Chấp nhận từ bỏ những thói quen trước đây hay làm như: Tụ tập bạn bè trà đá, cà-phê, bia bọt, không đeo khẩu trang vì cảm thấy bí bách, dắt xe phi ra đường bất cứ khi nào có thể; chấp nhận trong lo lắng, sợ hãi vì có thể mình cũng đang ủ bệnh, sẽ lây cho gia đình, người thân bất cứ lúc nào. Thích nghi với khẩu trang từ y tế sang vải, cô đơn ru rú trong nhà với điện thoại và máy tính xách tay, tiếp xúc với ai cũng phải giữ cự ly an toàn, chịu sự kiểm soát (và kiểm soát lại) người chung quanh có ho hay hắt xì không.
Nhưng đồng thời ở sự chấp nhận, thích nghi từng bước ấy là khoảng không gian mới của sáng tác văn chương được mở ra. Với người đam mê chữ nghĩa thì dịch bệnh là thách thức, đồng thời là cơ hội, tập sách “Cô Vy” tự sự - Gió và Tình yêu” vẫn thổi ra đời từ những cơ hội như thế.
Tháng 6 vừa qua, tập sách là tập hợp những tản văn, truyện ngắn của nhiều tác giả ở các lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp và vùng miền khác nhau. Biên độ của những tản văn, truyện ngắn trải dài qua các không gian, từ làng quê, thành phố, đến nước Mỹ xa xôi.
Đọc cuốn sách có thể dễ dàng nghe thấy tiếng cô đơn và hồi ức sống dậy rất rõ trong những tản văn. Giỗ ba trong ngày dịch của Nguyễn Hữu Tài, cái cách mà người con nhớ về cha mình với sở thích ăn đầu cá, ruột cá của ông; song song với không gian cũ Việt Nam là không gian hiện tại của nước Mỹ, khi mấy anh em cũng làm cỗ giỗ ba, cũng có cá trầu đông, ngò om nhưng sao thấy thiếu nhiều đến thế.
Hoặc ở không gian khác của những người trẻ là những thay đổi thói quen của người trẻ, như không được tụ tập đông người, ru rú trong bốn bức tường, chợ búa không họp, muốn mua bán gì cũng khó, phải phân vân giữa việc lựa chọn ở lại thành phố hay trốn về quê; nếu về quê thêm một điều nữa xảy ra là những xung đột của người trẻ với bố mẹ, khi cách nhau thế hệ, rồi sự xoi mói của hàng xóm; khi trước thì có người ở phố về cả nhà cùng mừng, thì nay có người ở phố, đặc biệt ở nước ngoài về là phải đi “méc” ngay.
Từ thay đổi thói quen đến dần dần chấp nhận, thấy cuộc sống khi diễn ra chậm rãi thì cũng có cái thú vị riêng của nó. Nhấm nháp thời gian chảy tí tách qua cốc cà-phê, quan sát tỉ mỉ mọi thứ vẫn diễn ra chung quanh mà thời gian trước vì sống vội mình chẳng để ý. Hay ở trong tình thế tiến gần đến cái chết hơn bình thường, mọi thứ phù phiếm được để lại bên ngoài cánh cửa, người trẻ dễ dàng nói yêu thương với đấng sinh thành của mình hơn.
Qua tập sách người đọc có thể nhận ra Covid-19 đã làm một cuộc xáo trộn về mọi mặt bao gồm cả nhận thức sâu rộng, căn bản từ tầng lớp giàu nhất đến nghèo nhất trong xã hội. Đứng trước sự hủy diệt, con người đều bình đẳng như nhau. Bởi khi về thế giới bên kia ai mà chẳng hai bàn tay trắng có mang được gì đâu, nhà xe, đất đai, vàng bạc, chứng khoán, của chìm của nổi đều trở thành vô nghĩa. Cái quan trọng là từng giây phút đang sống này, sống với nhau bằng tình bằng nghĩa, chứ không phải tiền bạc. Trước đây có dửng dưng, có lạnh lùng thì nay chợt thấy thế là không phải, bỗng dưng quan tâm đến cảm xúc, cách ứng xử với mọi người hơn.
Tập sách là không có những con số gây hoang mang; không là ngày này ngày kia có bao nhiêu người mắc bệnh, tử vong bao nhiêu, nước Mỹ ứng phó ra sao, Trung Quốc thế nào, Việt Nam ta còn bao nhiêu người mắc bệnh, vaccine khi nào có; không là những cảnh tỉnh nhắc đi nhắc lại đến mệt mỏi về khẩu trang, tụ tập đông người, ở trong nhà nhiều nhất có thể; tập sách là những câu chuyện nhỏ, cụ thể, ở mỗi góc nhìn tác giả đều cố kể câu chuyện của mình ở mức thật nhất.
Có oán thán, suy nghĩ tiêu cực, sợ hãi bủa vây, đổ lỗi cho mọi thứ chung quanh - song may sao, nó lại là phần rất nhỏ của tập sách. Cái chính của tập là đã thổi được ngọn lửa khách quan vào từng diễn biến chuyện, từng mẩu thoại, từng chi tiết ấm áp, để rồi cái kết bao giờ cũng là những cái kết có hậu. Thí dụ, khi người chủ thuê nhà được cứu, trở về đúng bản ngã của mình trong truyện ngắn “Phép cộng của một người béo”; hay như khi thằng Kềnh khen bố mua hoa đẹp, nhờ có dịch mà nhà mới có hoa đẹp cắm trong truyện “Hoa đỏ”; hay như sự quan tâm, hỏi han qua điện thoại của chủ cửa hàng với nhân viên: “Thế ở nhà thế nào? Có cần thêm gì không? Có cần chị ứng cho một ít không? Chị vẫn còn tiề đây, mày không phải lo đâu!” trong truyện “Hạt đường cắn đôi hạt muối cắn đôi”.
“Đại dịch Covid-19 đặt ra cho chúng ta cơ hội và thách thức sống giữa thế gian, dù đôi khi vẫn không tránh khỏi cảm giác hoảng sợ, chơi vơi. Một khi bạn bình tâm lắng nghe bản thân mình, học cách cảm thấy đủ với bản thân, sống nguyên bản và tỉnh thức, bạn sẽ chọn ra điều thực sự quan trọng và gắn kết”, tác giả Trần Duy Thành trong tản văn ngắn “Đừng sợ bỏ lỡ” đã viết thế.
Tôi tin vào điều tác giả viết, cũng như tin tất cả những điều mà loài người đang đối diện đây cũng từng xảy ra trong lịch sử loài người từ khi hiện diện trên trái đất đến nay. Dịch bệnh - bản thân nó là đáng sợ, nhưng khi ta biết nó là gì, sẵn sàng chấp nhận thì nó chính là cơ hội cho ngày mai sống của ta tốt hơn lên. Nó giúp ta điểm lại những gì đã làm và hoạch định những gì sẽ làm tiếp theo, khi đại dịch qua đi.
Khi gió và tình yêu ngày ngày vẫn mải miết thổi trong mỗi tâm hồn...
Theo Báo Nhân Dân