Đến dự và phát lệnh khởi công có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Vương Đình Huệ; Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng nhiều lãnh đạo Bộ, ngành T.Ư và một số tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đại diện chủ đầu tư - ông Tô Hoài Dân cho biết, giai đoạn một của dự án được xây dựng trên tổng diện tích đất liền và mặt biển trên thềm lục địa là 2.185 ha; quy mô công suất 100 MW; tổng vốn đầu tư là 5.519 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong vòng 36 tháng.
Ngoài xây dựng, lắp đặt 50 trụ turbine gió (công suất mỗi turbine 2 MW), chủ đầu tư còn xây dựng 27 km cầu dẫn cáp bê-tông cốt thép trên biển đấu nối turbine gió và một số hạng mục khu điều hành, như khu văn phòng, điều hành, nhà nghỉ công nhân; trạm biến áp 22/110 kV; 50 trạm biến áp 0.69/22 kV trên các móng trụ; đường dây 110kV chiều dài 54 km từ điện gió Khai Long về trạm 110 kV Năm Căn; đường dây 22kV chiều dài 2,6km và cáp ngầm đi trên cầu dẫn dài 62 km để đấu nối và dẫn diện các turbine. Khi dự án hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ cung cấp 280 triệu KWh cho lưới điện quốc gia, góp phần thay đổi diện mạo vùng Đất Mũi-Cà Mau.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nêu rõ: Cà Mau có ba mặt giáp biển với chiều dài bờ biển 254 km, nên lợi thế và tiềm năng phát triển năng lượng gió trên biển. Từ lợi thế trên, Cà Mau đã quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.
Việc xây dựng năng lượng tái tạo từ gió không chỉ góp phần giảm các yếu tố gây ô nhiễm môi trường, giải quyết thêm việc làm cho người lao động, tăng nguồn thu ngân sách cho Cà Mau mà còn tăng nguồn phát điện tại chỗ, góp phần cải thiện điện áp cho các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh. Đồng thời, tạo tiền đề thuận lợi để Cà Mau phát triển về công nghiệp, du lịch trong tương lai không xa - ông Hải khẳng định. |
Nguồn Báo Nhân Dân điện tử