Thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 2/2023 (từ ngày 16-28/2) đạt 23,16 tỷ USD, giảm 10,3% (tương ứng giảm 2,66 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 2/2023.
Tính chung 2 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 95,83 tỷ USD, giảm 13,4% (tương ứng giảm 14,83 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022. 2 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 3,44 tỷ USD.
Trong nửa cuối tháng 2, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 12,47 tỷ USD, giảm 7,2% (tương ứng giảm 972 triệu USD) so với kỳ 1 tháng 2/2023. Một số nhóm hàng chủ lực giảm mạnh như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 492 triệu USD, tương ứng giảm 21%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 166 triệu USD, tương ứng giảm 8,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 139 triệu USD, tương ứng giảm 23%...
Hết tháng 2, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 49,64 tỷ USD, giảm 10% (tương ứng giảm 5,55 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó nhập khẩu trong kỳ 2 tháng 2 đạt 10,69 tỷ USD, giảm 13,7% (tương ứng giảm 1,69 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 2/2023.
Như vậy, tính trong 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 46,2 tỷ USD, giảm 16,7% (tương ứng giảm 9,28 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Bộ Công Thương nhận định, bối cảnh quốc tế đã tác động tiêu cực đến xuất khẩu của một số nhóm hàng chủ lực của nước ta trong 02 tháng đầu năm 2023. Bộ Công Thương thông tin, xuất khẩu dệt may sang 2 thị trường chủ lực là Mỹ và EU sụt giảm mạnh; các quốc gia nhập khẩu có những đòi hỏi khắt khe hơn từ các nhãn hàng so với trước; việc Trung Quốc mở cửa sẽ tạo ra nhiều áp lực đối với các quốc gia xuất khẩu dệt may như Việt Nam;
Đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, EU sẽ tiếp tục giảm nhu cầu nhập khẩu do những ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, niềm tin tiêu dùng thấp. Với các thị trường khu vực châu Âu, dù được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật, hợp chuẩn, yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ… mà phía EU đặt ra là những vấn đề không dễ vượt qua. Nguồn cung dồi dào, lượng hàng tồn kho cao tại các thị trường đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc dẫn đến xu hướng các đơn hàng chậm lại và mức giá xuất khẩu gỗ nguyên liệu giảm.
Các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản ở các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU, Anh… có xu hướng giảm lượng tồn kho để tối ưu hóa chi phí trong bối cảnh lạm phát tăng cao khiến khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn trước.
Đơn cử, với thị trường Trung Quốc, tháng 2, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 3,55 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, đây là tháng thứ 2 liên tiếp xuất khẩu sang quốc gia láng giềng này sụt giảm, trong khi đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Hoa Kỳ).
Tính chung trong 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 7,4 tỷ USD, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó có 2 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,06 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 2,57 tỷ USD. Thị trường Trung Quốc dù đã mở cửa trở lại nhưng chuỗi cung ứng nội địa chưa hoàn toàn hồi phục nên ẩn chứa nhiều rủi ro.
Bộ Công Thương đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường thế giới, tham mưu, đề xuất các khung khổ hợp tác, các giải pháp để đồng thời phát triển thị trường truyền thống và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết khai thác hiệu quả các thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu…
Theo Congthuong