Thứ Hai, 25/11/2024 12:59:50 GMT+7
Lượt xem: 753

Tin đăng lúc 18-06-2024

Khắc phục yếu kém trong cơ quan báo chí cũng là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Trong bối cảnh một số cơ quan báo chí có khuynh hướng “thương mại hóa” báo chí, đi ngược với chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng nền báo chí cách mạng, thì vai trò của người đứng đầu cơ quan báo chí là vô cùng quan trọng. Bởi trong thực tế, đã có không ít lãnh đạo cơ quan báo chí buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, vì lợi nhuận đã để cho phóng viên, cộng tác viên lợi dụng danh nghĩa báo chí thao túng, dọa nạt cơ quan, doanh nghiệp, thu lợi cho cá nhân, gây ảnh hưởng tới uy tín của nghề báo, làm xói mòn lòng tin của người dân đối với công cụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Khắc phục yếu kém trong cơ quan báo chí cũng là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi họp báo sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp (Ảnh sưu tầm)

Bài tham dự: Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Tư, năm 2024 trên địa bàn Thành phố Hà Nội

 

 

“Hiện nay tình hình kinh tế phát triển, đời sống tăng lên, nhưng xã hội bộc lộ nhiều tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, đã tác động nhiều đến đời sống báo chí và những người làm báo”.

 

Ngày 21/6/1925, Báo Thanh niên - cơ quan của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra số đầu tiên, đã khẳng định vai trò, vị trí của báo chí cách mạng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, chuẩn bị những điều kiện cần thiết về tư tưởng, lý luận, chính trị, tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại Hội nghị thành lập Đảng ta (tháng 2/1930), đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định, Báo chí có vai trò và ý nghĩa to lớn trong việc tuyên truyền, định hướng đường lối chính trị của tổ chức Đảng lãnh đạo.

 

Vài nét về vai trò của báo chí đối với công tác xây dựng Đảng

 

Suốt 98 năm qua, Đảng ta luôn khẳng định báo chí chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong toàn bộ công tác tư tưởng của Đảng, nhất là trong những giai đoạn mang ý nghĩa bước ngoặt của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy xuất sắc, người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam luôn đề cao vai trò của báo chí. Báo chí cách mạng Việt Nam thực sự là “người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể”. Nhiều nhà báo xứng đáng với danh hiệu cao quý “Nhà báo - chiến sỹ”. Báo chí đã cống hiến xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đó chính là nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”’ kết hợp xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ.

 

Đồng hành cùng đất nước trong tiến trình hội nhập, báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng trưởng thành, vươn tầm ảnh hưởng, góp phần vào sự phát triển toàn diện của đất nước và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nước ta với các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Báo chí không chỉ coi trọng việc phát hiện, giới thiệu và cổ vũ những nhân tố mới, mô hình hay, biểu dương người tốt, việc tốt... mà còn tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, góp phần tích cực vào việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường thuận lợi để đất nước phát triển và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Không chỉ có vậy, báo chí cũng góp phần cùng với các cơ quan chức năng phát hiện, đấu tranh với nhiều biểu hiện tiêu cực, chống tham ô, tham nhũng. Nhiều nhà báo đã không sợ liên lụy, dũng cảm đi sâu vào đời sống xã hội và doanh nghiệp để khám phá và phê phán các hành vi nhũng nhiễu, cửa quyền của một bộ phận công chức đã cố ý đặt ra các rào cản làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Báo chí cũng thẳng thắn lên án đối với những hành vi vi phạm pháp luật của một số thương nhân, góp phần làm cho môi trường đầu tư kinh doanh thêm lành mạnh. Báo chí cũng ca ngợi, tôn vinh những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn giỏi, tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, qua đó góp phần nâng cao vị thế doanh nghiệp trên thương trường và xã hội.

 

Báo chí phải viết gì để người dân dễ đọc, dễ hiểu

 

Theo số liệu của các cơ quan chức năng, tính đến hết năm 2023, cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí (trong đó có 319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 cơ quan Đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người. Tổng số người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021-2025 là 20.508 trường hợp, trong đó 7.587 trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học và trên đại học ngành Báo chí.

 

Với số lượng cơ quan báo chí kể trên đã tạo nên sức sống mới cho báo chí Việt Nam cả về số lượng báo, trang in, sóng phát thanh - truyền hình, lẫn chất lượng thông tin, kỹ thuật in ấn, công nghệ truyền tải... Những thay đổi của đất nước chính là chất liệu, là nguồn gốc của quá trình đổi mới và phát triển báo chí. Đời sống xã hội luôn đòi hỏi sự phát triển và báo chí đã biết tận dụng thời cơ tự khẳng định vai trò của mình. Các vấn đề kinh tế đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của báo chí và báo chí đã thích ứng với cơ chế thị trường mà vẫn giữ được định hướng chính trị đúng đắn, đưa đến cho người đọc, người xem nhiều món ăn tinh thần mới. Đặc biệt hơn, giới doanh nghiệp, doanh nhân đón nhận và vui mừng trước sự lớn mạnh của đội ngũ những người làm báo, sự đổi mới về nội dung, đa dạng về thông tin, phong phú về hình thức.

 

Cách đây cũng nhiều chục năm, trong một lần may mắn tôi được gặp Nhà báo Hữu Thọ – Nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Với sự ngưỡng mộ về tài năng, phẩm chất của cây đại thụ làng báo, tôi hỏi ông: Cháu đọc những bài trong mục “Chuyện làm ăn” đăng trên Báo Nhân Dân, thấy bác viết ngắn gọn, xúc tích và dễ hiểu quá”. Ông nhẹ nhàng nói: “Làm báo hiện đại thì càng phải ngắn gọn, viết càng phải gần gũi với đời thường. Khi viết báo, phải truyền tải được những thông tin thiết thực, để người dân dễ đọc, dễ hiểu, dễ làm theo. Báo chí cách mạng không được chạy theo khuynh hướng “thương mại hóa”, bởi làm như vậy sẽ tổn hại đến uy tín của Đảng, đi ngược lại lợi ích của dân tộc”.

 

Ngẫm lại lời tâm sự của Nhà báo Hữu Thọ về khuynh hướng “thương mại hóa” báo chí, mới thấy, những năm qua, bên cạnh những cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ mục đích theo Giấy phép hoạt động, thì vẫn tồn tại những khuyết điểm, hạn chế mà những người làm báo chân chính day dứt, dư luận xã hội bày tỏ sự lo ngại. Đó là, ở một số cơ quan báo chí, trong đấu tranh chống tiêu cực chưa đạt hiệu quả do thông tin chưa được chuẩn xác, động cơ không trong sáng, thái độ thiếu tinh thần xây dựng, ngôn từ không thể hiện tính văn hóa; một số cơ quan báo chí, nhà báo vi phạm đạo đức, sai sót trong tác nghiệp; thiếu nhạy cảm và trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội; thông tin thiếu tầm nhìn bao quát và chiều sâu tư tưởng; ít tuyên truyền, giới thiệu những yếu tố tích cực, những cách làm hay, kết quả mang lại, những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực mà lại thiên về tô đậm những yếu kém tiêu cực, mặt trái của xã hội, không phản ánh đúng thực tế cuộc sống, ảnh hưởng xấu đến tư tưởng và dư luận xã hội; không ít tin, bài, hình ảnh gây bất lợi cho công tác đối nội, đối ngoại; gây khó khăn, thậm chí làm thiệt hại cho doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng; một số cơ quan báo chí chưa quan tâm đúng mức đến cơ cấu nội dung, đưa quá liều lượng các thông tin liên quan đến mặt trái khiến các thế lực thù địch lợi dụng vu cáo chế độ ta.

 

Lại nữa, thời gian gần đây, cũng có không ít lãnh đạo cơ quan, tổ chức, địa phương và doanh nghiệp phàn nàn về việc họ hay nhận được những cuộc điện thoại, tin nhắn từ các số máy lạ, tự xưng là phóng viên, thậm chí là trưởng, phó ban của một số cơ quan báo chí đòi gặp, đe dọa viết bài tố cáo, nhằm xin quảng cáo, tài trợ. Những trường hợp như thế đã gây bức xúc cho doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, làm xói mòn lòng tin đối với cơ quan báo chí và danh dự của các nhà báo. Người dân rất tin tưởng ở báo chí, bởi báo chí là công cụ của Đảng, Đảng nói là dân làm theo. Báo chí phải có trách nhiệm bảo vệ quan điểm, nền tảng tư tưởng của Đảng và phải thực sự xứng đáng là công cụ đắc lực, đấu tranh với các biểu hiện sai trái, đi ngược lại lợi ích của Đảng, của dân tộc.

 

Để khắc phục vấn đề này, vừa qua, Cục Báo chí xuất bản – Bộ Thông tin và Truyền thông đã mạnh tay xử lý nhiều trường hợp, trong đó có cả cơ quan báo chí và nhà báo, phóng viên. Có những người lợi dụng danh nghĩa nhà báo để tống tiền doanh nghiệp, lại cũng có cơ quan báo chí dung túng để phóng viên lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của cơ quan, tổ chức, người dân để viết bài sai sự thật, hoặc câu view, giật gân nhằm thu hút người hiếu kỳ, gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại không chỉ về mặt kinh tế, mà còn làm tổn thương về mặt tinh thần, uy tín danh dự của các tổ chức, cá nhân và nhiều hệ lụy khác. Những biện pháp mà các cơ quan quản lý nhà nước áp dụng đối với những vụ việc sai phạm rất được dư luận đồng tình, ví dụ, đối với cơ quan báo chí thì xử lý phạt tiền, đình bản, ngắn thì một tháng, dài tới ba tháng, nghiêm trọng hơn có thể tới 6 tháng, một năm, hoặc thu hồi giấy phép. Còn cá nhân sai phạm sẽ khiển trách, cảnh cáo, thu hồi thẻ nhà báo, thậm chí chuyển cơ quan pháp luật xử lý hình sự. Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần ngọn, bởi rất cần phải tìm ra cái gốc rễ của vấn đề dẫn tới những sai phạm đó.

 

Trước hết, đó là việc các cơ quan báo chí phải hiểu và làm đúng chức năng nhiệm vụ, quyền hạn đã được ghi trong giấy phép hoạt động. Các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên cần phải có ý thức tuân thủ các quy định của Luật Báo chí, về đạo đức nghề nghiệp, để không dễ bị cám dỗ vật chất, dẫn tới đánh mất mình chỉ vì một khoản tiền, có khi số tiền đó lại không lớn. Đạo đức nghề nghiệp, cũng như am hiểu pháp luật phải được liên tục trau dồi, bởi nếu xa rời tôn chỉ đó, sẽ có những nhà báo, phóng viên trong khi tác nghiệp không hiểu rõ đúng sai, không nắm bắt thông tin mà chỉ dựa vào các trang mạng xã hội để rồi viết bài theo kiểu hư cấu, làm ảnh hưởng đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

 

 

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị giao ban báo chí đầu Xuân Giáp Thìn 2024 (Ảnh: VGP/Hải Minh)

 

Khắc phục yếu kém trong cơ quan báo chí cũng là bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng

 

Không khó lắm, chỉ cần cơ quan quản lý báo chí nhà nước trước khi hiệp thương bổ nhiệm phải kiểm tra, tìm hiểu xem người đó có đủ tin cậy, xứng đáng là người đứng đầu cơ quan báo chí hay không? Tin cậy bởi báo chí là hoạt động đặc thù, không thể để cơ quan chủ quản (các tổ chức chính trị, xã hội, ngành nghề…) bổ nhiệm người chưa làm báo, chưa quản lý báo chí, hoặc đang làm doanh nghiệp sang đứng đầu cơ quan báo chí, vì họ không hiểu được những nguyên tắc của Luật Báo chí quy định nên khi đã được bổ nhiệm rồi, thường thì họ chỉ tập trung làm sao đốc thúc phóng viên kiếm được nhiều tiền cho cơ quan, mà ít chú trọng tới chất lượng nội dung. Phóng viên sai phạm trước hết đó là lỗi của thủ trưởng cơ quan báo chí, họ đã thiếu kiểm tra, nhắc nhở, không thường xuyên trau dồi bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, thậm chí còn bật đèn xanh, dung túng cho phóng viên, nhà báo làm những việc vi phạm pháp luật. Chính những người đứng đầu như vậy mà phóng viên trong quá trình tác nghiệp đã định hướng sai, không tập trung vào chuyên môn, mà chỉ bằng mọi cách, trong đó có việc vòi vĩnh, quấy quả, dọa dẫm cơ quan, doanh nghiệp để tạo nguồn thu cho tòa báo và bản thân mình. Thế nên, khi sự việc xảy ra, nếu sai phạm liên quan đến pháp luật thì cứ xử lý nghiêm người đứng đầu là mọi việc sẽ ổn.

 

Ngăn ngừa, không để các cơ quan báo chí sai phạm cũng không phải là khó, bởi cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cứ nghiêm khắc nếu các tòa báo đi chệch hướng giấy phép hoạt động, sai với tôn chỉ mục đích. Không thể để tình trạng giấy phép hoạt động trong lĩnh vực này thì cơ quan báo chí lại viết sang lĩnh vực khác. Bởi trên thực tế, khá nhiều phóng viên chưa được cấp thẻ nhà báo, hay cả cộng tác viên thường lấy thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí “đánh hơi” từ mạng xã hội, rồi lấy danh nghĩa cơ quan báo chí để hù dọa cơ quan, doanh nghiệp, địa phương, nhất là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực SXKD, bất động sản, xây dựng, môi trường… Điển hình là mới đây ở Nghệ An, một nữ giám đốc doanh nghiệp đã mượn danh là phóng viên cơ quan báo chí và cảnh sát giao thông, "bảo kê" các chủ phương tiện bằng việc các chủ xe vận tải phải đóng tiền hằng tháng với số tiền 10 triệu đồng/phương tiện thì sẽ tác động, can thiệp xin lực lượng cảnh sát giao thông bỏ qua lỗi cho phương tiện vi phạm., gây bất bình cho người dân địa phương. Nếu giám sát, kiểm duyệt chặt chẽ thì chắc chắn không một cơ quan báo chí nào dám “phá rào”.

 

Do vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung, trong cơ quan báo chí nói riêng không phải xa vời, mà chính là ở đây.

 

Khắc phục tình trạng các cơ quan báo chí gây khó cho doanh nghiệp, địa phương, gần đây Cục Báo chí – Xuất bản cũng đã yêu cầu các cơ quan báo chí tổng hợp báo cáo tình hình hoạt động của các văn phòng đại diện, cơ quan thường trú của các tòa soạn báo. Tuy nhiên, hiện vẫn có những tờ báo ngành quân số lên tới 60-70 người, trong khi số cán bộ, phóng viên hưởng lương thực tế chỉ 9-10 người, số còn lại không hưởng lương thì nằm tại các cơ quan đại diện, văn phòng thường trú ở các địa phương. Họ lấy danh nghĩa báo chí tuyển dụng các cộng tác viên hoạt động quảng cáo, tạo nguồn thu cho Tòa soạn. Đội ngũ cộng tác viên này chỉ được hưởng phần trăm trên tổng doanh thu, vì vậy, ngoài một số ít mong muốn làm việc lâu dài, trau dồi kỹ năng làm báo thì đa phần lại tìm cách gọi điện, gửi thư xin xỏ, vòi vĩnh, thậm chí dọa dẫm cơ quan, doanh nghiệp. Những “nạn nhân” của các văn phòng đại diện, thường trú thường là các doanh nghiệp, đơn vị, địa phương và cả các cá nhân hoạt động trong những lĩnh vực như sản xuất vật liệu xây dựng, bất động sản, môi trường, hoặc “nhạy cảm” hơn là những nơi đó có mắc sai phạm, khuyết điểm… Nếu cơ quan báo chí nào để xảy ra sai phạm, xin cứ dẹp tất cả các cơ quan đại diện, văn phòng thường trú của cơ quan đó, thì tự khắc, họ sẽ bảo nhau làm ăn chân chính, đĩnh đạc.

 

Liên hệ thực tiễn

 

Liên hệ ngay Tạp chí Công nghiệp và Tiêu dùng - nơi tôi đang công tác có thể thấy, trong bối cảnh phải tạo nguồn thu để trang trải các hoạt động của cơ quan báo chí giai đoạn hiện nay, đặc biệt sau 02 năm Covid-19 lan rộng và những biến động chính trị do các cuộc xung đột quân sự trên thế giới là thách thức lớn đối với thủ trưởng cơ quan Tạp chí. Rất nhiều công ty truyền thông, cá nhân đã đến đề nghị Tổng biên tập cho mua trang ấn phẩm, hoặc sử dụng toàn bộ trang congnghieptieudung.vn để phục vụ mục đích riêng.

 

Xác định là cơ quan báo chí có trụ sở trên địa bàn quận trung tâm của Hà Nội, mỗi việc làm sai trái dù nhỏ trong cơ quan mình sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh, uy tín của Thành phố, của Thủ đô ngàn năm văn hiến – Trái tim của cả nước, nên trong hoạt động báo chí, Lãnh đạo Tạp chí Công nghiệp và Tiêu dùng đã không chấp nhận giao trắng cho đối tác, cá nhân, mà phải trực tiếp quản lý, kiểm soát nội dung trước khi đăng tải. Đặc biệt, Tổng biên tập kiên quyết nói không với những đề nghị mượn danh nghĩa Tạp chí để “đánh đấm”, dọa dẫm các doanh nghiệp, cơ quan… có sai phạm để kiếm lợi nhanh chóng. Để tránh xu thế báo hóa tạp chí, lợi dụng trang thông tin điện tử phục vụ mục đích “đánh đấm”, “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”, cơ quan quy định trách nhiệm của từng người, từ cán bộ chủ chốt đến các ban chuyên môn và nhân viên quản trị trang thông tin, kiên quyết không để xảy ra vi phạm dù nhỏ, làm ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của cơ quan báo chí.

 

Đối với việc sử dụng văn phòng thường trú, Lãnh đạo Tạp chí chú trọng khâu sàng lọc nhân sự, lựa chọn những người có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất tư cách thay mặt cơ quan hoạt động tại địa phương, không tham gia vào bất kỳ vụ việc trái với tôn chỉ mục đích, quy chế và pháp luật quy định. Phóng viên thường trú còn phải tham gia tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tuyên truyền bảo vệ quan điểm, nền tảng tư tưởng của Đảng, được tổ chức Đảng, chính quyền và nhân dân nơi công tác đánh giá cao, đặt lòng tin vào cơ quan báo chí. Đặc biệt, Tạp chí Công nghiệp và Tiêu dùng qua 10 năm thành lập đến nay, rất ít khi sử dụng cộng tác viên làm kinh tế, chỉ đặt bài viết theo chủ đề mà Tòa soạn đang thực hiện. Bởi theo quan điểm của Lãnh đạo Tạp chí, thì sử dụng cộng tác viên như con dao hai lưỡi, họ có thể vì lợi ích kinh tế, vì tham vọng cá nhân mà sẵn sàng chạy theo lợi nhuận vật chất, đánh đổi sinh mạng chính trị của cả tập thể. Tôi đã chứng kiến, Tổng biên tập gọi phóng viên lên phòng làm việc đối chất với những phản ánh của doanh nghiệp do có biểu hiện tiêu cực, hăm dọa doanh nghiệp và sau đó, có quyết định sa thải người phóng viên này. Các phóng viên, nhà báo trong Tòa soạn đều phải tuyệt đối chấp hành quy chế, quy định của cơ quan trong hoạt động báo chí, giữ gìn phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Mỗi cán bộ, phóng viên phải ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình, đúng mực trong quan hệ ứng xử với các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, trong quan hệ với cấp trên, đồng nghiệp, cộng tác viên và độc giả theo các tiêu chí “cơ quan báo chí văn hóa” và “người làm báo văn hóa”, xây dựng phong cách người làm báo cách mạng “vừa hồng, vừa chuyên”.

 

Vẫn biết, không tiêu cực thì cơ quan báo chí sẽ khó khăn hơn về mặt tài chính, nhưng cái được lớn là anh em nhà báo, phóng viên của Tạp chí chiếm được nhiều tình cảm, uy tín với đối tác khách hàng, độc giả và bản thân mỗi cán bộ, phóng viên đều thấy thanh thản, an yên hơn.

 

Chính vì vậy mà trong 10 năm qua kể từ ngày thành lập, lãnh đạo Tạp chí đã dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức nghiệp vụ chuyên môn nghề báo, cách khai thác tài liệu và những kỹ năng giao tiếp với cơ sở cho phóng viên, để các phóng viên không chỉ trở thành nhà báo giỏi nghề, mà còn giữ gìn phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp. Cán bộ, phóng viên không chỉ hoàn thiện về chuyên môn, viết báo tốt, mà còn tham gia tích cực trong việc tìm kiếm nguồn tài trợ phục vụ cho chiến lược phát triển của Tạp chí và nâng cao thu nhập cho bản thân. Trong đó, ngoài việc đào tạo tại chỗ, mọi lúc, mọi nơi, Tạp chí tạo điều kiện để anh chị em phóng viên được tiếp cận cơ sở, được tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam, nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao kiến thức chuyên ngành, qua đó dành tâm huyết vào từng bài báo, câu văn, để bài viết có nhiều cảm xúc, tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Chính vì vậy mà Tạp chí tuy tuổi đời còn rất trẻ, đội ngũ còn mỏng, nhưng Tạp chí Công nghiệp và Tiêu dùng đã nhanh chóng xây dựng được bản sắc riêng, bởi con người và sản phẩm của Tạp chí không khuếch trương màu mè, nhưng mang lại dấu ấn, phong cách của một tập thể làm báo vừa chững chạc, trẻ trung, tạo được sự hài hòa, gắn kết tin cậy giữa cơ quan báo chí với tổ chức và doanh nghiệp, luôn thực hiện đúng “10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo” do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành, không để xảy ra trường hợp nào mang danh phóng viên vi phạm bị xử lý theo pháp luật, xây dựng được hình ảnh của cơ quan báo chí nghiêm túc, hiệu quả. Một số phóng viên đã khẳng định được vị trí, chiếm được cảm tình của doanh nghiệp và bạn đọc, được các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức cá nhân, độc giả trong cả nước tin tưởng, đánh giá cao. Qua đó, xây dựng hình ảnh, xây dựng bộ máy những người làm báo trong sạch, giữ vững phẩm chất, đạo đức của người làm báo cách mạng.

 

Thiết thực, cụ thể công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong cơ quan báo chí chính là ở đây, không phải đâu xa.

 

Nguyễn Văn Đừng


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang