Trong khi Brexit chưa tìm được lối thoát thì nguy cơ Itexit hiện hữu khi Italy đang bộc lộ quá nhiều mâu thuẫn với những quốc gia còn lại trong khối.
Bất đồng giữa Italy và EU có nguồn gốc sâu xa hơn nhiều. Hồi giữa năm nay, một con tàu của lực lượng vũ trang Italy đã cứu sống 190 người bị nạn trên biển, trong đó một số người đã được nước này tiếp nhận. Để giải quyết số còn lại, Roma gửi tối hậu thư cho Uỷ ban châu Âu (EC) đề nghị tiếp nhận, nhưng không một bên nào ra tay.
Ngay sau đó, Chính phủ Italy tuyên bố nếu EU không đạt được thỏa thuận nào về tình trạng nhập cư thì sẽ chấm dứt đóng góp ngân quỹ cho khối (khoảng 20 tỷ EUR), đây là điều vô tiền khoáng hậu trong lịch sử EU.
Roma có lý do để bất đồng với EU qua vấn đề nhập cư, vì Italy là cửa ngõ vào châu Âu từ Trung Đông và châu Phi, vì vượt biên qua Địa Trung Hải có cơ hội thành công nhiều hơn so với trên đất liền.
Cũng như nhiều nước châu Âu văn minh khác, Italy không thể tiếp nhận tất cả dòng người di cư. Nhưng phần nào đó, giới chức nước này đã cho thấy sự rộng lượng, ngược lại EU dường như bỏ mặc nỗ lực này.
Từ vấn đề nhập cư, bất đồng tiếp tục lan ra lĩnh vực tài chính, theo đó EU không đồng ý để Italy thực hiện kế hoạch thâm hụt ngân sách năm 2019 là 2,4% GDP. Phía Roma lập luận rằng kế hoạch trên sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập và cho phép nợ công giảm khoảng 1% GDP.
Cụ thể, chi tiêu nhiều hơn sẽ giúp liên minh cầm quyền gồm đảng Phong trào 5 sao và đảng cánh hữu Liên đoàn, có nguồn tài chính để thực hiện các cam kết hạ tuổi nghỉ hưu, giảm thuế, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tăng phúc lợi.
Là nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực Eurozone, nhưng năng suất lao động ở Italy thuộc nhóm thấp nhất khối, tỷ lệ thất nghiệp khá cao, đặc biệt núi nợ công khổng lồ lên đến 2.300 tỷ USD.
Rõ ràng EU có lý do để bắt chẹt kế hoạch tài chính năm 2019 của Italy, nếu tình trạng thất nghiệp không được cải thiện, nợ công tiếp tục phá đỉnh thì nguy cơ vỡ nợ hoàn toàn có thể xảy ra. Bài học Hy Lạp, Tây Ban Nha đã quá rõ ràng. Nhất là với khu vực Eurozone, một cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra không ai có thể đứng ngoài cuộc.
Trên thực tế, không dễ gì EU chấp nhận kế hoạch thâm hụt ngân sách của Italy, nhưng nước này sẽ không còn cách nào khác để giảm con số thâm hụt ngân sách 2,4% GDP. Bởi nợ công, thất nghiệp không cho phép thực hiện điều đó.
Bởi vậy, để thực kế hoạch tài chính năm 2019 mà không phải nhận lệnh trừng phạt từ EU, thì Italy chỉ còn cách Itexit, tức là nối gót Anh rời EU.
Itexit rất có khả năng xảy ra vì kế hoạch tài chính của mỗi quốc gia là vấn đề vô cùng hệ trọng, rất khó để thực hiện theo ý muốn bên ngoài. Thậm chí nếu Italy được EU nhượng bộ và gây ra hệ quả sụp đổ hệ thống tài chính của nước này, thì chính EU cũng khó cứu nổi Roma vì nền kinh tế Italy lớn hơn Hy Lạp nhiều lần.
Rời EU đã trở thành phong trào, Anh và Italy đều là những cường quốc, dĩ nhiên bên phải nuối tiếc là EC và Nghị viện châu Âu chứ không phải bản thân các nước ra đi.
Brexit có lý do khác với Itexit, nhưng cùng điểm chung là khi không tìm thấy lợi ích giao thoa của đôi bên. Phải chăng EU đang khủng hoảng về mặt thể chế?
Nguồn Enternews