Chủ Nhật, 08/12/2024 03:02:46 GMT+7
Lượt xem: 3492

Tin đăng lúc 03-01-2017

Khi bốn "nhà" cùng bắt tay

Cái "bắt tay" của bốn "nhà", là cấp ủy, chính quyền; ngân hàng; nông dân và doanh nghiệp, tại các vùng quê của hai tỉnh Ninh Bình, Hà Nam đã giúp dần hình thành một vùng nông sản sạch có thương hiệu. Các sản phẩm rau, củ, quả, thịt lợn, gia cầm sạch... đã trở thành lựa chọn của bà con trong vùng và đáp ứng nhu cầu các vùng lân cận.
Khi bốn "nhà" cùng bắt tay
Ảnh minh họa

Một số thị trường xuất khẩu đã và đang chờ sản phẩm sạch của nông dân nơi đây. Và quan trọng hơn, đã hình thành thói quen sản xuất và tiêu thụ nông sản bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm, theo quy trình khoa học kỹ thuật nghiêm ngặt.

 

Cái "bắt tay" của bốn "nhà" là sự ràng buộc quyền lợi và trách nhiệm của bốn bên. Trong đó, sự tham gia của cấp ủy, chính quyền như một sự bảo đảm cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đúng định hướng, theo quy hoạch phù hợp với đặc điểm của địa phương. Ðồng thời, vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương rất có ý nghĩa trong quan hệ bốn bên. Vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong giao nhận mặt bằng phát triển sản xuất nông nghiệp, kết nối bao tiêu sản phẩm; góp phần bảo đảm vốn vay của ngân hàng, vừa bảo vệ quyền lợi của nông dân khi tham gia sản xuất nông nghiệp theo chuỗi.

 

Từ cái bắt tay đó, tại các vùng quê đã xuất hiện nhiều mô hình gia trại, trang trại quy mô, sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, chứng nhận sản phẩm phù hợp VietGAP, GlobalGAP... Người nông dân quen với việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là sử dụng giống mới, kỹ thuật canh tác bền vững, xây dựng thương hiệu cho nông sản hàng hóa...

 

Tuy nhiên, từ đó đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp ủy, chính quyền phải nâng cao khả năng nắm bắt xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững; đồng thời cập nhật kiến thức sản xuất nông nghiệp sạch, tiến bộ kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi... để có định hướng đúng khi chỉ đạo, ban hành, triển khai các nghị quyết sao cho phù hợp, sát thực tiễn cuộc sống. Cần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện để người dân hoàn thiện hồ sơ, thuận lợi khi vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế.

 

Hơn thế, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền là tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nông dân về tầm quan trọng và lợi ích của việc sản xuất ra sản phẩm an toàn, áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất nông sản sạch, coi trọng vấn đề giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản; giữ đúng cam kết đã thỏa thuận với ngân hàng, doanh nghiệp... Khi đó, các chương trình quản lý chất lượng sản phẩm (ISO 9000, HACCP, GMP...) theo chuỗi ngành, hàng trong sản xuất nông nghiệp mới được ứng dụng hiệu quả; bảo đảm tính bền vững, lâu dài cho sản phẩm nông sản Việt Nam trong hội nhập và phát triển.

 

Nguồn Báo Nhân Dân điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang