Để tiếp tục phát huy và đẩy mạnh hơn nữa kết quả đạt được, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắc lắc đã công nhận Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đắk Lắk là hội đặc thù, và giao một số nhiệm vụ gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước. Sau đây là một số kết quả hoạt động của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đắk Lắk trong 6 tháng đầu năm 2015.
Về công tác tổ chức của Hội
Trên địa bàn tỉnh đã có 9 hội, trong đó 01 hội hoạt động trên địa bàn tỉnh, 08 hội hoạt động trên địa bàn huyện, thị, với tổng số 685 hội viên. Cơ cấu tổ chức của hội bao gồm 04 bộ phận: Văn phòng hội, Phòng tư vấn giải quyết khiếu nại người tiêu dùng, Ban tuyên truyền, Ban Luật pháp. Cả hội có 09 cán bộ chuyên trách, trong đó 05 cán bộ hoạt động tại Hội tỉnh, 04 cán bộ hoạt động tại hội cấp huyện.
Công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Trong 6 tháng đầu năm hội đã tổ chức 01 hội thảo, 01 hội nghị tuyên truyền và phổ biến kiến thức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giới thiệu hoạt động của hội với sự tham gia của 600 lượt đại biểu. Cụ thể là: Phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương tổ chức 01 Hội thảo “Quyền được thông tin của người tiêu dùng – Thực trạng và giải pháp”; Tổ chức 01 Hội nghị tuyên truyền công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phổ biến luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng kết hợp khám loãng xương cho người tiêu dùng.
Hoạt động tuyên truyền và phổ biến pháp luật, kiến thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn được đẩy mạnh nhân sự kiện “Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới” – ngày 15 tháng 3 như tiến hành treo 60 băng rôn, khẩu hiệu, 500 cờ phướn, phát hành 10.000 tờ rơi nhằm giới thiệu những quyền và nghĩa vụ cơ bản của người tiêu dùng, trách nhiệm của doanh nghiệp với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trách nhiệm của cộng đồng, của các cơ quan, tổ chức có liên quan với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra, hội cũng phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành tuyên truyền bằng xe lưu động trên các tuyền phố chính của thành phố Buôn Ma Thuột trong hai ngày 14 và 15 tháng 3 năm 2015, tổ chức giới thiệu các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Phát thanh, Đài Truyền hình, báo viết và báo mạng…
Công tác tư vấn, giải quyết khiếu nại người tiêu dùng
Trong 6 tháng đầu năm hội đã tiếp nhận, giải quyết và tư vấn giải quyết tổng số 21 vụ khiếu nại của người tiêu dùng thuộc nhiều lĩnh vực liên quan đến chất lượng hàng hóa dịch vụ. Trong đó đáng lưu ý là tỉ lệ giải quyết thành công lên đến 96%, đây là tỉ lệ thành công thuộc mức cao nhất của các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong cả nước. Có được kết quả đó chứng tỏ mức độ chuyên nghiệp, khả năng giải quyết khiếu nại của cán bộ hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đắk Lắk đạt đến mức độ chuyên nghiệp, các vấn đề được giải quyết đã thấu tình, đạt lý, được các bên tham gia khiếu nại đều chấp nhận (do các biện pháp giải quyết tranh chấp người tiêu dùng phần lớn mới chỉ dừng lại ở hòa giải).
Thực hiện nhiệm vụ gắn với quản lý nhà nước
Ngay sau khi Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành quyết định số 1046/QĐ-UBND ngày 2 tháng 7 năm 2012 về giao nhiệm vụ gắn với quản lý nhà nước cho hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng . Việc ban hành quyết định số 1046/QĐ-UBND thể hiện sự quan tâm sát sao của Ủy ban nhân dân tỉnh với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như sự tin tưởng và đánh giá cao của Ủy ban nhân dân tỉnh với hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đắk Lắk, bởi tại thời điểm đó còn nhiều địa phương vẫn lúng túng không biết giao việc gì, giao như thế nào, và liệu hội có đảm nhiệm được chức năng quản lý nhà nước giao cho hay không? Không nằm ngoài sự mong đợi của cơ quan quản lý địa phương, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao và tiếp tục được giao cho đến nay. Trong 6 tháng đầu năm 2015 Hội đã tích cực tham gia hỗ trợ công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh trong nhiều lĩnh vực như:
- Tổ chức thường trực, nắm bắt, tiếp nhận thông tin về giá cả, biến động thị trường, từ đó tham mưu, đề xuất với cơ quan nhà nước ban hành chính sách quản lý, xử lý phù hợp. Tiếp nhận thông tin phản ánh từ người tiêu dùng về tình hình thị trường, giá cả để báo cáo cho cơ quan chức năng kịp thời xử lý (Chi cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương, Chi cục Tiêu chuẩn Do lường Chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế…). Hỗ trợ đắc lực cho các ngành chức năng trong nhiệm vụ quản lý nhà nước.
- Hưởng ứng, tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Kêu gọi người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng sản xuất trong nước, khuyến khích doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn, vùng sâu vùng xa.
- Tham gia các ban công tác, các đoàn thanh tra kiểm tra, các chương trình hành động do UBND tỉnh, các sở, ngành tổ chức, các ban hoạt động do cơ quan nhà nước chủ trì như: Ban Chỉ đạo thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh do Sở Y tế chủ trì; Ban Chỉ đạo thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh chủ trì; Hội đồng Tư vấn, thẩm định hồ sơ, cấp, cấp lại và thu hồi giấy phép các tổ chức, cá nhân hành nghề y do Sở Y tế chủ trì; Hội đồng giải quyết khiếu nại chất lượng công tơ điện do Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì…
- Tham gia các hoạt động trong “Tháng hành động đảm bảo An toàn Vệ sinh Thực phẩm”, tuyên truyền, kêu gọi, vận động các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thực hiện đúng quy định về an toàn thực phẩm.
- Phối hợp với Thanh tra Sở Công Thương, chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng và Điện lực Đắk Lắk trực tiếp giải quyết các vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng về công tơ điện tại Công ty Điện lực Đắk Lắk.
- Tham gia đóng góp ý kiến các văn bản pháp luật do cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn gửi đến.
Ngoài ra, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đắk Lắk còn tiến hành thực hiện triển khai đề tài “Điều tra, khảo sát tình hình thực hiện quy định ghi nhãn hàng hóa sản phẩm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”.
Tổng kinh phí hoạt động trong năm 2015 được ngân sách nhà nước hỗ trợ là: 324.903.000 đ (Ba trăm hai tư triệu, chín trăm lẻ ba nghìn đồng).
Mặc dù Đắk Lắk là tỉnh nằm trên khu vực vùng cao Tây Nguyên, còn nhiều khó khăn về kinh tế, tuy nhiên Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đắk Lắk luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thiện tốt nhiệm vụ được giao, được UBND tỉnh công nhận là hội đặc thù, được giao nhiệm vụ gắn với quản lý nhà nước. Để có được những kết quả như trên là do sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk, sự tham mưu sát sao của Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, cũng như sự phối hợp nhịp nhàng giữa Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với các Sở Ban ngành, cơ quan tổ chức trong tỉnh. Ngoài ra, không thể thực hiện tốt nếu thiếu những con người nhiệt huyết, tận tâm vì công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đắk Lắk mà tiêu biểu nhất là chủ tịch hội Nguyễn Thị Phương Lan. Một cán bộ mẫn cán của ngành công thương tỉnh Đắk Lắk, một thời đã được mệnh danh là “Nữ tướng rừng xanh” làm những đối tượng kinh doanh bất chính khiếp sợ, thì nay chị lại mang tài năng, tâm huyết của mình để bảo vệ quyền lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng tỉnh nhà.
Hi vọng rằng, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của UBND tỉnh Đắk Lắk và các sở, ban, ngành ở địa phương, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục phát huy kết quả đạt được, ngày càng thể hiện rõ vai trò, vị trí của mình trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, là điểm đến đáng tin cậy mỗi khi người tiêu dùng bị vi phạm quyền lợi, xứng đáng là một trong những hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động hiệu quả và tốt nhất trong cả nước.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương