Thời gian qua, tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bày bán công khai tại một số địa bàn, tụ điểm vẫn tiếp tục diễn ra, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư, kinh doanh và du lịch.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều hoạt động đấu tranh phòng chống vi phạm nhưng nhiều địa bàn, tụ điểm nổi cộm, tình trạng vi phạm vẫn tái diễn, tồn tại trong thời gian dài nhưng chưa được giải quyết triệt để.
Truy quét tới cùng
Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương, cho thấy trong năm 2019, cơ quan này đã phát hiện, xử lý hơn 90.000 vụ vi phạm, ước thu nộp ngân sách gần 670 tỷ đồng. Trong đó, đã thu nộp ngân sách nhà nước gần 500 tỷ đồng, giá trị hàng hóa tịch thu chưa bán trên 170 tỷ đồng (tăng gần 180 tỷ đồng so với năm 2018), giá trị hàng hóa, tang vật vi phạm bị tiêu hủy trên 120 tỷ đồng.
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, trong năm qua, lực lượng QLTT đã xử lý được nhiều điểm nóng, đường dây, ổ nhóm về hàng giả, hàng lậu lớn.
Mới đây, trong những ngày cận Tết Nguyên đán, người dân Tp.HCM chứng kiến nhiều gian hàng tại trung tâm thương mại Saigon Square và Lucky Plaza đã phải đóng cửa, treo biển nghỉ bán. Đây là những hình ảnh chưa từng có trước đây tại hai trung tâm mua sắm lớn nhất của Tp.HCM.
Hiện tượng này chỉ có sau 2 ngày lực lượng QLTT ra quân thực hiện chiến dịch cao điểm đấu tranh chống hàng giả, bởi 2 trung tâm lớn này vốn được biết đến là tụ điểm tập kết, công khai kinh doanh buôn bán hàng nhái, hàng giả.
Trước đó, cuối năm 2019, lực lượng QLTT cũng đã mở nhiều cuộc tổng kiểm tra đột xuất tại 2 địa điểm “nóng” này trên địa bàn Tp.HCM và lần nào cũng thu giữ hàng nghìn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu.
Bên cạnh những chiến dịch, Tổng cục QLTT cũng đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia triển khai nhiều chuyên đề, kế hoạch kiểm tra cao điểm vào các mặt hàng như xăng dầu, phân bón, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hoạt động buôn lậu trên tuyến đường bộ, đường sắt.
Dù đạt được nhiều kết quả tốt nhưng ông Linh cũng thừa nhận là chưa tương xứng với thực tế. Thường sau khi các lực lượng chức năng rút quân sẽ tái diễn tình trạng hàng hóa được bày bán trở lại và rốt cuộc việc kiểm tra kiểm soát lại như “bắt cóc bỏ đĩa”.
Đáng chú ý, thời gian gần đây nổi lên hiện tượng lợi dụng chính sách “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đặt mua hàng giả, hàng hóa không đảm bảo chất lượng sản xuất từ nước ngoài, gắn nhãn mác Việt Nam đưa vào thị trường trong nước tiêu thụ.
Còn nhiều khó khăn
Trước những tồn tại trong công tác xử lý hàng giả, hàng nhái, nhiều người tỏ ra lo ngại về tính hiệu quả của hoạt động thanh, kiểm tra, nghi vấn tình trạng “đánh trống bỏ dùi” tại các chiến dịch đã được đặt ra.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng cục QLTT), khẳng định tinh thần “nói không với các vi phạm và truy quét tới cùng” luôn được lực lượng QLTT đặt lên hàng đầu.
Theo đó, tại mỗi địa bàn sẽ xử lý trong nhiều ngày và sẽ đột xuất quay lại kiểm tra khi cần. Các tiểu thương cần được hiểu đúng, hiểu đủ về bản chất của việc kinh doanh, từ đó chuyển hướng kinh doanh sang các mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Tổng cục QLTT, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết: “Chúng tôi xác định năm 2020 là một năm nhiều khó khăn và hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi với quy mô ngày càng lớn”.
Do đó, lực lượng QLTT sẽ tập trung, đẩy mạnh công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… Theo kế hoạch, đến hết năm 2020, việc kiểm tra sẽ được triển khai tại 20 tỉnh, thành phố với hàng trăm địa bàn nổi cộm về hàng giả, hàng nhái.
Trong số này có các trung tâm thương mại, chợ nổi tiếng như Chợ Đồng Xuân (Hà Nội), Bến Thành, Saigon Square, An Đông... (Tp. HCM), chợ Đầm Hà, Hạ Long (Quảng Ninh)...
Mục tiêu là đến giữa năm 2020, một nửa cơ sở tại các địa bàn nổi cộm không còn kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 70% số cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính không tái phạm. Con số này sẽ tăng lên 90-100% vào cuối năm 2020.
Để đạt được hiệu quả các mục tiêu đặt ra, lực lượng QLTT sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng đẩy mạnh triển khai kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Thực tế, đấu tranh với hàng giả là một cuộc chiến lâu dài và đầy khó khăn thách thức. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của lực lượng QLTT nhằm bảo vệ các doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng, vấn nạn này sẽ được đẩy lùi, góp phần làm trong sạch thị trường.
Theo Thời Báo Kinh Doanh