Internet Day 2020 do Hiệp hội Internet Việt Nam và Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đồng tổ chức.
Hưởng ứng quyết tâm mãnh liệt nhằm Chuyển đổi số bằng việc dấn thân sáng tạo công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng một quốc gia hùng cường, thịnh vượng trong thời đại số, Ban tổ chức Internet Day lần thứ 9 năm 2020 quyết định chọn “Hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số của Việt Nam” làm chủ đề chính.
Làm chủ hạ tầng số quốc gia, làm chủ không gian mạng quốc gia
Phát biểu khai mạc Hội thảo và Triển lãm thường niên Internet Day 2020, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh với cộng đồng Internet Việt Nam một số nội dung lớn mang tính định hướng để cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng cùng nhau hành động.
Một là, tiếp tục mở rộng hơn nữa khả năng tiếp cận Internet theo tinh thần Internet cho tất cả mọi người, hướng tới phổ cập Internet toàn dân. Thực hiện mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia: Mỗi người dân có một điện thoại thông minh; Mỗi hộ gia đình có một đường internet cáp quang tốc độ cao.
Hai là, phát triển hạ tầng số quốc gia đáp ứng các yêu cầu mới về bùng nổ thiết bị thông minh IoT và giao tiếp máy - máy. Chuyển đổi hoàn toàn Internet Việt Nam sang không gian địa chỉ IPv6. Đưa Việt Nam trở thành điểm trung chuyển, thành "Hub Internet" của khu vực.
Ba là, phát triển hệ sinh thái các nền tảng số đáp ứng nhu cầu của người dân Việt Nam và đi ra thế giới. Mở rộng không gian mạng quốc gia thông qua mở rộng phạm vi hoạt động của các nền tảng số “Make in Viet Nam”. Việt Nam cần nhiều hơn nữa các nền tảng số “Make in Viet Nam” có khả năng đi ra toàn cầu để chiếm lĩnh những không gian mới.
Bốn là, đặt nhiệm vụ làm chủ hạ tầng số quốc gia, làm chủ không gian mạng quốc gia, bảo vệ chủ quyền số quốc gia là một nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu. Bản chất của Internet là mở, dựa trên công nghệ mở, giao thức mở. Doanh nghiệp Việt Nam cần làm chủ và ứng dụng công nghệ của thế giới, từ đó làm chủ hạ tầng Internet và không gian mạng Việt Nam. Tại Diễn đàn công nghệ mở 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông và cộng đồng công nghệ đã cùng nhau cam kết và lựa chọn chiến lược mở để phát triển và làm chủ công nghệ Việt Nam, để Make in Viet Nam.
Năm là, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bao gồm: an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và an ninh thông tin. Phổ cập dịch vụ số đi đôi với việc phổ cập dịch vụ an toàn, an ninh mạng cho xã hội.
Trên tinh thần đó, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chúc mừng Ngày Internet Việt Nam năm 2020 với chủ đề “Hiện thực hóa khát vọng Chuyển đổi số của Việt Nam”. Đây là cơ hội để chúng ta nhìn lại chặng đường phát triển hơn 20 năm của Internet Việt Nam. Quan trọng hơn, đó là cùng nhau thể hiện một khát vọng lớn lao để đưa những dấu chân số của Việt Nam ngày càng đi xa hơn và in dấu đậm nét trong không gian mạng toàn cầu.
Chuyển đổi số bắt nguồn từ kinh tế dữ liệu
Tại Hội thảo và Triển lãm thường niên Internet Day 2020, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã cùng nhau thảo luận về chủ đề “Hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số của Việt Nam”.
Hội thảo nhấn mạnh, Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia gồm có ba trụ cột chính: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Phát biểu tại hội thảo, Tổng giám đốc VNG Lê Hồng Minh chia sẻ về vai trò của dữ liệu trong nền kinh tế số.
Theo ông Minh, gần đây nhiều người nhắc đến câu nói “Data is the new oil” – dữ liệu là dầu mỏ của thế kỷ 21. Nhưng thật ra giữa dầu mỏ và dữ liệu vẫn có sự khác biệt. Dầu mỏ thì hữu hạn trong khi dữ liệu data là vô hạn.
“Các số liệu của thế giới cho biết trung bình mỗi người tạo ra tới 1,7 GB dữ liệu mỗi ngày. Đó là nguồn dữ liệu vô cùng lớn, nhưng cũng như dầu thô, dữ liệu thô không có giá trị. Quan trọng là phải thu thập, phân tích và xử lý nó như thế nào”, ông Lê Hồng Minh cho hay.
Theo Tổng giám đốc VNG Lê Hồng Minh, tại Việt Nam, dữ liệu của người dùng chưa được tôn trọng và bảo vệ. Chúng ta không biết thông tin của mình đang bị những ai thu thập và thu thập để làm gì. Hiện nay, 99% dữ liệu là dữ liệu thô, chỉ có 1% dữ liệu đc xử lý để tạo ra giá trị, nhưng trong 1% này thì có tới 99% là do các doanh nghiệp đa quốc gia lớn trên thế giới xử lý, phân tích. Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ phân tích, xử lý được 1% còn lại. Các nguồn dữ liệu tại Việt Nam cũng tương đối rời rạc, không liên thông, nhiều dữ liệu trùng lặp.
Để phát triển kinh tế số từ dữ liệu số, theo ông Minh, trước hết, người dân cần phải có được sự tin tưởng là dữ liệu cá nhân của mình được tôn trọng và bảo vệ. Đó là tiền đề, là nền tảng đầu tiên. Việt Nam rất cần xây dựng một Luật bảo vệ dữ liệu quyền riêng tư.
“Để thúc đẩy kinh tế số thì đây là việc cực kỳ quan trọng. Mỗi người có quyền được biết dữ liệu của mình do ai thu thập, vì mục đích gì và có quyền đống ý hoặc từ chối không cho thu thập. Trên thế giới đã có khung pháp lý cho vấn đề này để chúng ta có thể tham khảo”, ông Lê Hồng Minh cho biết.
Sau khi tạo dựng được niềm tin, cần một hạ tầng để phát triển kinh tế dữ liệu tại Việt Nam. Hiện tại, các nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn nằm trong dự án của các bộ ngành riêng biệt. Hiện nay Việt Nam đang thiếu xác minh nhận dang số (digital identity – ID) cho mỗi công dân. Hy vọng là 3-5 năm tới, Việt Nam sẽ xây dựng được một hạ tầng ID thay cho chứng minh nhân dân, sơ yếu lý lịch.
Ông Minh đề xuất, sau khi xây dựng hạ tầng dữ liệu thì cần khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức Việt Nam trao đổi dữ liệu với nhau. Chính phủ tạo ra một nền tảng để các bên có thể chia sẻ, trao đổi dữ liệu. Vì việc này thì không doanh nghiệp nào có thể tự làm được.
Theo Nhân Dân