Đẩy mạnh sản xuất sản phẩm an toàn
Là một trong những DN đầu tiên của Nam Định đầu tư xây dựng chuỗi sản xuất - tiêu thụ gạo an toàn, Công ty TNHH Toản Xuân (huyện Ý Yên) đang phối hợp với 10 hợp tác xã và 5 hộ nông dân tại 6 huyện: Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường, Vụ Bản, Ý Yên sản xuất 500ha lúa Bắc Hương. Với chất lượng bảo đảm, bắt đầu từ tháng 8/2016, những ki-lô-gam gạo đầu tiên của DN này đã được thị trường Thủ đô chấp nhận.
Giống như Công ty TNHH Toản Xuân, nhiều đơn vị sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh đã đầu tư công nghệ, sản xuất các sản phẩm nông sản an toàn. Theo bà Hoàng Thị Tố Nga - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, triển khai Chương trình phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt, thủy sản cho Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định đã kiểm tra, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông – lâm - thủy sản.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 280 cơ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông – lâm - thủy sản được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; xây dựng được 293 mô hình cánh đồng mẫu lớn. Tỉnh cũng tư vấn và hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất đối với một số sản phẩm chủ lực như: Cá bống bớp Nghĩa Hưng, sản xuất chế biến gạo chất lượng cao của Công ty TNHH Toản Xuân, chuỗi liên kết sản xuất chế biến khoai tây chất lượng cao, sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn Nhật Bản, thịt lợn an toàn theo quy trình VietGAP…
Nhờ những nỗ lực, từ chỗ sản phẩm khá khó khăn khi tìm chỗ đứng tại thị trường thủ đô, đến nay, nhiều sản phẩm nông sản Nam Định đã được người tiêu dùng Hà Nội chấp nhận.
Chất lượng là yếu tố quan trọng nhất
Hà Nội là thành phố có nhu cầu lương thực, thực phẩm lớn, đặc biệt là các sản phẩm an toàn. Mặc dù diện tích sản xuất lúa đạt 100.000ha, tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhưng sản xuất tại chỗ của thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Vài năm gần đây, hoạt động kết nối nông sản an toàn về Thủ đô đã được triển khai mạnh mẽ. Nam Định là một trong những đối tác lớn với hai sản phẩm quan trọng là gạo chất lượng cao và thủy sản.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là nông sản Nam Định còn chưa được người tiêu dùng nhớ đến. Để khắc phục tình trạng này, Hà Nội đang thường xuyên tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, trong đó có chính sách hỗ trợ gian hàng cho các đơn vị đưa nông sản an toàn về Hà Nội... Hà Nội cũng quyết định dành ra 6 tỷ đồng, giao Trung tâm Xúc tiến thương mại tổ chức các hoạt động quảng bá, tuyên truyền miễn phí cho các sản phẩm, chuỗi nông sản sạch của các địa phương khi đưa vào phân phối tại Hà Nội. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Nam Định nên giao cho một đơn vị đầu mối thường xuyên liên lạc với Trung tâm Xúc tiến thương mại để tận dụng tối đa cơ hội này.
Đặc biệt, chất lượng sản phẩm được đánh giá là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp hàng hóa trụ vững ở thị trường Thủ đô. Hà Nội sẽ đưa ra tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng nông sản thực phẩm về Thủ đô, sau đó cung cấp thông tin, công khai cho DN biết để triển khai, bảo đảm sản phẩm đưa về Hà Nội phải rõ nguồn gốc, xuất xứ và bảo đảm an toàn thực phẩm. Các DN được khuyến cáo nỗ lực duy trì chất lượng sản phẩm để giữ vững thị phần.
9 tháng đầu năm 2016, tỉnh Nam Định đã đưa về Hà Nội tiêu thụ khoảng 100.000 tấn gạo chất lượng cao, 20.000 tấn rau quả, 50.000 tấn thủy sản… an toàn. |
Nguồn Báo Công Thương điện tử