Cùng với sự phát triển của công nghệ 4.0, thị trường kinh doanh sữa xách tay online có cơ hội bùng nổ. Chỉ cần check từ khóa “sữa bột sách tay”, Google cho ra trên 5 triệu kết quả/ 0,37 giây. Có đủ các loại sữa bột cho trẻ từ 0 – 3 tuổi, được gắn nhãn mác của các thương hiệu sữa nổi tiếng, xuất xứ từ nhiều quốc gia khác nhau như: Morinaga (Nhật), Hikid (Hàn Quốc), Meiji (Nhật Bản), Aptamil (Anh), Similac, Pediasure (Mỹ), Blackmores, S26 (Australia)…
Qua tìm hiểu, nhiều website, shop online bán hàng nhưng không có địa chỉ kinh doanh rõ ràng; thông tin sản phẩm như chứng nhận chất lượng sản phẩm, giấy phép lưu hành không đăng tải công khai; không thấy có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Điều đặc biệt là khi so sánh giá của cùng một sản phẩm giữa các Shop online dễ ràng nhận thấy sự chênh lệch không nhỏ về giá. Đơn cử như sản phẩm sữa Meiji (Nhật Bản) loại 800g được nick name “Batomstore” đăng bán với giá 450 – 530 nghìn đồng. Nhưng tại địa chỉ “Bao Trâm” lại chỉ bán 340 nghìn đồng, mặc dù đều giới thiệu sữa được sản xuất trực tiếp tại Nhật Bản, phân phối chính hãng theo hệ thống tại Việt Nam. Sữa Hikid (Hàn Quốc) loại 600 gam được rất nhiều người đăng bán với số lượng lớn. Tại các địa chỉ bán hàng, sữa Hikid quảng cáo xách tay từ Hàn Quốc, phát triển chiều cao, cân nặng… hàng bán lẻ nhưng giá gốc. Mặc dù có cùng trọng lượng nhưng dòng sữa này được bán với các mức giá chênh lệch từ 250 – 600 nghìn đồng.
Việc mua và sử dụng sữa xách tay xuất phát từ tâm lý, thói quen tiêu dùng sính ngoại, dựa trên niềm tin cá nhân, trong phạm vi nhỏ lẻ giữa những người quen biết. Nhưng khi nhu cầu này lớn lên thì thị trường này có cơ hội bùng nổ. Người tiêu dùng dường như chỉ có thông tin một chiều từ người bán, khó có cơ hội kiểm chứng sản phẩm. Trong những năm qua, đã có nhiều thông tin trái chiều, những nghi vấn về giá, về chất lượng của những sản phẩm này, chẳng hạn như: Vì sao giá của một số sản phẩm sữa xách tay tại Việt Nam rẻ hơn ở quốc gia sản xuất? Ai kiểm tra chứng nhận chất lượng, cấp phép lưu hành những sản phẩm? Một bằng chứng đáng quan ngại làm năm 2018, Hãng sữa Meiji của Nhật từng cảnh báo về sữa Meji bán tại Việt Nam không đạt chuẩn và đê nghị các cơ quan liên quan của Việt Nam không thông quan với hàng bán trong nội địa Nhật Bản vào thị trường Việt Nam và có sự phối hợp để xác định nguồn gốc và chất lượng sản phẩm trước khi đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Ngoài ra, cũng trong thời gian vừa qua, các lực lượng chức năng Hà Nội đã phát hiện, xử lý nhiều lô hàng sữa nhập khẩu không rõ nguồn gốc, cận date, hết date…
Bên cạnh đó, hiện nay, công nghệ sản xuất hàng giả, nhái vô cùng tinh vi. Nhất là khi nguồn nguyên liệu sữa bột, công thức phối trộn bột, hương liệu ra sản phẩm, in ấn nhãn mác khá dễ dàng. Nhiều đối tượng sẵn sàng vì lợi nhuận sản xuất hàng kém chất lượng gắn nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng bán ra thị trường nhằm trục lợi. Thực tế, tại nhiều tỉnh trong nước, các lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ nhiều kho hàng nguyên liệu bột sữa, sản phẩm sữa bột không rõ nguồn gốc, nhiều vụ có số lượng hàng hóa lớn.
Như vậy có thể thấy, thị trường sữa bột xách tay online còn nhiều chuyện để bàn. Sẽ khó để có được niềm tin đối với những sản phẩm này, khi những cá nhân, tổ chức kinh doanh không công khai những nội dung về đăng ký, công bố, giấy phép lưu hành. Sự mập mờ thông tin của những cá nhân, tổ chức này đặt ra câu hỏi lớn vê xuất xứ mà người tiêu dùng không thể bỏ qua.
Hà Nội là một thị trường lớn đối với nhiều loại hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng sữa bột xách tay. Đây chính là thị trường béo bở để các đối tượng sản xuất, kinh doanh, buôn bán nhắm tới.Các lực lượng chức năng Thủ đã đã quyết liệt đấu tranh có hiệu quả nhằm ngăn chặn những hành vi buôn bán hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, người tiêu dùng nên cẩn trọng, nên tìm hiểu kỹ càng về nguồn gốc sản phẩm, không nên cả tin những lời quảng cáo có cánh để mua và sử dụng sản phẩm sữa bột xách tay không rõ nguồn gốc.
Quang Anh