Tính đến nay, đã có hơn 90 trong số 230 chợ truyền thống tại thành phố Hồ Chí Minh phải đóng cửa do không đảm bảo về an toàn phòng chống dịch bệnh Covid -19.
Dịch bệnh Covid-19 hiện đã lây lan ra hơn 50 tỉnh, thành phố. Bộ Công Thương liên tục có văn bản chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng các phương án ứng phó để sẵn sàng cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội theo các cấp độ diễn biến của dịch bệnh. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương về các phương án cung ứng hàng hóa trong tình huống dịch bệnh.
PV: Thưa bà, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các địa phương như TP.HCM hay Bình Dương đã thực hiện tạm dừng hoặc đóng cửa một số điểm kinh doanh hàng hóa thiết yếu nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, vậy Bộ Công Thương đánh giá như thế nào về tình hình nguồn cung hàng hóa?
Bà Lê Việt Nga: Bộ Công Thương đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo, phải chuẩn bị tốt kịch bản để ứng phó với mọi tình huống, cấp độ dịch bệnh, vì vậy, nguồn cung hàng hóa luôn luôn được đảm bảo. Trong tình huống hiện nay, một số tỉnh, thành phố đang gặp khó khăn như TP.HCM hay Bình Dương, các địa phương đều đã ban hành kế hoạch bình ổn thị trường và kế hoạch ứng phó với dịch bệnh Covid-19, có những cấp độ dịch bệnh thì lượng hàng dự trữ lên gấp 3 lần so với bình thường. Các địa phương cũng đã tổ chức điểm bán dự phòng cũng như điểm bán cố định để trong mọi tình huống không được để đứt gãy nguồn cung.
PV: Vâng, cụ thể hơn, Bộ Công Thương đã triển khai các giải pháp gì để không xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung hàng hóa, thưa bà?
Bà Lê Việt Nga: Về dài hạn, kế hoạch luôn quan trọng, chúng tôi luôn lồng ghép vào các chỉ thị, chỉ đạo về các giải pháp ứng phó với dịch bệnh trong phòng chống dịch, cũng như giải pháp tiêu thụ nông sản, như: Chỉ thị số 04, 06 năm 2020, Chỉ thị 07, 08 năm 2021, giao nhiệm vụ rất cụ thể cho các đơn vị của Bộ Công Thương cũng như Sở Công Thương các địa phương với các kế hoạch phối hợp với nhau trong mọi tình huống.
Như tại thành phố Hồ Chí Minh, có rất nhiều chợ phải đóng cửa, trong đó có chợ đầu mối Hóc Môn. Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh cũng như Bộ Công Thương luôn gắn kết để bàn các giải pháp kịp thời làm thế nào để có điểm thay thế cho chợ, siêu thị tạm thời đóng cửa. Cũng như các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin hay đưa hệ thống phân phối tham gia chương trình bình ổn thị trường của Thành phố Hồ Chí Minh, vốn đã có thế mạnh cũng như kinh nghiệm hoạt động rất hiệu quả, vững bền, có nguồn hàng luôn đầy đủ.
PV: Theo bà, cần những sự hỗ trợ gì để tháo gỡ các khó khăn, thực hiện các yêu cầu về bảo đảm lưu thông, cung ứng hàng hóa tại thị trường trong nước?
Bà Lê Việt Nga: Kế hoạch bình ổn thị trường rất rõ, chúng ta có nguồn hàng cung ứng rất tốt, đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong mọi tình huống, đấy là những nỗ lực về nguồn cung hàng hóa. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến rất nhanh, đó là một trong những thách thức của mạng lưới phân phối, làm sao duy trì được hệ thống mạng lưới phân phối khi các ca F0 vào và theo yêu cầu ngành Y tế phải đóng cửa để tạm thời vệ sinh, truy vết, khử trùng. Trong thời gian đóng cửa, chúng ta phải có giải pháp để đảm bảo hàng hóa thiết yếu của các hệ thống đóng cửa.
Thành phố Hồ Chí Minh hay Bình Dương đã đưa ra những giải pháp sáng tạo, tổ chức địa điểm bán hàng lưu động hay bán hàng qua thương mại điện tử... Thêm vào đó, tính liên kết giữa các tỉnh, thành phố hỗ trợ lẫn nhau, chúng tôi đánh giá rất cao các hệ thống phân phối lớn đang đưa lực lượng của mình về tập trung hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh... Đây là những hoạt động thiết thực, đảm bảo lực lượng luôn sẵn sàng, hàng hóa luôn sẵn sàng, việc cung ứng luôn đảm bảo, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hay Bộ Công Thương là 4 tại chỗ 3 sẵn sàng, đảm bảo hàng hóa trong mọi tình huống dịch bệnh.
PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn bà!
Theo VOV