Ngày 10/8, tại TPHCM, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị phổ biến Thông tư 08 với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, hiệp hội, sở công thương các tỉnh, thành phố phía Nam, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa và TPCN.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Thông tư 08 chính thức có hiệu lực từ hôm nay, 10/8, giúp bảo đảm hài hoà quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp (DN), từ đó đưa ra định giá phù hợp cho các sản phẩm.
Theo Bộ Công Thương, thương nhân sản xuất, nhập khẩu sữa phải đăng ký giá bán lẻ khuyến nghị và có trách nhiệm thông báo kịp thời mức bán lẻ đã đăng ký với hệ thống phân phối sản phẩm của mình. Mức bán lẻ phải được niêm yết và không vượt quá mức giá bán lẻ đã đăng ký.
Bộ Công Thương cho biết, nhiều đơn vị cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ, các cơ quan quản lý khác để thực hiện hướng đến thị trường cạnh tranh lành mạnh.
Ông Lê Thành Liêm, Giám đốc Tài chính của Vinamilk khẳng định, Vinamilk cam kết với Hiệp hội Sữa Việt Nam thực hiện tốt hơn việc đăng ký kê khai quản lý giá sữa.
Chia sẻ quan điểm về quy định đăng ký, kê khai giá sữa và TPCN, ông Khuất Quang Hưng, đại diện Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng (NFG) thuộc Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá cao việc Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành Thông tư 08 dựa trên các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường.
Thông tư này đề ra một hướng quản lý mới, theo đó tập trung vào quản lý hệ thống phân phối và giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng sẽ giúp đạt được mục tiêu quản lý của Nhà nước. Đó là bảo đảm được sự minh bạch của thị trường và lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời tôn trọng quyền tự định giá của DN và các nguyên tắc cơ bản khác của nền kinh tế thị trường.
Vẫn còn nhiều hạn chế
Mặc dù đánh giá khá cao quy định mới về quản lý giá sữa, nhưng một số ý kiến tại hội nghị vẫn băn khoăn với một số quy định trong Thông tư 08.
Ông Nguyễn Văn Dũng, đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, chỉ có 5 ngày thực hiện kê khai giá, kể từ ngày tiếp nhận biểu mẫu, là quá ngắn. Nên thực hiện dài ngày hơn, vì chắc chắn sẽ có một lượng lớn hồ sơ đăng ký kê khai giá dồn về cơ quan quản lý. Trường hợp cơ quan quản lý xử lý không kịp thì hồ sơ sẽ “bị trôi”.
Đại diện Sở Công Thương Đồng Nai cho rằng, nên có quy định, hướng dẫn cụ thể cách tính chi phí hợp lý để sở công thương các tỉnh vận dụng, nếu không sẽ dễ dẫn đến tình trạng tỉnh này đồng ý với giá đó nhưng tỉnh khác thì không. Hậu quả là DN đem hồ sơ lên kiến nghị, hoặc “truy” cơ quan quản lý.
Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) lý giải, quy định kê khai giá bán lẻ khuyến nghị là mức giá mà người tiêu dùng được tiếp cận nhằm bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời giúp cơ quan Nhà nước quản lý tốt hơn đối với giá những mặt hàng nhạy cảm này.
Bên cạnh đó, quy định này cho phép DN kê khai các mức giá phù hợp với địa bàn phân phối theo khu vực địa lý nhất định, hoặc theo đặc thù hoạt động phân phối. Đặc biệt, đối với các loại hình phân phối có chi phí bán hàng cao, người bán lẻ có thể kê khai giá của mình với cơ quan chức năng theo phân cấp, nhưng phải giải trình đầy đủ.
Bộ Công Thương cho biết thêm, ngoài quản lý giá bán của hàng hóa, sẽ yêu cầu DN khai báo về hệ thống phân phối sản phẩm để giúp cơ quan quản lý Nhà nước cho thẩm quyền giám sát việc thực hiện giá bán trên thị trường. Từ đó gắn trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với chất lượng và giá hàng hóa của mình đến người tiêu dùng cuối cùng.
Trong phạm vi điều chỉnh giá bán với biên độ (dưới 5%), DN vẫn được giữ quyền chủ động về việc thay đổi giá, nhưng có sự giám sát thông qua việc DN gửi thông báo điều chỉnh giá cho cơ quan Nhà nước.
Nguồn Chinhphu