Thứ Sáu, 22/11/2024 16:51:06 GMT+7
Lượt xem: 3699

Tin đăng lúc 01-11-2015

Khai mạc Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI

Sáng 1/11, Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020 chính thức khai mạc tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô với gần 500 đại biểu đại diện hơn 39 vạn đảng viên toàn Đảng bộ thành phố tham dự.
Khai mạc Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI
Đoàn Chủ tịch điều hành đại hội. Ảnh: hanoimoi.com.vn

Dự Đại hội có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Trần Đức Lương; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các địa phương; các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, các nhân sĩ, trí thức; chức sắc tôn giáo tiêu biểu và các công dân thủ đô ưu tú…

 

Trong diễn văn khai mạc Đại hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: "Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ Thành phố đánh dấu chặng đường xây dựng, phát triển Thủ đô sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XV và sau hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, khẳng định bước trưởng thành và phát triển toàn diện của Thủ đô Hà Nội trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH, chủ động hội nhập quốc tế".

 

Đồng chí Phạm Quang nghị yêu cầu các đại biểu tập trung trí tuệ, thảo luận đóng góp được nhiều ý kiến xây dựng các Văn kiện Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố và các dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng.

 

 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đọc diễn văn khai mạc. Ảnh: hanoimoi.com.vn

 

Đại hội sẽ sáng suốt lựa chọn các đồng chí có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất và năng lực; có tinh thần trách nhiệm cao; có tư duy đổi mới; những người luôn đặt lợi ích chung của Đảng và nhân dân lên trên lợi ích cá nhân để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020; đáp ứng yêu cầu về số lượng và cơ cấu, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ theo chỉ đạo của Bộ Chính trị; vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa đảm bảo có sự kế thừa, chuyển tiếp và phát triển, để có sự kết hợp tốt nhất về độ tuổi và kinh nghiệm giữa các thế hệ cán bộ; lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố.

 

Trình bày Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ Hà Nội khóa XV, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Thế Thảo cho biết một số kết quả cơ bản, mang tính nổi bật trong giai đoạn 2010-2015.

 

Trong 5 năm qua, dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển và đạt mức tăng trưởng khá. Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm 2011-2015 ước tăng 9,23%/năm, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2015 theo giá hiện hành ước đạt khoảng 27,6 tỷ USD, bình quân thu nhập đầu người khoảng 3.600 USD, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010.

 

Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn trong 5 năm đạt trên 1 triệu 400 nghìn tỷ đồng, đạt kế hoạch và tăng gấp gần 2 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút được 1.080 dự án, với tổng số vốn đăng ký gần 3 tỷ USD. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 714,5 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân khoảng 7,1%/năm. Chi ngân sách địa phương gần 273 nghìn tỷ đồng, bảo đảm cân đối chi thường xuyên và ưu tiên tập trung cho đầu tư phát triển.

 

Vấn đề quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị có tiến bộ rõ rệt khi thành phố đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồng bộ Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thành các quy hoạch ngành, lĩnh vực, cơ bản hoàn thành các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung các huyện, thị xã, thị trấn, các đô thị vệ tinh. Lĩnh vực xây dựng và quản lý đô thị có nhiều tiến bộ, nhiều vấn đề dân sinh bức xúc được tập trung giải quyết tốt hơn. Kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện và mở rộng theo hướng hiện đại.

 

 

Đô thị Hà Nội ngày càng đẹp hơn. Ảnh: hanoimoi.com.vn

 

Trong 5 năm qua, Hà Nội đã huy động bình quân khoảng 5.800 tỷ đồng/năm cho đầu tư xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trụ sở được bê tông hóa đạt 100%; đường trục thôn và liên thôn được bê tông hóa đạt 95%. Tỷ lệ thôn, xóm, cụm dân cư có nhà văn hóa đạt 80,5%. Không còn phòng học tạm, dột nát và tình trạng học sinh phải học ba ca. 100% số xã có trạm y tế, có bác sỹ và nhiều xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Môi trường nông thôn được cải thiện, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải ở ngoại thành đạt 90%, dân số nông thôn được sử dụng nước đảm bảo vệ sinh đạt 100%. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn năm 2015 ước đạt 33 triệu đồng/người/năm, gấp 2 lần so với năm 2011. Toàn Thành phố có 179/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới (46,4%).

 

Công tác an sinh xã hội được bảo đảm, chất lượng cuộc sống của nhân dân từng bước được nâng cao Đến năm 2015, theo chuẩn chung của cả nước, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành việc xóa nghèo (tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,6%). Phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” được đẩy mạnh. Chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người được nâng cao.

 

Thời gian qua, Hà Nội đã quan tâm đầu tư, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa và bảo tồn, tôn tạo, nghiên cứu, giới thiệu, quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn, tạo ra những chuyển biến tích cực.

 

Nhiều phong trào, hoạt động xây dựng mô hình văn hóa ở cơ sở đạt kết quả tốt; những giá trị, nét đẹp văn hoá của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, truyền thống trong gia đình, họ tộc và cộng đồng dân cư được kế thừa, phát huy. Nếp sống văn hoá, văn minh đô thị, nhất là trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội có chuyển biến tốt…

 

Giáo dục và đào tạo Thủ đô khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước về các tiêu chí: quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô được giữ vững; quốc phòng và quân sự địa phương được củng cố, tăng cường. Trật tự an toàn xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Đã kiềm chế, từng bước đẩy lùi hoạt động của các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật.

 

Hoạt động đối ngoại, hợp tác, hội nhập phát triển tiếp tục được đẩy mạnh; vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao. Đến nay, Hà Nội có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô của các nước; là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín...

 

Công tác xây dựng Đảng được đặc biệt chú trọng, tạo được chuyển biến tích cực; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ. Đồng chí Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường và thực hiện hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Trong nhiệm kỳ, đã kiểm tra 278 tổ chức đảng, 1.063 đảng viên; giám sát chuyên đề gần 7.300 tổ chức đảng và trên 22.840 đảng viên. Từ kiểm tra, giám sát, đã phát hiện các nhân tố tích cực, mô hình mới, có hiệu quả để nhân rộng; những sơ hở, bất cập trong quản lý, điều hành để chấn chỉnh; những bất hợp lý trong cơ chế, chính sách để sửa đổi, bổ sung và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

 

 

Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn. Ảnh: hanoimoi.com.vn

 

Năm năm qua, đã xử lý kỷ luật 66 tổ chức đảng, 3.460 đảng viên, góp phần giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng.Công tác dân vận được quan tâm và đạt kết quả tích cực. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ. Chú trọng các giải pháp phòng ngừa đi đôi với xử lý nghiêm minh mọi vi phạm.

 

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội khóa XV nêu những mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu và trọng tâm phát triển Thủ đô trong giai đoạn 2015-2020, trong đó, mục tiêu tổng quát được xác định là: Xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên; phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng: dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, có nhiều sản phẩm với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao.

 

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hiện đại, môi trường bền vững. Văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; quốc phòng - an ninh được củng cố vững chắc; quan hệ đối ngoại được mở rộng, nâng cao vị thế và uy tín của Thủ đô. Phát huy vai trò đầu tàu, trung tâm phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

 

Nguồn: Chinhphu.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang