Thứ Năm, 21/11/2024 19:47:41 GMT+7
Lượt xem: 1011

Tin đăng lúc 19-02-2024

Huyện Thanh Trì: Khai mạc Lễ hội truyền thống làng Triều Khúc

Hòa trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024, Sáng 19/2/2024 (tức ngày 10/1/2024 Âm lịch), tại Đình Đại, thôn Triều Khúc, UBND huyện Thanh Trì long trọng tổ chức Lễ khai mạc Lễ hội làng Triều Khúc. Đây là lần đầu tiên, Lễ hội làng Triều Khúc được tổ chức ở quy mô cấp huyện.
Huyện Thanh Trì: Khai mạc Lễ hội truyền thống làng Triều Khúc
Các đại biểu của Thành phố, huyện Thanh Trì và đông đảo nhân dân tham gia Lễ khai mạc Lễ hội làng Triều Khúc

Tham dự Lễ khai mạc có bà Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội; bà Nguyễn Thị Mai Hương - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội; ông Nguyễn Tiến Cường - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì; cùng các đại biểu đại diện Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện; đại diện các ban, ngành, đoàn thể và đông đảo bà con nhân dân.

 

 

Lãnh đạo các sở ngành của thành phố Hà Nội, Lãnh đạo huyện Thanh Trì thắp hương kính tưởng công đức của Đức Thành hoàng làng - Bố cái Đại vương Phùng Hưng

 

Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Nguyễn Tiến Cường - Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết, Triều Khúc có cụm di tích lịch sử đình - đền - chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia tại quyết định số 68 ngày 29/01/1993 của Bộ Văn hóa Thông tin và Thế thao Du lịch. Năm 2019, Lễ hội làng Triều Khúc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia.

 

 

 Ông Nguyễn Tiến Cường - Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì phát biểu tại Lễ khai mạc Lễ hội làng Triều Khúc

 

Đình Triều Khúc là ngôi đình có từ lâu đời, mang giá trị tâm linh và tinh thần to lớn của Nhân dân địa phương. Đình gồm có đại đình và đình thờ Sắc, thờ Thành Hoàng làng là Đức thánh Phùng Hưng, tức Bố Cái Đại Vương, người đã có công lãnh đạo Nhân dân khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Đường và giành thắng lợi.

 

Đức thánh Phùng Hưng tên chữ là Công Phấn, thuộc dòng dõi danh gia vọng tộc, quê ở xã Đường Lâm, Sơn Tây, sinh ngày 25/11 Bính Tý (736). Ngài có sức khoẻ phi thường đánh hổ, vật trâu, cõng thuyền nặng đi hàng dặm dài. Chính vì vậy,  Ngài được đặt tên hiệu là Đô Quân.

 

 

Các Cụ Bát, Cụ Cửu (Các cụ 80 tuổi, 90 tuổi) dâng lễ lên Đức Bố Cái Đại Vương – Thành Hoàng làng. Các Cụ Thất mặc áo xanh, đội mũ xanh; Cụ Bát mặc áo đỏ, mũ đỏ; Cụ Cửu mặc áo đỏ, mũ đỏ chùm xuống tai. Theo tục lệ địa phương, sau khi lễ Thánh, các Cụ Bát, Cụ Cửu được thụ lộc trước - vào ngày mồng 10; các Cụ Thất thụ lộc sau một ngày

 

Vào giữa thời kỳ Bắc thuộc lần thứ 3, dưới ách cai trị hà khắc của quân đô hộ nhà Đường, người dân bị đàn áp, bóc lột tới cùng cực. Với lòng yêu nước, trí dũng song toàn, Phùng Hưng cùng hai anh em là Phùng Hải và Phùng Dĩnh lãnh đạo nghĩa quân nổi dậy làm chủ Đường Lâm, rồi đánh chiếm cả một vùng rộng lớn quanh vùng xây dựng thành căn cứ chống giặc. Một trong những căn cứ ấy được xây dựng ở Trang Khúc Giang (tên gọi xưa kia của làng Triều Khúc). Nơi đây là một trong những căn cứ xuất phát của nghĩa quân Phùng Hưng tiến vào vây hãm thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay). Cao Chính Bình, quan cai trị của nhà Đường thua đau, phát bệnh chết.

 

 

Theo ông Đặng Ngọc Quyền - Chủ tịch UBND xã Tân Triều, năm nay, lần đầu tiên huyện Thanh Trì tổ chức Lễ hội làng Triều Khúc. Huyện đã ban hành kế hoạch, thành lập các tiểu ban; từ đó thành lập ban tổ chức. Trên cơ sở đó, UBND xã Tân Triều đã xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai tổ chức Lễ hội theo đúng kế hoạch đã đề ra; đảm bảo Lễ hội diễn ra vui tươi, an toàn, văn minh,...

 

Sau khi giành thắng lợi, Nhân dân hưởng thái bình, ngày 10 tháng giêng năm Nhâm Tuất (782), Phùng Hưng đăng quang lên ngôi vua. Ngài trị vì được 7 năm thì băng hà; con của ngài là Phùng An lên ngôi và tôn cha là Bố Cái Đại Vương. Nhớ công ơn phụ vương, Phùng An đã cho các bậc hiền thần đi tìm những nơi có dấu tích của ngài để lập miếu thờ. Triều Khúc là một trong số những nơi thờ Ngài.

 

 

Từ sáng sớm, người dân Thôn Triều Khúc đã chuẩn bị những mâm lễ trang trọng để dâng lên Đức Thành hoàng làng

 

Nhà Vua cho 300 quan tiền và cử người về Triều Khúc cắm đất năm Canh Ngọ (790). Đến mùa Xuân năm Tân Mùi (791) mới bắt đầu dựng miếu trên gò Lĩnh Hán. Đây chính là nơi xưa kia Phùng Hưng đặt đại bản doanh. Miếu thờ lúc đầu nhỏ bé nhưng được dân làng giữ gìn thờ phụng lâu đời, càng về sau càng được tôn tạo, mở rộng nên được gọi là “Đại cổ miếu”; đời Lê Trung Hưng đổi thành đình. Để phân biệt với đình thờ Sắc, ngôi đình cổ này được dân làng gọi là đại đình.

 

 

 Điệu múa “Con đĩ đánh bồng” được các nghệ sĩ nam thể hiện tại Lễ khai hội. Đây là một trong mười điệu múa cổ nổi bật của đất Thăng Long được gìn giữ đến ngày nay

 

Trải qua gần 1.000 năm biến thiên của lịch sử, đến niên hiệu Cảnh Hưng thứ I, đời vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786), đình mới được phụng kiến. Gần 100 năm sau, năm Kỷ Hợi (1839) đời vua Minh Mạng được tu sửa lại. Đến năm Ất Hợi (1935), đời vua Bảo Đại, dân làng mới đủ điều kiện đại trùng tu ngôi đình. Năm Nhâm Thìn 2012, được sự đồng lòng của chính quyền và Nhân dân địa phương, đình Triều Khúc được bảo tồn, tu bổ và tôn tạo khang trang và bề thế như ngày nay.

 

 

Các doanh nghiệp, hộ gia đình Làng nghề Triều khúc dâng lễ Đức Thành hoàng làng. Làng Triều Khúc vốn có tên nôm là Kẻ Đơ, nổi tiếng kinh kỳ với nghề làm nón quai thao. Ngoài ra, làng còn có nhiều nghề truyền thống khác như: Nghề thêu may các đồ thờ tự; nghề thu gom lông gà để làm các sản phẩm như chổi lông gà, chăn, áo lông gà…

 

Hàng năm, cứ vào dịp đầu Xuân, từ ngày mùng 9 tháng Giêng đến ngày 12 tháng Giêng, Lễ hội làng Triều Khúc được tổ chức. Đây là dịp để giáo dục truyền thống "uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ công lao to lớn của đức thánh Phùng Hưng.

 

Đến với Lễ hội làng Triều khúc, Nhân dân và du khách sẽ được trải nghiệm không gian văn hóa với các di tích lịch sử, lễ hội truyền thống đặc sắc, biểu trưng là quá trình rước Thánh và rước Sắc từ Đình thờ Sắc đến Đại Đình trước ngày hội chính. Phần hội với sự tham gia của đội tế, đội múa rồng, đội múa Sinh tiền, múa Trống bồng, chơi cò tướng, thư pháp,... Đây là nét văn hóa đặc sắc riêng có ở làng Triều Khúc.

 

Minh Ngọc

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang