bẩy, 03/05/2025 01:49:21 GMT+7
Lượt xem: 381

Tin đăng lúc 01-05-2025

Huy động vốn từ thị trường tài sản số

Tài sản số sẽ ngày càng trở thành một phần quan trọng của bức tranh huy động vốn toàn cầu, bổ sung và mở rộng các lựa chọn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Huy động vốn từ thị trường tài sản số
Ông Nguyễn Sĩ Hoàng, Chuyên gia

DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sĩ Hoàng, chuyên gia blockchain, xung quanh vấn đề này.

 

Thị trường tài sản số đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Theo ông, yếu tố nào đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy việc huy động vốn từ thị trường này?

 

Thị trường tài sản số đã có sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây, nhờ vào công nghệ blockchain. Cùng với đó, có sự gia tăng của các loại tiền điện tử như Bitcoin, Ethereum và sự phát triển của các mã thông báo (tokens) trong các đợt phát hành tiền mã hoá lần đầu (ICO) và gọi vốn qua bán tiền mã hoá (STO), tạo ra nhiều cơ hội huy động vốn cho các công ty và tổ chức.

 

Số liệu thống kê của Chainalysis cho thấy dòng vốn từ thị trường blockchain vào Việt Nam giai đoạn 2023 - 2024 đạt trên 105 tỷ USD, với lợi nhuận tạo ra gần 1,2 tỷ USD (2023). Việt Nam đang có hơn 17 triệu người sở hữu tài sản mã hóa, xếp thứ 7 trên toàn cầu; tỷ lệ sở hữu tiền mã hoá tại Việt Nam đạt khoảng 17%, cao hơn nhiều so với mức trung bình 6,5% của toàn thế giới.

 

- Liệu các phương thức huy động vốn từ thị trường tài sản số, như ICO hay STO có thực sự mang lại hiệu quả lâu dài cho các doanh nghiệp, thưa ông?

 

Tôi cho rằng các phương thức huy động vốn có thể mang lại hiệu quả nhất định cho các doanh nghiệp nếu được triển khai đúng cách. Tuy nhiên, để đạt được sự thành công bền vững, các doanh nghiệp cần lưu ý một số yếu tố quan trọng:

 

Thứ nhất, tính minh bạch và sự tin cậy trong việc công bố thông tin dự án, kế hoạch phát triển và cách thức sử dụng vốn huy động. Các nhà đầu tư sẽ chỉ tin tưởng và tham gia vào các ICO hoặc STO nếu họ cảm thấy rằng doanh nghiệp có thể cung cấp thông tin rõ ràng và đáng tin cậy về về mục đích của dự án, tiềm năng sinh lợi cũng như việc quản lý nguồn vốn.

 

Thứ hai, việc tuân thủ các quy định pháp lý tại nơi dự án được phát hành là rất quan trọng. Doanh nghiệp cần chắc chắn rằng ICO hoặc STO của họ không vi phạm các quy định liên quan đến chứng khoán, bảo vệ nhà đầu tư và thuế.

 

Thứ ba, các ICO và STO thành công thường đi kèm với một sản phẩm hoặc dịch vụ có tiềm năng thực sự trong thị trường. Nhà đầu tư sẽ nhìn vào khả năng phát triển bền vững của dự án và tính ứng dụng thực tế của sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp.

 

Thứ tư, những nhà sáng lập có kinh nghiệm, uy tín trong ngành và có khả năng xây dựng mối quan hệ chiến lược với các đối tác, cũng như các nhà đầu tư sẽ gia tăng khả năng thu hút nguồn vốn.

 

Thứ năm, sau khi huy động vốn, doanh nghiệp cần duy trì việc quản lý tài chính minh bạch, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích đã cam kết với các nhà đầu tư.

 

Trong bối cảnh quy định về tài sản số còn thiếu rõ ràng, việc thúc đẩy huy động vốn từ thị trường này có thể gặp phải những thách thức pháp lý và tài chính nào, thưa ông?

 

Trong bối cảnh hiện nay, sau nhiều biến động trên thị trường, các vụ lừa đảo, phá sản (như sự sụp đổ của FTX năm 2022) hay vụ tấn công mạng (sàn giao dịch Bybit bị đánh cắp hơn 1,4 tỷ USD),… thì việc thúc đẩy huy động vốn từ thị trường tài sản số có thể gặp phải nhiều thách thức.

 

Điển hình là quy định về tài sản số và các phương thức huy động vốn từ thị trường này vẫn chưa hoàn thiện. Doanh nghiệp có nguy cơ gặp phải các vấn đề liên quan đến việc vi phạm quy định khi phát hành token hoặc khi huy động vốn từ các nhà đầu tư quốc tế, dẫn đến việc bị phạt hoặc thậm chí bị đình chỉ hoạt động.

 

Khi thị trường tài sản số không có sự giám sát đầy đủ từ các cơ quan chức năng, các nhà đầu tư có thể phải đối mặt với rủi ro mất tiền do các dự án thiếu minh bạch hoặc không có khả năng thực hiện cam kết. Một điểm rất cần lưu ý là khó khăn trong việc đảm bảo tính hợp pháp của các tài sản số, làm giảm tính thanh khoản trên thị trường và ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của doanh nghiệp. Phía nhà đầu tư cũng có thể cảm thấy không an tâm khi không rõ liệu tài sản số có thể được chuyển đổi thành tiền tệ hợp pháp hay không.

 

Cũng từ vấn đề pháp lý chưa rõ ràng nên các ngân hàng và tổ chức tài chính truyền thống thường có những hạn chế khi làm việc với những dự án liên quan đến tài sản số. Điều này có thể khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thực hiện các giao dịch tài chính, thậm chí phát sinh nhiều vấn đề trong việc quản lý dòng tiền...

 

- Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ blockchain và tài sản số, ông nghĩ rằng trong tương lai, việc huy động vốn từ thị trường tài sản số có thể thay thế các hình thức huy động vốn truyền thống?

 

Việc huy động vốn từ thị trường tài sản số có thể sẽ ngày càng trở nên phổ biến và đóng vai trò quan trọng trong tương lai, nhưng không thể thay thế các hình thức huy động vốn truyền thống.

 

Như đã đề cập trước đó, thị trường tài sản số vẫn thiếu các quy định pháp lý rõ ràng ở nhiều quốc gia, tạo ra rủi ro pháp lý cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Trong khi đó, không phải tất cả nhà đầu tư đều hiểu rõ về công nghệ này.

 

Có thể nói, xây dựng quy định pháp lý cho lĩnh vực tài sản số là một công việc phức tạp nhưng cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững, bảo vệ quyền lợi của tất cả các bên tham gia (doanh nghiệp, nhà đầu tư và cộng đồng). Để xây dựng quy định pháp lý cho thị trường này, cơ quan quản lý cần định nghĩa rõ ràng, phân loại về tài sản số và các hình thức huy động vốn; bảo vệ nhà đầu tư và bảo mật; quy định về quyền sở hữu và chuyển nhượng tài sản số; xác định nghĩa vụ thuế đối với tài sản số, lợi nuận từ tài sản số; quy định về các tổ chức trung gian và sàn giao dịch; chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; đánh giá, điều chỉnh liên tục trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ; và tăng cường hợp tác quốc tế.

 

Trân trọng cảm ơn ông!

 

Theo diendandoanhnghiep.vn

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang