Thứ Sáu, 22/11/2024 13:14:31 GMT+7
Lượt xem: 7116

Tin đăng lúc 14-12-2015

Huyện Thường Xuân: Tích cực tìm nhiều giải pháp đồng bộ thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, nâng cao đời sống nhân dân

Thường Xuân là một huyện miền núi, có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, là nơi hội tụ của những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Huyện Thường Xuân:  Tích cực tìm nhiều giải pháp đồng bộ thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, nâng cao đời sống nhân dân
Hồ Cửa Đạt

Với tiềm năng sẵn có của huyện, những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp, các ngành, du lịch Thường Xuân đã dần được biết đến là một vùng đất hội sơn, tụ thủy, địa linh nhân kiệt. Số lượng khách đến với Thường Xuân ngày càng tăng. Hoạt động du lịch đã góp phần quảng bá được hình ảnh, tiềm năng du lịch đã đóng góp đáng kể vào phát triển KT – XH của huyện.

 

Vị trí địa lý thuận lợi, có nguồn tài nguyên đất và tài nguyên rừng phong phú là điều kiện thuận lợi để Thường Xuân phát triển một nền kinh tế theo cơ cấu nông lâm nghiệp – công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp – xây dựng cơ bản – thương mại và dịch vụ theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, cung cấp nguồn thực phẩm dồi dào, có chất lượng tốt phục vụ nhu cầu khách du lịch. Tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, kết hợp với khí hậu miền núi mát mẻ, trong lành là lợi thế để phát triển du lịch. Các danh lam, thắng cảnh của Thường Xuân còn hoang sơ, môi trường trong sạch là điều kiện thuận lợi để phát triển thành một khu du lịch sinh thái rừng quy mô lớn. Trong đó có những nguồn tài nguyên có lợi thế như Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Khu danh thắng Hồ Thủy lợi – Thủy điện Cửa Đạt, thăm rừng cây Di sản Sa Mu, Pơ Mu (ở xã Bát Mọt). Hệ thống các hang, động, thác đẹp: Hang Cáu, Hang Tình, Hang Vua, Thác Mù (ở xã Vạn Xuân).

 

Những năm qua, kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn huyện đã từng bước được đầu tư, nâng cấp. Một số dự án hạ tầng du lịch đã triển khai thực hiện như: Tuyến đường dẫn ra bến thuyền khu lòng Hồ Cửa Đạt đã hoàn thành, tuyến đường ven Hồ Cửa Đạt đang thi công phục vụ khai thác tiềm năng du lịch sinh thái Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, chuẩn bị hoàn thành cầu treo Bản Mạ (Xuân Cẩm), đưa vào sử dụng phục vụ dự án phát triển du lịch cộng đồng Làng Mạ. Riêng Khu Di tích lịch sử văn hóa địa điểm Hội thề Lũng Nhai đã được đầu tư xây dựng trên 800 m đường dẫn vào từ nguồn xã hội hóa với tổng nguồn vốn đã đầu tư trên 420 triệu đồng. UBND huyện đang tiếp tục đấu mối với đơn vị tư vấn triển khai lập Quy hoạch tổng thể khu Di tích.

 

Từ thực trạng của địa phương, huyện đã xác định mục tiêu định hướng trong thời gian tới là: Phát triển du lịch văn hóa tâm linh, phát huy và khai thác có hiệu quả các khu du lịch: Đền thờ Cầm Bá Thước, khu du lịch sinh thái hồ Cửa Đạt, Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, đồng thời mở ra các hướng phát triển, đa dạng hóa sản phẩm du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm... nhằm kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tăng hiệu quả kinh doanh và sức hấp dẫn cho du lịch Thường Xuân, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nhanh tỷ trọng ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế địa phương, tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành trong quá trình phát triển kinh tế, phát huy truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc, tôn tạo và giữ gìn các di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan môi trường, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Hàng năm, phấn đấu tăng thu hút khách từ 10 – 15%/năm, khách lưu trú tăng từ 10 – 17%/năm.

 

Phát triển du lịch sinh thái Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Du lịch cộng đồng Làng Mạ, du lịch đường thủy kết hợp với du lịch tâm linh và khu khách sạn, dịch vụ, khu vui chơi, giải trí chất lượng cao tại Đô thị Cửa Đạt với nhiều hình thức hấp dẫn. Coi đây là một trong những trọng tâm của chiến lược phát triển KT – XH huyện đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Xây dựng Trung tâm đón tiếp khách phục vụ tour du lịch sinh thái lòng hồ Cửa Đạt – Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên.

 

Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của địa phương. Du lịch sinh thái: Tham quan Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tham quan lòng hồ Cửa Đạt và vùng nuôi hải sản nước ngọt. Du lịch rừng, du lịch nghỉ dưỡng khám phá hành trình “Cây di sản” thuộc khu Bảo tồn và nghỉ dưỡng tại các thôn bản (Thôn Đục, Thôn Vịn, xã Bát Mọt). Du lịch thể thao mạo hiểm: bơi thuyền kayak, lướt ván, mô tô nước trên lòng hồ Cửa Đạt, du lịch học tập kỹ năng sống thuộc dự án “Trường giáo dục kỹ năng sống OutWard Bound Việt Nam” do tập đoàn Kinderworld Singapore dự kiến đầu tư tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên...

 

Để đẩy nhanh tốc độ phát triển và làm nổi bật những tiềm năng hiện có về du lịch tại địa phương, huyện đã có những giải pháp phù hợp như: Tạo lập và nâng cao hình ảnh du lịch Thường Xuân thông qua các chương trình quảng cáo chuyên nghiệp bằng hình ảnh, đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền, các ấn phẩm phát hành thông tin một cách thường xuyên và liên tục theo các kênh khác nhau, để phản ánh, giới thiệu về du lịch Thường Xuân, lấy du lịch sinh thái Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên và du lịch tâm linh đền Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng ngàn là sản phẩm chủ lực mang tính đặc thù.

 

Phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, các cơ quan báo chí của Trung Ương và địa phương để thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá. Xây dựng Website về du lịch Thường Xuân. Khuyến khích các cơ sở kinh doanh, các nhà đầu tư, các tổ chức xã hội và nhân dân trong huyện tích cực tham gia công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị làm việc nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ những người làm công tác du lịch để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá, kêu gọi đầu tư.

 

Quan tâm đào tạo nghề, phối hợp với Sở LĐTB&XH, trường Trung cấp nghề mở các lớp dạy nghề thương mại – du lịch tại huyện cho đội ngũ quản lý, hướng dẫn viên và tư vấn du lịch, cho các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ hộ gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch.

 

Trong những năm qua, Thường Xuân đã từng bước định hướng quản lý, khai thác và phát huy các thế mạnh về hạ tầng và tiềm năng du lịch của địa phương. Đến nay, những thành công ban đầu đã tạo đà để triển khai những bước tiếp theo. Với tiềm năng, lợi thế, và sự quan tâm ủng hộ của tỉnh chắc chắn rằng trong tương lai gần, Thường Xuân sẽ gặt hái được nhiều thành công trong phát triển du lịch tại địa phương, phấn đấu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế giúp xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện trong thời kỳ CNH – HĐH và hội nhập quốc tế.

 

Minh Phương


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang