Thứ Ba, 26/11/2024 04:29:09 GMT+7
Lượt xem: 2721

Tin đăng lúc 25-08-2018

Kết nối, quản lý nhà thuốc: Càng sớm, càng lợi cho dân!

Ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc góp phần bảo đảm chất lượng thuốc, tối ưu hoá việc kinh doanh của nhà thuốc, giúp cơ quan quản lý nhà nước có thêm dữ liệu, còn người dân khi mua thuốc biết được thuốc do ai sản xuất, hạn sử dụng, tác dụng ra sao, giá cả thế nào…
Kết nối, quản lý nhà thuốc: Càng sớm, càng lợi cho dân!
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tham gia kết nối là nghĩa vụ, trách nhiệm xã hội của các cơ sở cung ứng thuốc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh như vậy tại điểm cầu thành phố Hưng Yên trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, với sự tham dự của hơn 16.000 đại biểu ở 775 điểm cầu.

 

Nhắc lại những bài báo “Nói và Làm” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh viết trên Báo Nhân dân đề cập đến những vấn đề thiết thực, cụ thể, nhưng “ích nước, lợi nhà”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ứng dụng CNTT kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc là một việc cụ thể trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khoá XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

 

“Nghị quyết có rất nhiều việc cần làm, nhưng trong đó có 2 việc ‘cần làm ngay’. Thứ nhất là triển khai hệ thống y tế từ cơ sở trở lên để hướng tới sau một số năm chúng ta quản lý được sức khoẻ của từng người dân, lập hồ sơ sức khoẻ cá nhân gắn với hồ sơ bệnh án điện tử. Thứ hai là kết nối, quản lý toàn bộ hệ thống nhà thuốc”, Phó Thủ tướng cho biết.

 

 

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm một nhà thuốc tư nhân ở thành phố Hưng Yên.

 

Việc kết nối các cơ sở cung ứng thuốc đã thiết lập cơ sở dữ liệu về 22.000 loại thuốc nhằm khắc phục tình trạng “việc quản lý mua bán thuốc ở Việt Nam thuộc hàng lỏng lẻo’ nhất trên thế giới”.

 

“Ở đâu cũng có thể mua được thuốc kháng sinh vừa hại sức khoẻ cho người dân, vừa khiến Việt Nam là nước có tỷ lệ kháng kháng sinh rất cao trên thế giới. Chưa kể, vì không có ai mặc cả khi mua thuốc nên rất khó quản lý giá thuốc, trừ một số loại thuốc đã được đấu thầu tập trung. Chỉ tính riêng những loại thuốc đấu thầu tập trung trong vài năm qua thì chúng ta đã giảm giá trung bình trên 10%/năm và hiện nay giá thuốc ở Việt Nam chỉ cao hơn 1 nước ở ASEAN và có thể giảm tiếp”, Phó Thủ tướng dẫn chứng để nhấn mạnh ý nghĩa của việc ứng dụng CNTT kết nối các cơ sở cung ứng thuốc góp phần bảo đảm chất lượng thuốc, tối ưu hoá việc kinh doanh của nhà thuốc, giúp cơ quan quản lý nhà nước có thêm dữ liệu, còn người dân khi mua thuốc biết được thuốc do ai sản xuất, hạn sử dụng, tác dụng ra sao, giá cả thế nào, thậm chí có thể so sánh giá, chỉ ra nhà thuốc gần nhất bán thuốc tốt nhất, giá cả hợp lý.

 

“Đây là nỗ lực, trách nhiệm rất lớn với xã hội của các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh thuốc. Chúng ta nói nhiều đến các thuận lợi, nhưng đừng quên khi đưa một biện pháp quản lý mới đòi hỏi sự thay đổi thói quen của rất nhiều nhà thuốc và cả người dân, cũng như khi bắt đầu tin học hoá, sử dụng máy tính trong các cơ quan nhà nước. Chưa kể việc quản lý này gián tiếp, trực tiếp và dần dần tiến tới loại bỏ mọi hành vi kinh doanh không trong sạch, có tính gian lận”, Phó Thủ tướng khẳng định.

 

 

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉnh Hưng Yên, Tập đoàn Viettel nhấn nút khai trương hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc.

 

Theo Phó Thủ tướng, tham gia kết nối không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là trách nhiệm xã hội, vì sức khoẻ của người dân, các cơ sở cung ứng thuốc phải bước qua mọi lợi ích cục bộ. Vì vậy, Phó Thủ tướng đánh giá rất cao những nhà thuốc đã, đang và sẽ tích cực tham gia vào hệ thống.

 

“Chúng ta không loại trừ sẽ có một bộ phận không muốn, cố tình không tham gia. Bên cạnh việc hỗ trợ cũng cần xử lý nghiêm khắc theo quy định. Do đó rất cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của chính quyền các cấp. Không có lý do gì vì quản lý công khai minh bạch, theo đúng pháp luật, vì lợi ích của người dân mà các nhà thuốc lại không tham gia”, Phó Thủ tướng nêu rõ và đề nghị các cấp chính quyền địa phương quán triệt tinh thần này. Bên cạnh đó, ngành y tế cần hướng dẫn cụ thể, thuyết phục nhân viên y tế trong các cơ sở y tế tuân thủ việc kê đơn và những công việc liên quan khác.

 

“Đây là việc làm cụ thể đem lại lợi ích to lớn cho ngành y tế nên không có lý do gì không thực hiện. Chúng ta đặt mục tiêu đến hết năm 2018 triển khai kết nối tất cả các nhà thuốc trên toàn quốc, năm 2019 là các quầy thuốc, nhưng tôi mong lộ trình này là muộn nhất, vì nếu thực hiện đồng loạt có thể làm rất nhanh như kinh nghiệm triển khai kết nối thanh toán bảo hiểm y tế đến tận các trạm y tế xã trên cả nước. Khó nhất là chỉ đạo đồng lòng, quyết liệt từ trên xuống. Lợi cho người dân ngày nào thì nên làm sớm ngày đấy, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 6 (khoá XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”, Phó Thủ tướng tin tưởng.

 

Sau khi nhấn nút triển khai hệ thống kết nối các nhà thuốc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đi thị sát tại một số nhà thuốc tại thành phố Hưng Yên đang sử dụng phần mềm quản lý thuốc qua mạng.

 

Theo báo Chính phủ

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang