Theo đó, việc chấm điểm xếp loại sẽ có 4 mức từ không hoàn thành nhiệm vụ đến hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cơ sở xét các tiêu chí như: Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, công tác năm của các đơn vị; triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; chỉ đạo về các vụ việc bắt giữ, điều tra, xử lý các vi phạm... Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một phương thức mới nhằm tăng cường ý thức trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương; giúp đánh giá năng lực cán bộ; hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành, tránh tình trạng lợi ích cục bộ, đùn đẩy trách nhiệm... đặc biệt sẽ tạo sự công bằng, phân minh, khách quan trong đánh giá nhiệm vụ, thay vì chỉ tập trung vào một số bộ, ngành như trước đây.
Qua đánh giá, xếp hạng, Chính phủ cũng sẽ tìm ra những điểm yếu, tồn tại để có giải pháp kịp thời, giúp giảm thiểu tác hại của hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng cho người tiêu dùng, tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hóa trong nước.
Đồng thời, qua việc chấm điểm, nếu có chế tài thưởng phạt công minh, cũng sẽ tạo sự chuyển biến lớn giữa các địa phương theo chiều hướng tích cực. Bởi lẽ, không địa phương nào muốn mình đứng ở top cuối và bị nhắc nhở, phê bình. Điều này có thể thấy rõ khi Việt Nam áp dụng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã tạo sự chuyển biến rất lớn trong nhận thức của lãnh đạo công chức, viên chức địa phương.
Quyết định này đã thổi thêm luồng gió mới trong tư duy, nhận thức, hành động của các thành viên Chính phủ cũng như lãnh đạo các địa phương; đồng thời khẳng định sự kiên định chủ trương xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động quyết liệt phục vụ nhân dân.
Nguồn Báo Công Thương