Với phương châm đổi mới tư duy, bám sát thực tiễn, đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả, trong 6 tháng đầu năm 2022, công tác quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, quản lý an toàn thực phẩm ngành Công Thương đã tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý trên các lĩnh vực.
Bám sát thực tiễn
Thực hiện vai trò tham mưu giúp Bộ Công Thương quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tích cực đổi mới, điều chỉnh phương thức triển khai công việc phù hợp với tình hình, tập trung hoàn thành tốt kế hoạch công tác, đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được triển khai có hiệu quả, góp phần thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của toàn ngành Công Thương.
Trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Vụ đã trình Lãnh đạo Bộ các báo cáo đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền nội dung sửa đổi, bổ sung một số Luật: Luật KH&CN, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm, Luật Năng lượng nguyên tử;...Vụ đã tích cực tham gia với vai trò thành viên tổ biên tập, ban soạn thảo một số dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, góp ý nhiều văn bản có liên quan tới phạm vi quản lý của Vụ.
Trong công tác quản lý KH&CN, năm 2022, Vụ KH&CN đặt trọng tâm vào 03 nhóm nội dung lớn. Thứ nhất, về xây dựng định hướng hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030, Vụ đã cơ bản hoàn thành việc đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược KH&CN ngành Công Thương giai đoạn 2011 - 2020, hiện đang xây dựng, hoàn thiện dự thảo Chiến lược giai đoạn 2021-2030 trước khi tổ chức hội thảo, lấy ý kiến.
Cùng với đó, Vụ đã trình Lãnh đạo Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 và phát triển sản xuất thông minh đến năm 2030; tổ chức triển khai xây dựng một số chương trình, đề án KH&CN trọng điểm giai đoạn 2021 - 2030, gắn với định hướng phát triển của các ngành, lĩnh vực ưu tiên, gồm: phát triển ngành chế tạo thiết bị phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; nghiên cứu mở rộng ứng dụng năng lượng tái tạo tại các khu vực ven biển, hải đảo; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến và phân phối khoáng sản biển... Thứ hai, tổ chức thực hiện kế hoạch KH&CN năm 2022, xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách năm 2023, cùng với đó là việc tiếp tục rà soát, chuẩn hóa hồ sơ, quy trình nội bộ theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả. Thứ ba, tiếp tục rà soát, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ thực hiện tái cơ cấu hệ thống tổ chức KH&CN trực thuộc Bộ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, gắn với yêu cầu phát triển và doanh nghiệp ngành Công Thương.
Về công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, việc triển khai xây dựng các Tiêu chuẩn Việt Nam, Quy chuẩn Việt Nam đang bám sát Lộ trình đã được phê duyệt; riêng 6 tháng đầu năm, đã thẩm tra, chuyển Bộ KH&CN thẩm định 7 Tiêu chuẩn Việt Nam, công bố 22 khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nhiều khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được giao các đơn vị xây dựng, trong quá trình thẩm tra, thẩm định để trình phê duyệt; mạng lưới các tổ chức đánh giá sự phù hợp trong ngành Công Thương được mở rộng: Bộ Công Thương đã thực hiện cấp giấy chứng nhận hoạt động cho 11 tổ chức đánh giá sự phù hợp; tiến hành đánh giá và cấp Quyết định chỉ định cho 05 lượt tổ chức đánh giá sự phù hợp đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.
Về công tác quản lý an toàn thực phẩm, Vụ đã triển khai công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn địa bàn được phân công quản lý, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm. Trong thời gian triển khai các dịp cao điểm về an toàn thực phẩm năm 2022, trên địa 04 tỉnh nêu trên không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Qua đó đã góp phần đề cao vai trò và trách nhiệm quản lý nhà nước của các đơn vị chức năng trong Bộ, các cơ quản lý nhà nước ngành Công Thương tại các cấp hành chính địa phương trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, Vụ đã chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Ban Cán sự đảng Bộ trong công tác xây dựng các báo cáo: tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của BCH Trung ương khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW BCH Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; kết quả thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của BCH Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,…
Ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ KH&CN cho biết: “Trong 06 tháng đầu năm 2022, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung đổi mới công tác quản lý, tổ chức thực hiện hoạt động KH&CN, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn hóa quy trình, thủ tục để tạo sự đồng bộ và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động KH&CN; nghiên cứu, xây dựng phương án đẩy mạnh ứng dụng phần mềm quản lý hoạt động KH&CN của Bộ; tăng cường việc xây dựng các cơ sở dữ liệu, hỗ trợ công tác quản lý KH&CN”.
“Công tác chuyên môn theo lĩnh vực phụ trách của ngành đã được quan tâm triển khai tốt theo tinh thần chủ động đổi mới, bám sát thực tiễn, đặc biệt là trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Các đề tài, nhiệm vụ KH&CN đã được triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, như: công nghiệp năng lượng, khai khoáng, luyện kim, điện tử - tự động hóa, dệt may, da giày, an toàn thực phẩm,…”, ông Hòa khẳng định.
Quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ
Trên tinh thần đổi mới và quyết tâm, để hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới có chiều sâu, thực chất hơn nữa, Vụ KH&CN sẽ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho Bộ trong việc ban hành cơ chế, chính sách cũng như giải pháp để thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển của ngành. Các nhiệm vụ trọng tâm là:
Tập trung hoàn thành và trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương giai đoạn 2021 - 2030; tích cực phối hợp với đơn vị chuyên môn, đầu mối có liên quan để trình phê duyệt 02 đề án/chương trình KH&CN về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông mình và phát triển sản phẩm theo chuỗi; tiếp tục triển khai xây dựng các chương trình, đề án KH&CN trọng điểm của ngành giai đoạn 2021 - 2030;
Tăng cường việc đôn đốc, giám sát để tổ chức thực hiện kế hoạch KH&CN năm 2022 đảm bảo tiến độ, chất lượng; phối hợp với Bộ KH&CN, Bộ Tài chính thẩm định và trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt kế hoạch KH&CN năm 2023 trước 31/12/2022 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN;
Tập trung triển khai và hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo đúng kế hoạch;Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương; đề xuất kế hoạch xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với một số lĩnh vực ưu tiên; đề xuất xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về Tiêu chuẩn Việt Nam, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương.
Triển khai nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa của ngành Công Thương; thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá năng lực của các tổ chức đánh giá sự phù hợp theo đúng kế hoạch; Tham mưu trình Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương góp ý hoàn thiện hồ sơ dự thảo Chỉ thị trình Ban Bí thư thay thế Chỉ thị số 08-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới...
Theo Moit.gov.vn