Tham dự phiên họp có các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội và các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về phía đại biểu khách mời có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Công an; cùng đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành Trung ương…
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trọng tâm của phiên họp lần này chủ yếu tập trung vào công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 4.
Trong khoảng 4 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến tập trung vào 2 nhóm vấn đề chính.
Nhóm vấn đề thứ nhất là các nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thường kỳ để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 gồm: dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vấn đề đẩy mạnh công cuộc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề lớn hiện nay, bao trùm từ Trung ương đến địa phương, liên quan đến cả khu vực công và khu vực tư, cũng như trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bám sát các mục tiêu theo định hướng lớn và nội dung lớn trong đề cương giám sát, cho ý kiến toàn diện về dự thảo báo cáo và trực tiếp vào dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, bao gồm những vấn đề quan trọng, những vấn đề lớn để làm căn cứ để tạo ra bước chuyển biến cơ bản đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Về nhóm vấn đề thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về các báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác năm 2022; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án năm 2022.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ liên quan đến tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2022.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung đánh giá công tác tiếp công dân, tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó có so sánh đối chiếu với năm 2021 và giai đoạn 5 năm vừa qua, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong hệ thống chính trị, bảo đảm sự gắn kết, đồng bộ về giải pháp, phương hướng nhằm góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.
Trong phiên họp lần này, Đoàn giám sát sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết về công tác giám sát đối với 2 chuyên đề: “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”; “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến toàn diện về các dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề, đặc biệt tập trung cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết, bảo đảm đúng trọng tâm, ngắn gọn, dễ hiểu, bám sát quan điểm, phạm vi, mục tiêu.
Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung đầu tiên của phiên họp: giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”.
Theo Nhân Dân