Thứ Năm, 21/11/2024 20:03:05 GMT+7
Lượt xem: 1212

Tin đăng lúc 10-04-2024

Huyện Thanh Trì: Nhân rộng mô hình chợ văn minh thương mại

Sau hai năm triển khai, mô hình chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện Thanh Trì đã đem lại hiệu quả kinh tế, mô hình; từng bước góp phần xây dựng nếp sống văn minh, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân. Trong đó, điển hình là chợ Thanh Liệt đạt tiêu chí chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm. Trong thời gian tới, huyện Thanh Trì sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình chợ văn minh thương mại.
Huyện Thanh Trì: Nhân rộng mô hình chợ văn minh thương mại
Chợ Thanh Liệt phát huy hiêu quả mô hình chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm

Hiệu quả mô hình chợ Thanh Liệt

 

Chợ Thanh Liệt có tổng diện tích 4.155m2, được bố trí thành các khu như: Khu ki-ốt với 32 ki-ốt kinh doanh các mặt hàng quần áo, đồ gia dụng, thuốc, giày dép, tạp hóa, gạo... Khu gian hàng với 120 gian hàng kinh doanh các mặt hàng hoa quả tươi, rau xanh, đồ gia dụng, thức ăn tươi sống, thịt, gia cầm, thủy sản… Ngoài ra còn có một số điểm kinh doanh không cố định. Hiện tại, chợ có 134 hộ kinh doanh đang hoạt động.

 

Là chợ truyền thống nhưng chợ Thanh Liệt được thiết kế, bố trí khoa học, hợp lý, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, thuận lợi cho hoạt đông kinh doanh, mua bán của bà con nhân dân. Lối đi trong chợ rộng rãi, sạch sẽ, thoải mái cho xe máy, xe đạp và người đi bộ di chuyển mà không phải chen lấn. Hàng hóa được sắp xếp theo từng khu; tất cả đều được bày bán trên các giá, kệ đặt trên bục bệ cao hơn ít nhất 30cm so với mặt đất. Mỗi quầy hàng đều được gắn biển tên, ngành hàng và số điện thoại của người bán hàng. Đặc biệt, quầy hàng nào cũng có mã QR để phục vụ khách hàng muốn thanh toán trực tuyến qua ngân hàng…

 

Ông Hoàng Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH An Long – đơn vị quản lý kinh doanh khai thác chợ Thanh Liệt cho biết: Trong quá trình quản lý vận hành, Công ty đã thực hiện bố trí sắp xếp các hộ kinh doanh theo đúng quy định và niêm yết công khai phương án sắp xếp tại chợ để các tổ chức và cá nhân liên quan biết. Hàng ngày, Ban Quản lý chợ có trách nhiệm kiểm tra, nhắc nhở các ki-ốt, gian hàng kinh doanh đúng mặt hàng đã đăng ký, đồng thời đảm bảo công tác an ninh, an toàn PCCC và vệ sinh của chợ.

 

Để có một ngôi chợ văn minh thương mại như hiện nay, Công ty đã kiên trì vận động, tuyên truyền để các hộ kinh doanh đúng ngành hàng, không nhập hàng về ồ ạt, không bán phá giá và cạnh tranh không lành mạnh. Từ đó tạo thói quen cho người tiêu dùng khi mua hàng. Đến nay, chợ hoạt động trật tự, các hộ kinh doanh đều vui vẻ, đoàn kết, khách của ai người đó bán, nhờ thế mà lượng khách tới chợ ngày càng đông hơn. Năm 2023, chợ Thanh Liệt là chợ truyền thống duy nhất của huyện Thanh Trì có 2 năm liền đạt tiêu chí chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm.

 

 

Chợ Thanh Liệt có đường đi lối lại thuận lợi, quầy hàng bố trí hợp lý thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, mua bán

 

Bà Nguyễn Thị Hoan – một hộ kinh doanh rau củ quả trong chợ hơn 20 năm cho biết, từ ngày chợ thực hiện các tiêu chí văn minh thương mại, đường đi lối lại trong chợ sạch sẽ hơn, hàng hóa được bài trí gọn gàng, khoa học hơn, khách hàng đi lại thuận tiện, mua bán dễ dàng. Quầy của bà Hoan có đến 20 mặt hàng, bao gồm giá đỗ, dứa, đu đủ, hành, tỏi, gừng, đồ khô, gia vị. Mỗi ngày, bà có mặt từ 6 – 7h sáng, bán đến trưa thì về nhà ăn cơm và nghỉ ngơi, chiều khoảng 15h ra bán tiếp đến tối.

 

Nhân rộng mô hình chợ văn minh thương mại

 

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh, trên địa bàn huyện có 22 chợ đang hoạt động. Năm 2021, UBND huyện Thanh Trì ban hành bộ tiêu chí đánh giá chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện với mục đích thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nếp sống văn minh đô thị; quản lý, phát triển hệ thống chợ trên địa bàn theo hướng văn minh thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hệ thống chợ trên địa bàn.

 

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, năm 2022, toàn huyện có 01 chợ Thanh Liệt đạt tiêu chí chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm. Đến năm 2023, toàn huyện đã có 5 chợ đạt tiêu chí chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm, trong đó chợ Thanh Liệt năm thứ 2 liên tục đạt tiêu chí chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm.

 

 

Năm 2023, Thanh Trì đã cấp biển nhận diện cho 60 cơ sở kinh doanh thực phẩm có vị trí cố định tại chợ Tứ Hiệp, Quỳnh Đô, Yên Xá, Cầu Bươu

 

Việc thực hiện chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm đã bước đầu hình thành và duy trì môi trường kinh doanh an toàn, văn minh, đảm bảo tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động; một số chợ kinh doanh tốt, số lượng người buôn bán trong chợ tăng lên so với các năm trước đây (như chợ Quỳnh Đô, Thanh Liệt, Cầu Bươu,...), làm tăng mức lưu chuyển hàng hoá, tăng thu cho ngân sách địa bàn, góp phần tích cực trong phát triển thương mại dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn đảm bảo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.

 

Hiện tại, 100% các chợ đã thành lập đội PCCC cơ sở và được đào tạo, huấn luyện về nghiệp vụ PCCC&CNCH theo quy định; 100% các chợ đã xây dựng phương án  PCCC và tổ chức thực tập phương án PCCC; đảm bảo hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động PCCC.

 

Công tác an toàn thực phẩm tại chợ từng bước được thực hiện tốt hơn, 100% các hộ tiểu thương ký cam kết an toàn thực phẩm và được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; nhận thức của người dân về thực phẩm an toàn được nâng cao. Thực hiện Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025” tại huyện Thanh Trì, Phòng Kinh tế huyện Thanh Trì đã tham mưu UBND huyện kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định tại Đề án đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm trong chợ, năm 2023 đã cấp biển nhận diện cho 60 cơ sở kinh doanh thực phẩm có vị trí cố định tại chợ Tứ Hiệp, Quỳnh Đô, Yên Xá, Cầu Bươu.

 

Trong thời gian tới, huyện Thanh Trì tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động chợ; tiếp tục thực hiện các nội dung quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ban hành Quy định về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn. Tiếp tục triển khai Đề án “Quản lý các cửa hàng kinh doanh an toàn thực phẩm trong chợ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025” nhằm quản lý, đảm bảo công tác an toàn thực phẩm trong chợ, trong đó tập trung tuyên truyền vận động các hộ kinh doanh các sản phẩm an toàn, đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho các cơ sở, đơn vị kinh doanh thực phẩm trong chợ…

 

Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức giải tỏa và duy trì giải toả, xử lý dứt điểm các điểm bán hàng rong không đảm bảo quy định, không để tồn tại, tạo công bằng cho các tiểu thương kinh doanh trong chợ hoạt động hiệu quả hơn.

 

Minh Ngọc


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang