Thứ Ba, 07/01/2025 09:40:01 GMT+7
Lượt xem: 36

Tin đăng lúc 04-01-2025

Khẩn trương xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thực chất, hiệu quả, tạo động lực phát triển mới

Sáng 4/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam do Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức.
Khẩn trương xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thực chất, hiệu quả, tạo động lực phát triển mới
Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam là yêu cầu tất yếu, khách quan trong giai đoạn phát triển mới. Việt Nam đủ 5 điều kiện để xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Công an; đồng chí Lê Minh Trí, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương; đại diện doanh nghiệp, hiệp hội kinh tế; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức kinh tế, hiệp hội, nhà đầu tư, chuyên gia quốc tế.

 

Ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị ban hành Thông báo số 47-TB/TW kết luận về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Theo đó, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương đối với đề án Xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, với những nội dung chủ yếu như sau:

 

Thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm tài chính khu vực tại thành phố Đà Nẵng. Lựa chọn phát triển các Trung tâm tài chính có ranh giới địa lý nhất định và đối tượng điều chỉnh được xác định theo tiêu chí rõ ràng nhưng không “biệt lập”; theo mô hình “kết hợp” với các chính sách đặc thù, vượt trội theo lộ trình; Trung tâm tài chính được áp dụng cơ chế quản lý đặc thù, vượt trội hơn so với quy định hiện hành, mang tính cạnh tranh, nhưng phải kèm theo các cơ chế giám sát, quản lý rủi ro phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.

 

Thành lập các cơ quan để quản lý Trung tâm tài chính, gồm: cơ quan quản lý, điều hành; cơ quan giám sát; cơ quan giải quyết tranh chấp. Việc thành lập các cơ quan này triển khai thực hiện theo đúng quy định và thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

 

Cơ bản đồng ý chủ trương cho phép áp dụng các chính sách xây dựng Trung tâm tài chính và lộ trình thực hiện nêu trong đề án. Trong đó, từ nay đến năm 2030: Ban hành và tổ chức thực hiện ngay 8 nhóm chính sách phù hợp thông lệ quốc tế, phù hợp điều kiện Việt Nam và cần áp dụng ngay; đồng thời, thí điểm sáu nhóm chính sách thông dụng tại các Trung tâm tài chính lớn trên thế giới, nhưng cần có lộ trình áp dụng để phù hợp điều kiện thực tế Việt Nam.

 

Từ năm 2030 đến năm 2035: Tổ chức thực hiện đầy đủ theo lộ trình các nhóm chính sách thông dụng tại các Trung tâm tài chính lớn trên thế giới, phù hợp điều kiện thực tế Việt Nam. Lộ trình khung này mang tính chất định hướng; quá trình thực hiện cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhanh nhất có thể, nếu thời cơ thuận lợi, điều kiện đã chín muồi, thì có thể làm ngay, nhanh hơn các bước tiếp theo, không chờ theo thứ tự.

 

Giao Ban cán sự đảng Chính phủ xem xét quyết định thành lập Ban chỉ đạo liên ngành về Trung tâm tài chính để triển khai thực hiện; nghiên cứu, đánh giá tác động của các chính sách đột phá, mang tính cạnh tranh để kiến tạo mô hình phát triển Trung tâm tài chính phù hợp hiệu quả; phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội ban hành văn bản quy phạm pháp luật (trước mắt là Nghị quyết của Quốc hội) về Trung tâm tài chính quy định các nội dung mang tính nguyên tắc, khung chính sách và giao Chính phủ ban hành văn bản phù hợp hướng dẫn nội dung chi tiết, xử lý các vấn đề cụ thể, phát sinh.

 

Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu ban hành các văn bản cụ thể theo thẩm quyền, đầu tư nguồn lực tương xứng để triển khai thực hiện các nội dung của đề án; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ và phân công trách nhiệm rõ ràng, rành mạch giữa Trung ương và địa phương, trên cơ sở phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng trong triển khai thực hiện đề án này.

 

Bộ Chính trị yêu cầu các cơ quan phải xác định quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong tổ chức thực hiện đề án quan trọng này. Đây không phải chỉ là việc riêng, thành quả của Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng mà là trách nhiệm và thành quả của cả nước; vì vậy hệ thống chính trị cùng tham gia thực hiện. Các nội dung của đề án cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ, nhất quán, trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ để bứt phá; các cơ quan từ Trung ương đến địa phương phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, triển khai đúng tiến độ, lộ trình các công việc đề ra.

 

Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp các cơ quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương xây dựng, phát triển các Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, tạo sự thống nhất nhận thức và đồng thuận trong xã hội để tổ chức thực hiện.

 

Giao Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo các cơ quan tổ chức thực hiện Thông báo kết luận của Bộ Chính trị; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định những nội dung vượt thẩm quyền.

 

 

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu về sự chuẩn bị của TPHCM để phát triển trung tâm tài chính, các giải pháp triển khai kế hoạch hành động

 

Tại Hội nghị, Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: "Việc thành công trong xây dựng Trung tâm tài chính không chỉ phụ thuộc vào các chính sách mà còn sự đồng lòng của các nhà doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân, Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức thành lập bộ máy, chỉ đạo, chuẩn bị nhiều nhiệm vụ quan trọng cần thiết, trước mắt cũng như lâu dài. Chúng tôi nhận thức đây là một nhận thức đây là một cam kết chính trị hiện thực hóa chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ. Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm cao nhất thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị; Kế hoạch hành động của Chính phủ nhanh chóng, quyết liệt, khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương thực hiện đồng bộ các giải pháp; trước hết triển khai chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, đồng thời, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo địa phương để điều phối công tác; có các nhiệm vụ,kế hoạch, hành động cụ thể; quy hoạch không phát triển Trung tâm tài chính, tổ chức nghiên cứu quy hoạch đối với khu vực Trung tâm tài chính theo kế hoạch dự kiến; nghiên cứu mở rộng quy hoạch gắn với khu đô thị mới Thủ Thiêm, bảo đảm không gian phát triển, kết cấu hạ tầng đồng bộ; tập trung chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ quản lý và vận hành Trung tâm tài chính".

 

Thành phố cũng tập trung đào tạo nguồn nhân lực; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính; nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích, thu hút, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư, các thiết tài chính lớn trong thị trường tài chính an toàn, lành mạnh; tập trung bố trí nguồn lực, huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng trọng điểm Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh; huy động các nguồn lực gồm nguồn lực của ngân hàng, tổ chức quốc tế, vốn vay thương mại, nhà đầu tư tư nhân, vốn của cộng đồng xã hội; chủ động làm tốt công tác thông tin truyền thông tạo đồng thuận xã hội về việc này; tiếp tục tổ chức các hội thảo, tọa đàm, lắng nghe và tiếp thu nhiều ý kiến xác đáng của chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Hiện đã có nhiều tổ chức tư vấn đang hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh việc này để tiếp thu nhiều kinh nghiệm tiên tiến, phù hợp điều kiện Việt Nam.

 

Quá trình xây dựng Trung tâm tài chính là kết quả của tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực, tâm huyết của nhiều tổ chức, cá nhân, tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu, mọi việc còn ở phía trước còn nhiều thử thách. Đối với Việt Nam, đây là việc mới, việc khó, vì vậy Bộ Chính trị đã yêu cầu các cơ quan phải xác định quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong thực hiện Đề án quan trọng này. Đây không phải là việc riêng của Thành phố Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng mà là của cả nước.

 

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, qua Hội nghị này thấy được niềm tin để quyết tâm thực hiện việc khó này, nhưng không làm không được. Thủ tướng nêu rõ, năm 2024 là năm khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi nhưng cũng là năm, tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam tiếp tục phục hồi rất tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, năm 2024 đạt nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực và tốt hơn năm 2023: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và có thặng dư cao, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước thấp hơn giới hạn quy định; củng cố và tăng cường tiềm lực an ninh quốc phòng; làm tốt công tác đối ngoại, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tạo môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhất là khắc phục nhanh hậu quả cơn bão số 3 (Yagi); tích cực phát triển nhà ở xã hội, quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát trước 5 năm…

 

Thủ tướng bày tỏ, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có nhiều kiện sự kiện kỷ niệm trọng đại của đất nước; phải thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức theo hướng "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"; tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng; tăng tốc bứt phá hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, tạo tiền đề cho những năm sau. Chúng ta vẫn xác định là năm khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi nhưng vẫn ưu tiên tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn; thực hiện tốt hơn an sinh xã hội, cuộc sống của nhân dân ngày một ấm no hơn; làm mới các động lực tăng trưởng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm…; đặc biệt liên quan phát triển chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, internet vạn vật là những lĩnh vực mà Việt Nam đi tắt đón đầu, đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên. Trong đó, có việc hình thành các Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế để tạo động lực tăng trưởng mới, không gian phát triển mới; tích cực khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm. Muốn vậy phải có vốn, công nghệ, trí tuệ, trong đó coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán kịp thời, đúng lúc; đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, nhất là tạo đột phá về thể chế; đột phá về hạ tầng chiến lược; đẩy mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

 

Năm 2025, chúng ta vẫn xác định tăng trưởng kinh tế là ưu tiên vì chỉ tiêu này sẽ kéo theo nhiều chỉ tiêu khác tăng trưởng. Muốn tăng trưởng được thì phải có vốn, trong đó có kênh thu hút vốn từ thị trường tài chính, là kênh thu hút quan trọng. Hiện, tổng đầu tư toàn xã hội chiếm tỷ trọng từ 33-35% GDP, những năm tới, muốn đạt tăng trưởng 2 con số thì tỷ trọng này phải tăng lên 40-45% GDP. Do đó phải có động lực tăng trưởng mới, cần hàng năm một lượng vốn lớn cho phát triển nói chung 4-5 triệu tỷ đồng/năm, trong đó đặc biệt là đầu tư cho hạ tầng chiến lược. Một số các mục tiêu cụ thể bao gồm: ít nhất 3.000km cao tốc, thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau; khởi công tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; chuẩn bị tốt dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam; triển khai các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các dự án sân bay, cảng biển lớn. Vì vậy phải thu hút vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp.

 

Việt Nam đủ điều kiện để thành lập Trung tâm tài chính quốc tế chưa? Thủ tướng khẳng định đã đủ điều kiện bởi 5 yếu tố: quy mô nền kinh tế Việt Nam xếp hạng 33-34 trên thế giới; Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm vừa qua, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tăng trưởng được thúc đẩy khoảng 7%/năm; năm 2025 phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 8%, phấn đấu đạt 2 con số những năm tới, do đó nhu cầu vốn rất lớn; đột phá chiến lược đang đạt được những thành quả rất tích cực: thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh; tổng GDP khoảng 470 tỷ USD, vốn hóa của nền kinh tế Việt Nam đạt 7,2 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán đạt 2 con số, chúng ta có một nền kinh tế hội nhập với 17 FTAs; Việt Nam ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo được môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển, cuộc sống thanh bình, an ninh, an toàn, an dân. Ngoài ra, Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược, địa chính trị quan trọng, phát triển năng động nhất thế giới. Do đó có Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế sẽ kết nối thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo thêm nguồn lực mới, thúc đẩy nguồn lực hiện hữu; tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế để phát triển kinh tế-xã hội; thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả, theo chuẩn mực quốc tế; tạo ra động lực mới, tạo sự đột phá về phát triển. Đây là yêu cầu khách quan của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới, giai đoạn bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc giàu mạnh, thịnh vượng.

 

Do đó, Chính phủ phải nhanh chóng trình Quốc hội các cơ chế, chính sách vào kỳ họp sắp tới, do đó các bộ, ngành, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng khẩn trương thực hiện việc này vì đây là việc khó, việc mới, phức tạp nhưng phải làm, không làm thì không phát triển được, không làm thì không có tăng trưởng 2 con số, “khó mấy cũng phải làm”; Việt Nam hóa những tinh hoa của thế giới trong lĩnh vực này vì chúng ta phải học tập nhưng phải phù hợp điều kiện Việt Nam: có nguồn nhân lực, có hạ tầng, có tổ chức công nghệ quản lý; có sự đồng lòng, thống nhất của các cơ quan trong hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp. Tinh thần là “vừa chạy, vừa xếp hàng”; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

 

Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng phải nhanh chóng xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, hình thành khu vực ; phương thức huy động nguồn lực, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chuyển giao công nghệ quản trị thông minh. Các bộ, ngành phải đồng tình, ủng hộ, sát cánh với 2 thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Xây dựng các văn bản quy định. Các đối tác quốc tế tiếp tục đồng hành trao đổi, phổ biến kinh nghiệm, đề xuất các chính sách, hỗ trợ lực tài chính, nhân lực. Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”, "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi", "Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm".

 

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đây không phải là việc riêng của 2 thành phố mà là của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, phải cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng và phát triển, đưa đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và ấm no.

 

Theo Nhandan.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang