Thứ Bẩy, 23/11/2024 19:48:39 GMT+7
Lượt xem: 5196

Tin đăng lúc 17-12-2014

Kết thúc đàm phán và chuẩn bị ký kết các FTA - Cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt xuất khẩu

Khoảng 2 tháng trở lại đây, Việt Nam đã cơ bản kết thúc đàm phán 3 FTA mới, gồm Liên minh Châu Âu, Hàn Quốc và gần nhất là Liên minh Hải quan Belarus - Kazakhstan - Nga (VCUFTA). Ngay sau Lễ ký kết Tuyên bố chung kết thúc đàm phán VCUFTA, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng - Trưởng đoàn đàm phán VCUFTA phía Việt Nam - đã dành riêng cho phóng viên Báo Công Thương cuộc trao đổi về các vấn đề liên quan đến lợi ích của FTA này.
Kết thúc đàm phán và chuẩn bị ký kết các FTA - Cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt xuất khẩu
Khi FTA được ký kết, doanh nghiệp Việt sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu nhiều hàng hóa, dịch vụ

VCUFTA vừa chính thức ký kết Tuyên bố chung kết thúc đàm phán. Xin Bộ trưởng cho biết tiến trình đàm phán FTA này đã diễn ra cụ thể như thế nào?

 

Hôm nay, hai đoàn đàm phán VCUFTA đã kết thúc phiên đàm phán thứ 8, vòng đàm phán cuối cùng của hiệp định này và đã ký kết chính thức tuyên bố chung kết thúc đàm phán. Phần còn lại mang tính chất kỹ thuật sẽ được hai bên tích cực, nỗ lực để đầu năm 2015 ký kết chính thức và trình lãnh đạo hai bên phê duyệt.

 

Với tinh thần phấn đấu để có một FTA thế hệ mới chất lượng cao, hai bên đã vận dụng hết sức linh hoạt các nội dung trong đàm phán, đặc biệt là quán triệt được tinh thần, đạt được nguyên tắc bảo đảm cân bằng lợi ích của hai bên có tính đến điều kiện cụ thể của từng bên. Trong quá trình đàm phán, phía Việt Nam đã có đề nghị với phía bạn tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam có thể tăng cường thúc đẩy xuất khẩu những hàng hóa mà Việt Nam có thế mạnh và cũng là những lợi ích cơ bản của Việt Nam, như hàng dệt may, giày dép, thủy sản và một số sản phẩm chế biến khác.

 

Trên thực tế, chúng ta đã đạt được kết quả này và tôi có thể khẳng định rằng nếu hiệp định được ký kết chính thức thì chắc chắn đây sẽ là một công cụ hết sức thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ba nước Liên minh Hải quan với dân số hơn 170 triệu người, thu nhập bình quân đầu người khá cao. Qua tính toán sơ bộ, Việt Nam có thể tăng trưởng xuất khẩu sang các nước này từ 18 - 20%/năm, và như trong Tuyên bố chung đã khẳng định, năm 2014, kim ngạch xuất nhập khẩu của hai bên đạt khoảng 4 tỷ USD thì đến năm 2020 sẽ đạt từ 10 - 12 tỷ USD. Xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng ở mức cao hơn trước, nhất là đối với người lao động Việt Nam, trong đó có nông dân, nuôi trồng thủy sản, công nhân trong lĩnh vực dệt may, giày dép chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi hơn trong tiêu thụ sản phẩm với giá cả hợp lý, có lợi, qua đó ổn định phát triển sản xuất, vừa có thể tăng trưởng cao hơn hiện nay. Đây là điều hết sức phấn khởi.

 

Cùng với các hiệp định khác mà Việt Nam đã đàm phán, thỏa thuận ký kết cũng như đang đàm phán và chuẩn bị kết thúc thì chắc chắn rằng từ năm 2015 trở đi, thị trường tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam, nhất là những mặt hàng có thế mạnh như dệt may, da giày, thủy sản, công nghiệp chế biến sẽ có bước phát triển.

 

Sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường tiêu thụ của Liên minh Hải quan. Vậy các cam kết cụ thể mà Liên minh Hải quan sẽ dành cho phía Việt Nam thế nào?

 

Về nguyên tắc, phía bạn sẽ cam kết dành thị trường với thuế suất ưu đãi bằng 0% cho toàn bộ sản phẩm thủy sản, toàn bộ sản phẩm công nghiệp giày dép, phần lớn sản phẩm trong lĩnh vực dệt may và cho một số sản phẩm công nghiệp chế biến như đồ gỗ, cà phê, chè nếu chúng ta có khả năng xuất khẩu đáp ứng được yêu cầu chất lượng. Chắc chắn rằng đó là các cơ hội mà hiệp định này mang lại.

 

Thời gian gần đây, Việt Nam đã cơ bản kết thúc đàm phán 3 FTA mới. Lợi ích mang lại từ các FTA này sau khi được ký kết ra sao, thưa Bộ trưởng?

 

Đúng là những tháng gần đây, chúng ta đã cơ bản kết thúc đàm phán FTA với 3 đối tác rất quan trọng là Liên minh Châu Âu, Hàn Quốc và giờ là Liên minh Hải quan. Với Liên minh Châu Âu, với những gì chúng ta đã thỏa thuận thì tăng trưởng kim ngạch giữa hai bên sẽ ở mức từ 12 - 15%, với Hàn Quốc sơ bộ tính toán cũng sẽ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên khoảng 15%, và với Liên minh hải quan mà chúng ta vừa mới kết thúc hôm nay thì sẽ tăng bình quân từ 18 - 20%.

 

Với 3 thị trường này, trong đó Liên minh Châu Âu là 500 triệu dân, Hàn Quốc hơn 40 triệu dân và Liên minh Hải quan 170 triệu dân thì chắc chắn đây là những thị trường tiêu thụ hàng hóa rất lớn, sức mua cũng rất cao bởi thu nhập họ rất lớn. Đây cũng là cơ hội thuận lợi cho chúng ta mở rộng, đẩy mạnh sản xuất và khai thác tiềm năng, lợi thế, như tôi đã nhấn mạnh là dệt may, giày dép, thủy sản và các mặt hàng chế biến khác.

 

Các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý gì để tận dụng các lợi thế này?

 

Các hiệp định chúng ta đã đàm phán, ký kết và đang đàm phán chuẩn bị ký kết sẽ mang lại nhiều thuận lợi và ưu đãi, trước hết cho khu vực doanh nghiệp. Điều quan trọng mà các doanh nghiệp cần hiểu rõ là phải biết tận dụng, khai thác các ưu đãi mà hiệp định mang lại, nếu không, các ưu đãi sẽ rơi vào tay người khác. Như vậy, chúng ta không những không đạt mục tiêu là tăng năng lực cạnh tranh mà chúng ta còn bị thua ngay trên sân nhà. Do vậy, việc doanh nghiệp Việt Nam hiểu và tận dụng các cơ hội mà các hiệp định mang lại là rất quan trọng. Tôi nhấn mạnh là rất quan trọng và mang tính quyết định, còn Chính phủ, nhà nước chỉ tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi, người thực hiện phải là doanh nghiệp.

 

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

 

Theo Lê Khôi

baocongthuong.com.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang