Phát biểu tại Hội nghị “Hà Nội 2017: Hợp tác đầu tư và phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã một lần nữa khẳng định Chính phủ kiến tạo không thể và không chỉ dừng lại ở lời nói. Chính phủ kiến tạo phải được chuyển hóa thành hành động từ các ngành, các cấp, từ các tư lệnh ngành và lãnh đạo tất cả các địa phương.
Với tinh thần đó, Thủ tướng cũng biểu dương những nỗ lực trong năm qua của các lãnh đạo Hà Nội. Thủ tướng cho biết, mới đây có doanh nghiệp đã chia sẻ với ông rằng một lãnh đạo của Hà Nội đã giải quyết thấu đáo một vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải chỉ trong 1 ngày, sau 1 tin nhắn của doanh nghiệp.
“Đó chính là hành động kiến tạo của lãnh đạo địa phương. Qua ví dụ này, tôi muốn nhấn mạnh rằng mọi bộ máy cơ sở phải chuyển biến nhạy bén, kịp thời, sâu sát với các quyết sách từ Chính phủ và Trung ương. Người dân, doanh nghiệp mong mỏi sự chuyển biến cả hệ thống từ Trung ương tới xã phường”, Thủ tướng nói.
Với quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, Chính phủ, Thủ tướng cam kết kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích khởi nghiệp và đầu tư, bảo đảm ổn định chính trị, tinh thần thượng tôn pháp luật từ Trung ương đến địa phương, cải cách thể chế theo hướng cởi mở, trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế đóng góp và hưởng lợi một cách tương xứng và bình đẳng mọi thành quả phát triển.
Theo số liệu của Văn phòng Chính phủ, cho tới trước Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ hai ngày 17/5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự, trực tiếp chỉ đạo 18 hội nghị xúc tiến đầu tư, trong đó có 2 hội nghị cấp vùng. Sau đó một ngày, Thủ tướng tiếp tục dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa.
Như vậy, sự kiện xúc tiến đầu tư Hà Nội ngày 25/6 là hội nghị xúc tiến đầu tư thứ 20 trên cả nước mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự, trực tiếp chỉ đạo.
Tại các hội nghị này, Thủ tướng đã chỉ đạo các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, triển khai quyết liệt Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ; thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế; xây dựng niềm tin để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư mạnh mẽ vào các địa phương.
Những hội nghị này cũng đã mang lại những kết quả trực tiếp hết sức tích cực, thể hiện qua những dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư.
Như Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 48 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 74.370 tỷ đồng và cùng các nhà đầu tư ký kết biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến 134.790 tỷ đồng.
Còn tại Thanh Hóa, đã có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến là 135.300 tỷ đồng (khoảng 6 tỷ USD)...
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư hồi tháng 3, tỉnh Quảng Nam đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thỏa thuận nghiên cứu đầu tư cho 33 dự án đầu tư với tổng vốn 15,8 tỷ USD…
Đó là chưa kể các hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam được tổ chức nhân các chuyến công tác nước ngoài của Thủ tướng. Như trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật của Thủ tướng, ngày 5/6 vừa qua, hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Nhật Bản đã được tổ chức, với các thỏa thuận hợp tác trị giá 22 tỷ USD được ký kết.
Đây là minh chứng rõ rệt cho khẳng định của Thủ tướng, theo đó, “các Bộ trưởng và Chính phủ xắn tay áo cùng các địa phương thực hiện quyết tâm liêm chính, kiến tạo”.
Nguồn Chinhphu