Từ một địa hình mệnh danh là vùng “rốn lũ”
Tuy Phước là huyện đồng bằng phía nam tỉnh Bình Định, có diện tích 217,12 km2, dân số 180.382 người. Phía nam huyện liền kề với TP Quy Nhơn; Hiện nay Tuy Phước có 10 xã, và 2 thị trấn là: Thị trấn Tuy Phước và thị trấn Diêu Trì.
Với địa hình giáp biển qua đầm Thị Nại, đón hai dòng nước từ Sông Kôn và Sông Hà Thanh hợp lưu, cánh đồng huyện Tuy Phước trở thành “rốn lũ” hằng năm. Bù lại, Tuy Phước được mệnh danh là vùng đất của lúa và tôm với nguồn phù sa màu mỡ bồi đắp và thủy sản đa dạng từ nguồn nước lợ của Đầm Thị Nại.
Hệ thống giao thông thuận tiện cả đường thủy và đường bộ, Tuy Phước có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế và đang vươn lên làm giàu với phong trào xây dựng nông thôn mới một cách căn cơ và bền vững.
Đến những công trình điện khí hóa nông thôn đầu tiên
Đại hội Đảng bộ Tuy Phước luôn xác định: “Tuy Phước phải đi lên bằng con đường điện khí hóa nông thôn để khắc phục các tác hại đặc thù của thiên nhiên và vươn lên làm giàu”.
Trước thời điểm tháng 8 /1993, khi nguồn điện quốc gia mới về Bình Định thì Tuy Phước đã đón đầu bằng việc manh nha xây dựng hệ thống lưới điện hạ thế len lỏi về các xã vùng ven làm nông nghiệp và thủy sản. Công ty Xây lắp điện Tuy Phước được thành lập ngay từ những ngày đầu tách huyện Phước Vân để thành lập hai huyện Tuy Phước và Vân Canh. Đây chính là bà đỡ cho chương trình điện khí hóa nông thôn toàn huyện lúc bấy giờ.
Nguồn vốn được huy động một cách linh hoạt từ Nhà nước, HTX nông nghiệp và sự hăng hái đóng góp của nông dân. Lúa, tôm, heo, gà… chính là những hàng hóa đặc trưng của Tuy Phước được quy đổi thành dây cáp điện, Trạm biến áp và thiết bị điện… để Tuy Phước sớm có mạng lưới điện tuy còn chắp vá, nhưng rất thiết thực cho việc phát triển kinh tế - xã hội toàn huyện.
Vai trò của Công ty Điện lực Bình Định và Điện lực Tuy Phước đã trở thành điểm tực vững chắc cho lưới điện Tuy Phước vươn dài, trải rộng đến hôm nay. Nhiều công trình hoàn thiện, chống quá tải lưới điện nông thôn - đã cũ nát vì xây dựng trên 20 năm đã được tiến hành trong những năm qua một cách thường xuyên.
Đưa điện về các vùng nông thôn Tuy Phước
Mới đây, ngày 7/12/2016, tại xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, Công ty Điện lực Bình Định và Điện lực Tuy Phước đã tổ chức khánh thành đóng điện đưa vào sử dụng cho công trình hoàn thiện, chống quá tải lưới điện nông thôn khu vực huyện. Đây là một trong 60 công trình điện tiêu biểu do Công ty Điện lực Bình Định đầu tư trên phạm vi toàn tỉnh trong năm 2016.
Riêng công trình khu vực huyện Tuy Phước có chiều dài đường dây 22 kV là 2,6 km, đường dây 0,4 kV dài 42 km, xây dựng 17 trạm biến áp với tổng dung lượng 2.490 kVA và tổng giá trị đầu tư lên đến 20,7 tỷ đồng.
Nông thôn Tuy Phước bừng sáng
Điện về, Tuy Phước khởi sắc trong mọi mặt của đời sống, điện kích hoạt tạo động lực trong phát triển kinh tế xã hội địa phương, đặc biệt trong phong trào trào xây dựng nông thôn mới. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2016, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ước đạt 1.672.032,7 triệu đồng, đạt 86,95% kế hoạch năm và tăng 4,74% so với cùng kỳ. Riêng giá trị sản xuất công nghiệp ước tính 1.321.014 triệu đồng, đạt 76,18% KH năm và tăng 10,66% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội ước thực hiện 1.028.717 triệu đồng, đạt 80,59% so với KH năm và tăng 11,04% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu ước đạt 15,720 triệu USD, tăng 12,65% so với cùng kỳ; giá trị nhập khẩu ước đạt 2,777 triệu USD, tăng 5,59% so với cùng kỳ.
Năm 2016, hai xã Phước Lộc và Phước Sơn của huyện Tuy Phước được UBND tỉnh Bình Định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đưa tổng số xã nông thôn mới toàn huyện lên 6/10 xã. Cùng với 28 xã hoàn thành XDNTM giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh Bình Định có 38 xã/122 xã về đích XDNTM.
Tiêu chí số 4 về xây dựng nông thôn mới là xây dựng hệ thống điện hoàn chỉnh tại địa phương với 100% hộ được sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng với chất lượng cao, an toàn… CBCNV Điện lực Tuy Phước tự hào đã góp phần thực hiện được điều đó trên quê hương giàu truyền thống cách mạng và văn hóa huyện Tuy Phước.
Trần An Khương
Giám đốc Điện lực Tuy Phước