Chủ Nhật, 24/11/2024 15:37:10 GMT+7
Lượt xem: 2997

Tin đăng lúc 28-06-2018

Khốc liệt cuộc cạnh tranh bán lẻ

Khi cuộc đua về mở điểm bán hoặc các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bán lẻ tạm lắng xuống, lập tức các nhà kinh doanh quay sang củng cố thương hiệu, đầu tư nhiều hơn để nâng cấp dịch vụ, chất lượng nhằm tăng sức cạnh tranh. Trong cuộc đua này, khối ngoại đang tỏ rõ lợi thế về kinh nghiệm và nguồn lực.  
Khốc liệt cuộc cạnh tranh bán lẻ
Người tiêu dùng mua sắm quần áo tại siêu thị Big C. 

Chạy đua giá rẻ

 

Big C là hệ thống siêu thị đầu tiên “châm ngòi” chương trình “cam kết giá”, ngay từ năm 2014, Big C đã khởi động một “cuộc chiến” mới trong lĩnh vực bán lẻ. Và hiện nay, siêu thị này dù đã thuộc về chủ mới - Tập đoàn Central Group Việt Nam (CGV), nhưng vẫn giữ nguyên chiến lược cạnh tranh  đảm bảo giá bán ở mức rẻ nhất, thậm chí có nhiều mặt hàng tuyên bố bán giá gốc. 

 

Nếu Big C triển khai khuyến mãi giảm giá hàng ngày, hàng tuần thì hệ thống Co.opmart cũng xem đây là chiến lược cạnh tranh của mình. Mỗi năm đơn vị này thực hiện cả chục chương trình khuyến mãi với kinh phí hàng trăm tỷ đồng để làm “bạn của mọi nhà”.

 

Điển hình là chương trình “Tự hào hàng Việt” với kinh phí thực hiện lên đến hơn 200 tỷ đồng với sự tham gia của hàng ngàn nhà cùng cấp. Bên cạnh đó, Co.opmart cũng luân phiên thực hiện bán hàng ưu đãi, trong đó có nhiều sản phẩm giá bán chỉ từ 1.000 - 2.000 đồng cho hóa đơn từ 400.000 đồng trở lên như là một phần thưởng cộng thêm cho khách hàng.

 

Tại nhiều hệ thống siêu thị khác cũng thường xuyên tổ chức khuyến mãi, giảm giá bán nhằm thu hút khách hàng. Riêng với hệ thống Megar Market, tuy họ ít quảng bá về các chương trình khuyến mãi nhưng nếu thường xuyên mua tại đây, khách hàng có thể thấy giá bán nhiều mặt hàng rất cạnh tranh, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm tươi sống như thịt cá, rau củ quả, trái cây.

 

Chẳng hạn, giá bán 1kg cá chép giòn, có thời điểm chỉ dừng ở mức hơn 170.000 đồng/kg, trong khi tại các hệ thống siêu thị khác là 213.000 đồng/kg, tương tự với thịt heo, cá hồi, cá điêu hồng, cá chẽm… giá bán cũng thấp hơn nhiều so với thị trường. 

 

Thêm nhiều sự lựa chọn 

 

Ngay sau khi tiến hành chuyển đổi thương hiệu, đổi thẻ từ Metro sang Megar Market, hệ thống siêu thị này cũng thiết kế lại toàn bộ các quầy hàng, ngành hàng theo hướng tiện lợi, đa dạng.

 

Nói cách khác, thị trường có mặt hàng nào thì ở Megar Market có sản phẩm đó. Từ quả khế, trái chuối chát, nắm lá giang, đến những loại rau thơm phục vụ đối tượng là khách hàng nước ngoài, tất tần tật đều có thể tìm mua tại đây. 

 

Nếu trước đây, Metro nổi tiếng vì có nhiều loại thực phẩm nhập khẩu như thịt cừu, thịt gà, thịt trâu, bò, trái cây... thì nay còn đa dạng gấp nhiều lần. Nếu trước đây các loại thực phẩm tươi sống đã phong phú thì nay còn phong phú hơn.

 

Ở nhóm thịt bò, heo, gà không chỉ phong phú về chủng loại mà cách pha lóc, phân loại cũng ngày càng được Megar Market chú trọng. Ví dụ, chỉ riêng mặt hàng thịt heo xay hiện có đến 3 - 4 loại, thịt xay 100% nạc, thịt xay 90-10 (tức 90% nạc và 10% mỡ), thịt xay 80-20…

 

Rồi thịt loại 1, thịt loại 2, thịt bò cũng được pha lóc, phân chia rất cụ thể giúp người tiêu dùng chọn mua đúng nhu cầu. 

 

Tại hệ thống siêu thị Big C cũng dành nhiều vị trí ưu ái cho nhóm thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thịt cá các loại. Ở nhóm thịt gà, nếu như nhiều hệ thống siêu thị chỉ bán gà nguyên con hoặc đùi gà thì Big C có đùi gà cắt khúc, đùi, cánh, xương gà, có lòng gà và lòng heo để giúp khách hàng dễ dàng đổi món, đổi thực đơn hàng ngày.

 

Nhiều khách hàng, cho biết từ khi Big C bán lại cho Thái Lan thì hệ thống này đã không ngừng nâng cấp dịch vụ, cũng như chất lượng hàng hóa. Big C cũng đã có hẳn một quầy chuyên bán các loại rau củ quả organic nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. 

 

 

Mua sắm tại siêu thị. 

 

Với sự chuyển mình nhanh và mạnh của khối ngoại nhằm khai thác tốt nhất lợi thế về mặt bằng, trưng bày hàng hóa, các siêu thị này đã thu hút thêm được nhiều khách hàng từ các đối thủ của mình.

 

Trong khi đó, một số siêu thị trong nước vẫn trong tâm thế “cái khó bó cái khôn” do mặt bằng quá chật chội, lại xuống cấp nên chuyển mình rất chậm.

 

Đây là thực trạng rất đáng lo ngại vì nếu kéo dài các doanh nghiệp trong nước sẽ dần mất đi sức cạnh tranh.

 

Anh Đ.T.Anh, ngụ đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, cho rằng khi đã đến trải nghiệm mua sắm tại các siêu thị của Megar Market, Big C, E-mart hoặc Aeon thì anh đã không còn là khách hàng thân thiết của một số hệ thống siêu thị trong nước. 

 

Nói về mức độ cạnh tranh về giá, phó tổng giám đốc của một chuỗi siêu thị, nhìn nhận là rất khốc liệt! Cách làm này không chỉ tác động mạnh đến các nhà sản xuất và cung cấp vì giảm giá cũng đồng nghĩa phải tăng chiết khấu cho nhà bán lẻ, còn nhà bán lẻ cũng phải tiết giảm tối đa các chi phí, thậm chí cả quỹ phúc lợi xã hội để bù vào giá bán. Thực tế này dẫn đến lãi gộp ở nhiều nhóm mặt hàng giảm rất mạnh, rất khó cho việc tích lũy để tái đầu tư. 

 

Cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ đã và đang bước vào giai đoạn quyết liệt để các doanh nghiệp định hình thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường. Theo đó, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng cũng có nhiều thay đổi, đã tác động sâu rộng đến từng doanh nghiệp.

 

Dù muốn hay không, nhà bán lẻ buộc phải thay đổi từ chiến lược sản phẩm, chiến lược marketing đến kế hoạch tiếp thị tại điểm bán và phát triển nguồn nhân lực để có thể đứng vững, bằng không sẽ mất ngay thị phần.

 

Theo SGGP

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang