Thành tựu phát triển làng nghề giai đoạn 2016 - 2020
Giai đoạn 2016 - 2020, tình hình phát triển kinh tế, xã hội huyện Thanh Trì thu được nhiều kết quả khả quan. Thu ngân sách bình quân hàng năm đạt khoảng 16,6%; các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ được tập trung đầu tư; sản xuất nông nghiệp được quan tâm chỉ đạo và đạt được kết qủa đáng ghi nhân. Các vùng sản xuất tập trung tiếp tục phát huy hiệu quả, hình thành nhiều mô hình phát triển kinh tế mới góp phần tăng thu nhập cho người dân; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 32 triệu đồng lên 60 triệu đồng.
Trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, huyện Thanh Trì luôn chú trọng bảo tồn, phát triển các làng nghề với các hoạt động cụ thể như: Đào tạo, tập huấn cho lao động tại các làng nghề, quảng bá thương hiệu sản phẩm làng nghề, hỗ trợ đầu tư máy móc... Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của huyện Thanh Trì, các làng nghề đã khẳng định được thương hiệu, mở rộng được thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, tạo thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động địa phương...
Đến nay, huyện Thanh Trì đã có 4 làng nghề truyền thống: Làng nghề Miến dong, Bánh đa thôn Phú Diễn, xã Hữu Hòa; Làng nghề Bánh chưng, Bánh dày thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà; Làng nghề Dệt Triều Khúc, xã Tân Triều; Làng nghề Nón lá Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các làng nghề có những chuyển biến rõ nét: Làng nghề Miến dong, Bánh đa thôn Phú Diễn, xã Hữu Hòa, trước đây đa phần sản xuất nhỏ, thủ công, năng suất, sản lượng đạt khoảng 20 tấn/hộ/năm, thu nhập bình quân đầu người lao động từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, số hộ đầu tư máy móc vào sản xuất nhiều hơn, 80% các hộ đã gắn nhãn mác sản phẩm, sản lượng tăng lên đạt 55 tấn miến/hộ/năm, thu nhập bình quân lao động đạt 5 -5,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, huyện Thanh Trì đã đầu tư xây dựng, hỗ trợ kinh phí duy trì hoạt động Website: www.miendongthanhtri.com để quảng bá sản phẩm. Sản phẩm Miến dong đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng Bảo hộ nhãn hiệu sản xuất tập thể... Làng nghề Bánh chưng, Bánh dày thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà được UBND huyện hỗ trợ thúc đẩy quảng bá sản phẩm bằng việc xây dựng wwebsite:www.banhchungbanhdaytranhkhuc.com, hỗ trợ tập huấn an toàn thực phẩm, kiến thức tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm... Nhờ đó, mặc dù số hộ sản xuất giảm nhưng sản lượng lại tăng từ 17.000 - 20.000 chiếc/hộ/năm lên 23.000 - 25.000 chiếc/hộ/năm, doanh thu tăng từ 590 triêu/hộ/năm lên 840 triệu/hộ/năm... Các cơ sở sản xuất làng nghề Dệt Triều Khúc đã được di chuyển vào Cụm công nghiệp. Doanh thu bình quân ước đạt 55 tỷ/cơ sở/năm, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, thu nhập bình quân đạt từ 8 - 10 triêu đồng/người/tháng. Làng nghề Nón lá Vĩnh Thịnh đã được công nhân là “Làng nghề truyền thống năm 2020, đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể Nón lá Đại Áng...
Bên cạnh các làng nghề truyền thống, các làng có nghề cũng được UBND huyện Thanh Trì quan tâm và hỗ trợ phát triển như: Làng có nghề Mây tre đan Vạn Phúc, Làng có nghề rượu Ngâu xã Tam Hiệp, Làng có nghề may mặc Vĩnh Trung xã Đại Áng...
Giải pháp bảo tồn và triển làng nghề gia đoạn 2021 - 2025
Kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được trong giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn 2021 -2025, huyện Thanh Trì tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển làng nghề: hướng dẫn nâng cao tay nghề cho người lao động đối với các làng nghề thủ công mỹ nghệ, dệt may, mây tre đan, chế biến nông lâm thủy sản; thúc đẩy xúc tiến thương mại,quảng bá thương hiệu làng nghề, mở rộng thị trường cho sản phẩm làng nghề với các hoạt động như: In phát tờ rơi, pano quảng cáo, giới thiệu sản phẩm làng nghề tại các chợ, hội chợ, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể; đầu tư, úng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ máy móc thiết bị sản xuất, điều tra, hỗ trợ công nhận làng nghề, thực hiện lập phương ná bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường...
Đáng chú ý là giải pháp hỗ trợ các làng nghề tham giá Chương trình OCOP như: Thực hiện tập huấn, bồi dưỡng cho các chủ thể sản xuất tại các làng nghề có sản phẩm tham gia chương trình OCOP, hướng dẫn lập hồ sơ tham gia đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP... Ngoài ra, huyện Thanh Trì sẽ thí điểm củng cố, phát triển làng nghề gắn với du lịch, trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề như: hình thành trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại làng nghề truyền thống bánh Chưng Tranh Khúc, xã Duyên Hà kết hợp xây dựng các địa điểm sản xuất thử nghiệm cho du khách tham gia; xây dựng các hộ gia đình văn hóa tiêu biểu tạo bước đột phá về du lịch. Phát triển các cửa hàng bán đồ lưu niệm tại các làng nghề, tổ chức các khu vực tập trung các cửa hàng bán sản phẩm của làng nghề. Xây dựng các xưởng, khu sản xuất đủ điều kiện làm điểm du lịch để tổ chức tham quan cho du khách trong và ngoài nước...
Huyện Thanh Trì đang tích cực chuyển đổi mạnh mẽ các mô hình sản xuất, chú trọng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn,… Việc bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống không chỉ phát huy các giá trị truyền thống địa phương mà còn thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở khu vực nông thôn.
Minh Ngọc