Theo Thạc sĩ dinh dưỡng Hồ Thị Hoa - Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội, khi đói các tế bào sẽ truyền tín hiệu đến não thông báo thiếu glucose hay chất bột đường, lúc này cơ thể sẽ cảm thấy cồn cào, mệt mỏi, thậm chí là hoa mắt chóng mặt. Để nhanh chóng nạp năng lượng cho cơ thể, chúng ta sẽ phải hấp thu một lượng tinh bột nhất định để đảm bảo hoạt động chung. Tuy nhiên, thay vì ăn cơm, nhiều người lại ăn thịt khi đói vì sợ nạp tinh bột sẽ tăng cân. Điều này về lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu tới cơ thể.
Bởi thịt hay protein thường khó tiêu hơn glucose, do vậy cơ thể sẽ mất nhiều năng lượng hơn để tiêu hóa. Thay vì thỏa mãn cơn đói bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và khó tiêu hơn bình thường. Bên cạnh đó, khi cơ thể đói, não bộ cần glucose để nạp năng lượng, nhưng bạn lại bổ sung protein, do vậy cơ thể sẽ phải huy động glucose ở gan để bù đắp. Điều này sẽ gây mất cân bằng chuyển hóa các chất trong cơ thể và tổn hại các cơ quan liên quan.
Ths Hồ Thị Hoa nhấn mạnh, việc ăn sai trình tự hay thậm chí loại bỏ tinh bột ra khỏi khẩu phần ăn hằng ngày còn khiến cơ thể bạn suy kiệt và mắc một số bệnh rối loạn chuyển hóa như gout. Do vậy, bạn cần tuân thủ một chế độ ăn đảm bảo đủ 4 nhóm dưỡng chất và đúng trình tự.
"Khi đói thì nên ăn thức ăn có tinh bột trước, không nhất thiết phải ăn cơm, có thể thay bằng bánh mỳ, ngô, khoai, sau đó ăn kèm với thịt và rau sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc bắt đầu bữa ăn bằng thịt. Khai vị bằng một bát soup cũng là một gợi ý lý tưởng cho bữa ăn hằng ngày". Ths Hồ Thị Hoa khuyến cáo./.
Theo VOV