Trong suốt quá trình phát triển của đất nước và ngành Công Thương suốt 71 năm qua, dù trong giai đoạn nào, phát triển khoa học và công nghệ cũng luôn giữ một vai trò quan trọng, đặc biệt kể từ khi chúng ta bước vào thời kỳ “đổi mới”, mở rộng phát triển kinh tế đất nước trên cơ sở tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế.
Đóng góp hoàn thiện chính sách phát triển ngành
Vai trò và đóng góp của hoạt động khoa học và công nghệ được thể hiện trên nhiều phương diện. Trước hết, nghiên cứu khoa học với vai trò cung cấp luận cứ khoa học, thực tiễn đã góp phần quan trọng trong quá trình định hướng phát triển và ban hành các chính sách, tạo ra các bước phát triển có tính đột phá trong cả tất cả ngành, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại nội địa, xuất nhập khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhiều vấn đề mới, có tác động sâu, rộng tới phát triển ngành đều nhanh chóng được đưa vào nội dung nghiên cứu khoa học, luận cứ rõ ràng cho những chủ trương, chính sách mà Bộ và Chính phủ đưa ra, trở thành các quyết sách lớn, góp phần tạo cú hích cho mục tiêu tăng trưởng bền vững của ngành.
Đơn cử như: Nghiên cứu chính sách về nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp với khởi điểm từ những năm 2000; nghiên cứu chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong bối cảnh và thách thức về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; nghiên cứu chính sách nhằm hỗ trợ quá trình đàm phán, tham gia các Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương…
Trong 10 năm trở lại đây, với vai trò và đóng góp ngày một nhiều hơn của khoa học và công nghệ đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bộ Công Thương cũng đã chủ động tiến hành nghiên cứu, điều tra, khảo sát và tích cực phối hợp với các cơ quan của Đảng và Chính phủ như Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương cung cấp những cơ sở thực tiễn phong phú và sinh động, một số luận điểm lý luận phục vụ công tác xây dựng các chính sách và chủ trương lớn của Đảng về chiến lược phát triển của ngành cũng như định hướng phát triển khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế đất nước.
Các chính sách khoa học và công nghệ cùng nhiều hoạt động hỗ trợ của nhà nước đã tạo ra những đóng góp quan trọng của KH&CN cho phát triển của ngành, lĩnh vực cũng như từng doanh nghiệp. Đóng góp của tăng năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng VA (giá trị gia tăng) của ngành ngày càng có xu hướng tăng. Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia hoạt động đổi mới công nghệ ngày càng cao. Báo cáo của Ngân hàng thế giới cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã chi khoảng 1,6% doanh thu hằng năm cho R&D.
Nhiều tập đoàn/doanh nghiệp đã thành lập quỹ phát triển KH&CN để đẩy mạnh các hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhờ đó, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu (CIP) ở mức khá cao, thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp trung bình cao. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước ta tính đến nay đã có vị trí quan trọng trong xếp hạng thành tích xuất khẩu của thế giới.
Thúc đẩy phát triển các ngành chủ lực
Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ đã ghi nhận nhiều thành tựu, ứng dụng và thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp chủ lực, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm của Việt Nam. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học ngành Công Thương đã đạt được những giải thưởng cao, tạo lập vị thế về khoa học của Việt Nam trong khu vực và quốc tế; nhiều sản phẩm ứng dụng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Cụ thể, trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí: Không những ứng dụng và làm chủ được công nghệ hiện đại trên thế giới, cùng với các đơn vị nghiên cứu, tư vấn có năng lực trong nước, nhiều doanh nghiệp dầu khí Việt Nam đã nghiên cứu, chế tạo và triển khai thành công những công trình mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa mang tầm khu vực và thế giới.
Trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản: Việc nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ đã góp phần tăng sản lượng than toàn ngành bình quân 9,4%/năm, đặc biệt, tỷ lệ khai thác bằng cơ giới tăng vượt bậc, từ 3,3% năm 2010 lên 13,1% năm 2018; trong lĩnh vực năng lượng điện: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành việc triển khai nhiều chương trình/dự án đầu tư, ứng dụng đổi mới công nghệ hiện đại, giúp việc vận hành hệ thống điện của Việt Nam tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trên thế giới…
Việc ứng dụng thành công các kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực cơ khí chế tạo cũng giúp khẳng định năng lực, vị thế và vai trò của tổ chức khoa học và công nghệ ngành Công Thương trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Điển hình như: Công trình “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tổ hợp và đưa vào vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW” do Viện Nghiên cứu Cơ khí thực hiện, đã áp dụng thành công…
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp hóa dược đã mang lại những giá trị thiết thực với nhiều kết quả nghiên cứu được thương mại hóa, cho sản phẩm có chất lượng tương đương hàng nhập khẩu và giá cả cạnh tranh như: Viên nang mềm Cebraton có tác dụng hoạt huyết dưỡng não; sản phẩm thuốc an thần ASAKOYA điều trị mất ngủ; chế phẩm phòng chống khối u từ cây Hoàn ngọc; sản phẩm dầu gấc…
Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, Bộ Công Thương đã đạt được nhiều thành công trong việc triển khai các nhiệm vụ, dự án khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy việc ứng dụng các công nghệ vi sinh, công nghệ enzyme, protein để phát triển ngành công nghiệp chế biến. Nhiều sản phẩm mới có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh (giảm khoảng 60-70%) so với giá sản phẩm nhập ngoại cùng loại, dần chiếm lĩnh được thị trường tiêu dùng Việt Nam…
Hoạt động khoa học và công nghệ của Bộ Công Thương có vai trò đòn bẩy quan trọng nhằm khuyến khích hoạt động đổi mới, sáng tạo tới các doanh nghiệp của ngành Công Thương. Các chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của ngành trong từng giai đoạn luôn thể hiện tính gắn kết và hướng tới yêu cầu hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành trong mỗi giai đoạn; được thể hiện rõ nét thông qua việc thiết kế và triển khai xuyên suốt các chương trình, đề án khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp Bộ; góp phần quan trọng trong việc đưa các chủ trương, chính sách lớn của ngành vào cuộc sống.
Riêng trong giai đoạn 2011 - 2020, Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ 9 chương trình/đề án khoa học và công nghệ cấp quốc gia, 02 chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp bộ, Đề án ứng dụng khoa học và công nghệ trong tái cơ cấu ngành Công Thương. Cùng với quá trình triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ, Bộ Công Thương đã tập trung đổi mới một cách toàn diện công tác quản lý khoa học và công nghệ từ nội dung tới phương thức quản lý; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quá trình quản lý, giám sát thực hiện…
Có thể nói phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ gắn chặt với quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương, thực hiện mục tiêu phát triển ngành, lĩnh vực cụ thể trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045; tạo nền tảng vững giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, từ đó tận dụng tốt các cơ hội tiếp cận thị trường từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng, đổi mới công nghệ trong ngành Công Thương đã có những bước điều chỉnh nhanh chóng về định hướng cũng như cách thức tổ chức thực hiện, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; hướng tới tiếp thu và làm chủ các công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoa học và công nghệ được đổi mới, hoàn thiện theo hướng thực chất, hiệu quả; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình tổ chức, giám sát thực hiện; tạo môi trường thuận lợi và cạnh tranh lành mạnh trong nghiên cứu, sáng tạo. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoa học và công nghệ ngành Công Thương thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, sắp xếp lại hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Bộ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, gắn với yêu cầu phát triển ngành và doanh nghiệp; khuyến khích các đơn vị thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ trực thuộc; tạo cơ chế chủ động tìm kiếm thị trường, thực hiện nhiều hợp đồng nghiên cứu, dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp trong ngành, qua đó tăng cường tính gắn kết giữa tổ chức khoa học công nghệ và doanh nghiệp.
Các nghiên cứu tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng.
Nhờ đó, đã thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ, có hiệu quả của khối doanh nghiệp, được minh chứng thông qua tỷ lệ nguồn vốn đối ứng của các đơn vị tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đặc biệt là từ các doanh nghiệp được ứng dụng, chuyển giao công nghệ ngày càng tăng.
Theo Moit.gov.vn