Thứ Bẩy, 23/11/2024 06:02:21 GMT+7
Lượt xem: 5757

Tin đăng lúc 05-03-2017

Không chuyển nợ doanh nghiệp sang nợ Chính phủ

Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, nếu đưa nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công có nghĩa là chuyển nợ từ doanh nghiệp sang nợ của Chính phủ.
Không chuyển nợ doanh nghiệp sang nợ Chính phủ
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra, Chính phủ đã thảo luận về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), trong đó có vấn đề được dư luận quan tâm là phạm vi nợ công.

 

Luật hiện hành quy định nợ công gồm: Nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Bộ Tài chính cho rằng quy định như hiện nay về phạm vi nợ công là hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc thù của nền kinh tế nước ta.

 

Tuy nhiên, qua tổng kết 6 năm thực hiện Luật Quản lý nợ công cũng như trong quá trình xin ý kiến của các cơ quan để xây dựng dự thảo Luật quản lý nợ công sửa đổi, còn một số ý kiến liên quan đến phạm vi nợ công, như nợ công có bao gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước hay không?

 

Rõ ràng hơn quy định hiện hành

 

Trong dự thảo Luật sửa đổi, Bộ Tài chính đề nghị: Phạm vi nợ công gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Nợ công không bao gồm nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước, nợ do Ngân hàng Nhà nước phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ, nợ lẫn nhau giữa các cấp ngân sách. Theo Bộ Tài chính, quy định như vậy để làm rõ hơn phạm vi tính toán, thống kê nợ công.

 

Thảo luận về vấn đề này, các thành viên Chính phủ thống nhất phạm vi nợ công gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương, không bao gồm nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước, nhằm bảo đảm bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

 

Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, đối với vay nợ của doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế tự vay tự trả, doanh nghiệp là bên vay có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp nhà nước là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chịu trách nhiệm hữu hạn trên tổng số vốn điều lệ được cấp, trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ có thể thực hiện phá sản theo quy định của pháp luật.

 

"Nếu đưa nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công có nghĩa là chuyển nợ từ doanh nghiệp sang nợ của Chính phủ. Điều này không phù hợp, vì vậy Bộ Tài chính không đưa nợ doanh nghiệp nhà nước vào nợ công”, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu.

 

Theo đánh giá, quy định tại dự thảo Luật về phạm vi nợ công như vậy là rõ ràng hơn so với Luật quản lý nợ công hiện hành. Việc không chuyển nợ từ doanh nghiệp sang nợ của Chính phủ sẽ bảo đảm bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

 

Tuy nhiên, dự thảo Luật đã có quy định các khoản nợ vay lại, nợ được Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước được tính vào nợ công, tức là dần tiếp cận với thông lệ quốc tế.

 

Ngoài ra, để phù hợp với thực tiễn Việt Nam, Chính phủ sẽ có các biện pháp bảo đảm khả năng trả nợ của doanh nghiệp nhà nước, nhất là đối với các khoản nợ nước ngoài để hạn chế tranh chấp quốc tế, ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, Chính phủ ban hành các biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ các khoản tự vay, tự trả của doanh nghiệp trong các văn bản pháp luật liên quan.

 

Thắt chặt việc cấp bảo lãnh Chính phủ

 

Được biết, trong giai đoạn 2010 - 2015, tổng trị giá cấp bảo lãnh Chính phủ đạt 568,5 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp, ngân hàng chính sách tiếp cận được với các nguồn vốn vay dài hạn trong và ngoài nước thực hiện chương trình, dự án trọng điểm, cấp bách, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đòi hỏi vốn đầu tư lớn.

 

Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, dư nợ bảo lãnh Chính phủ hiện đang ở mức 10,2% GDP, trong đó phần lớn là những khoản bảo lãnh dành cho doanh nghiệp.

 

Theo Bộ Tài chính, bên cạnh mặt tích cực, việc bảo lãnh của Chính phủ đối với một số chương trình, dự án vay vốn cũng bộc lộ những hạn chế liên quan đến trả nợ vay dẫn đến yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc cấp bảo lãnh Chính phủ, cần thắt chặt hơn nữa điều kiện cấp bảo lãnh.

 

Bám sát quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 07/NQ-TW của Bộ Chính trị, dự thảo Luật Quản lý nợ công sửa đổi đã quy định một số điều kiện chặt chẽ hơn đối với việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho từng nhóm đối tượng; quy định chặt chẽ về điều kiện đối với người vay được bảo lãnh, về dự án, chương trình, về khả năng trả nợ và tính khả thi của dự án hoặc chương trình tín dụng.

 

Theo ông Hoàng Hải, lế hoạch từ nay tới cuối năm 2020 sẽ duy trì dư nợ bảo lãnh không quá 10% và thấp hơn được là tốt nhất. Nhằm tăng cường thắt chặt bảo lãnh, tăng trách nhiệm giải trình, Bộ Tài chính đang xây dựng danh mục các dự án được ưu tiên cấp bảo lãnh để báo cáo Chính phủ trình ra Quốc hội

.

Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian qua, nợ công được đảm bảo trong giới hạn an toàn được Quốc hội phê duyệt. Đến cuối năm 2015 tỷ lệ nợ công/GDP ở mức 62,2% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 50,3% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 43,1% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 14,9% tổng thu ngân sách nhà nước.

Tổng trị giá vay nợ của chính quyền địa phương giai đoạn 2010-2015 đạt trên 129 nghìn tỷ đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

 

 

Nguồn Báo Chính Phủ


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang