Theo thông tin mới nhất từ Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương, qua trao đổi với đại diện Sở Công Thương các địa phương về công tác tình hình cung ứng, giá cả hàng hóa và công tác chỉ đạo trên địa bàn đến thời điểm 9h ngày 8/9/2024, tình hình cung ứng, vận chuyển hàng hoá thiết yếu của các địa phương như sau:
Hà Nội: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho vận chuyển hàng hoá của các doanh nghiệp bán lẻ
Tại TP Hà Nội, đêm ngày 7/9/2024, trên địa bàn thành phố Hà Nội, do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều cây xanh lớn gãy đổ gây khó khăn chung cho việc đi chuyển của các phương tiện trong đó bao gồm các xe vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp. Tuy nhiên lực lượng chức năng đã tích cực cưa, cắt, dọn dẹp do đó việc lưu thông của các phương tiện cơ bản đảm bảo.
Dự báo, do hoàn lưu của cơn bão sẽ gây mưa lớn trong một vài ngày sẽ gây ngập cục bộ tại 1 số địa bàn của thành phố, gây khó khăn cho việc di chuyển của các phương tiện. Mưa lớn gây ngập úng nên dự báo sẽ có 1 số khu vực bị chia cắt như một số xã trên địa bàn các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất. Do ngập sâu nên dự kiến hoạt động kinh doanh tại một số xã gặp khó khăn. Hoạt động mua bán hàng hóa chỉ diễn ra tại những khu vực không bị ngập úng trên địa bàn các xã.
Trước tình hình đó, phương án cung ứng hàng cứu trợ (nếu xảy ra) được bàn giao tại địa điểm do UBND các huyện đề xuất, sau đó sử dụng phương tiện chuyên dụng do địa phương bố trí để chuyển tới người dân khu vực bị chia cắt. Trường hợp cứu trợ khẩn cấp Sở Công Thương báo cáo UBND Thành phố chỉ đạo lực lượng quân đội, công an bố trí phương tiện vận chuyển chuyên dụng, phối hợp đơn vị liên quan tổ chức cứu trợ.
Về cung ứng hàng hoá, sáng ngày 8/9/2024, cơ bản các điểm bán đã mở của hoạt động bình thường phục vụ nhân dân.
Cụ thể, tại hệ thống chợ, nhìn chung không có thiệt hại lớn về tài sản, một số chợ bị bung, lật một số mái tôn gây dột cục bộ, vỡ kính thủy lực cây đổ cản trở lối vào các chợ, có 02 chợ tại huyện Thanh Trì bị tốc mái. Hiện nay các chợ đang tích cực khắc phục và thực hiện vệ sinh môi trường xung quanh chợ. Đa số các chợ đã hoạt động trở lại, hàng hóa đảm bảo phục vụ nhân dân.
Tại hệ thống siêu thị, điểm bán lẻ, theo báo cáo của các đơn vị lớn trên địa bàn, các điểm bán chủ yếu ghi nhận thiệt hại liên quan đến bật vách, mái tôn, rơi biển hiệu, pano, vỡ kính, cây xanh đổ gần khu vực cửa hàng và hiện các đơn vị đang tích cực dọn dẹp, khắc phục. Việc vận chuyển hàng hóa đến các đến các điểm bán bị chậm do cây đổ, tình hình giao thông gặp khó khăn.
Sáng ngày 8/9/2024, cơ bản các điểm bán đã mở cửa bán hàng bình thường, đảm bảo hàng hóa phục vụ người dân; còn một số các điểm bán hàng bị ảnh hưởng bởi tuyến đường ngập lụt và hoặc có hư hỏng về cơ sở vật chất sẽ hoạt động lại ngay sau khi được khắc phục.
Hải Phòng: Sử dụng phương tiện chuyên dụng để vận chuyển hàng hoá khi cần thiết
Tại Hải Phòng, đêm ngày 7/9/2024, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 đến nay ở Hải Phòng mất điện, mất nước, sóng điện thoại và 4G không được thông suốt; nhiều cây xanh lớn ở nhiều tuyến đường bị đổ, thành phố có văn bản nhân dân không ra khỏi nhà trước 20h ngày 7/9/2024 trừ các lực lượng phòng chống thiên tai, các lực lượng khác thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ huy cùng cấp.
Do ảnh hưởng của siêu bão nhiều cửa hàng xăng dầu bị thiệt hại: Tốc một phần mái che cột bơm, rơi biển thương hiệu, biển giá, vỡ cửa kính, bay cửa cuốn. Có cửa hàng bị đổ nghiêng cột bơm, đổ tường rào, tường nhà… hoặc những mái tôn nhà dân xung quanh rơi vào làm hòng mái cửa hàng xăng dầu…
Tại hệ thống siêu thị, có siêu thị bị bay mái che ở bãi xe, nứt/rạn kính cửa sổ, cửa ra vào. Tuy nhiên, lượng hàng hoá các doanh nghiệp cam kết cung ứng không bị ảnh hưởng, đảm bảo đủ số lượng đã cam kết.
Sở Công Thương Hải Phòng đã có Công văn đề nghị UBND các quận, huyện chủ động phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu trên địa bàn phục vụ phòng chống cơn bão số 3 năm 2024; đồng thời đề nghị UBND các quận, huyện rà soát nguồn cung hàng hóa trên địa bàn, đánh giá nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, trường hợp nguồn cung không đáp ứng, chủ động liên hệ với 7 doanh nghiệp trên để thực hiện điều tiết cung cầu hàng hóa, phục vụ nhân dân trên địa bàn.
Đồng thời, Sở Công Thương đã có công văn đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có năng lực, phương tiện vận chuyển chuyên dùng (Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an thành phố…) bố trí phương tiện, nhân lực để tiếp nhận và chuyển hàng hóa từ các kho của các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa đến các điểm có nhu cầu cung ứng theo đề nghị của UBND các quận, huyện, thực hiện bàn giao để các địa phương tiếp nhận và sử dụng (trong trường hợp các địa phương không còn khả năng cung cấp và đề nghị thành phố hỗ trợ; đồng thời các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa không thể sử dụng xe vận tải thông thường để vận chuyển hàng hóa).
Đối với công tác vận chuyển hàng hóa ra huyện Cát Hải, đề nghị các đơn vị xây dựng phương án vận chuyển hàng hóa, thực phẩm thiết yếu đến Bến phà Cái Viềng (phương tiện chuyên dụng là tàu cứu hộ, cứu nạn) để giao cho huyện Cát Hải tiếp nhận, vận chuyển theo các phương án “4 tại chỗ” trong phạm vi nội bộ huyện.
Tính đến 8h sáng nay, trên địa bàn thành phố vẫn mất điện, mất nước, mạng di động, 4G không ổn định; cây xanh đổ nhiều trên các tuyến đường, một số tuyến đường trong thành phố bị ngập nhẹ, gây cản trở giao thông. Các siêu thị/chợ/cây xăng hoạt động bình thường. Một số chợ bị tốc mái hoặc bị ngập phía ngoài đường hoặc cây xanh đổ bên ngoài hoạt động thưa thớt; một số cửa hàng xăng dầu bị ảnh hưởng đang khắc phục trước khi hoạt động trở lại.
Quảng Ninh: Chợ, siêu thị, cây xăng hoạt động bình thường
Theo báo cáo mới nhất của Sở Công Thương Quảng Ninh, tính đến 8h sáng nay, trên địa bàn tỉnh vẫn mất điện, mạng di động, 4G không ổn định; cây xanh đổ nhiều trên các tuyến đường gây cản trở giao thông tại một số tuyến đường.
Các siêu thị/chợ/cây xăng hoạt động bình thường đảm bảo hàng hóa phục vụ tiêu dùng nhân dân trong tỉnh. Một số chợ bị tốc mái hoặc cây xanh đổ bên ngoài hoạt động thưa thớt; một số cửa hàng xăng dầu bị ảnh hưởng đang khắc phục trước khi hoạt động trở lại.
Hàng hoá dồi dào, giá cả ổn định ở một số địa phương khác
Theo báo cáo nhanh của Sở Công Thương một số địa phương, hiện nay, nguồn cung hàng hoá dồi dào, giá cả ổn định.
Cụ thể, tại Tuyên Quang, đêm ngày 7/9/2024, địa bàn tỉnh Tuyên Quang có mưa liên tục nhưng không lớn, không ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hoá, chưa có thiệt hại về con người và tài sản. Lượng hàng hoá dự trữ đủ để cung cấp cho cả tỉnh trong 2-3 ngày tới. Vùng nguy cơ cao xảy ra lũ quét sạt lở của tỉnh Tuyên Quang bao gồm: huyện Sơn Dương, 1/2 huyện Yên Sơn và 1/3 địa bàn huyện Chiêm Hoá (các địa phận giáp với các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc), tuy nhiên chưa đến mức bị chia cắt cô lập.
Đến 7h sáng ngày 8/9/2024, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có mưa. Qua nắm bắt thực tế, hệ thống các chợ/siêu thị/cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh hiện chưa có thiệt hại, hoạt động thương mại diễn ra bình thường. Tuy nhiên, tình trạng mưa kéo dài có nguy cơ cao gây lũ quét, lũ ống sạt lở, ngập lụt tại các vùng thuộc huyện Sơn Dương, Yên Sơn và TP Tuyên Quang.
Tại Nam Định có mưa và gió to dẫn đến đổ cây ở một số tuyến phố. Tuy nhiên, lực lượng chức năng đã kịp thu dọn để các phương tiện lưu thông bình thường. Nếu tiếp tục có mưa to dài ngày có khả năng ngập lụt một số vùng trũng tại thành phố. Tuy nhiên chính quyền sẽ sử dụng hệ thống máy bơm để bơm chống ngập. Do đó hàng hoá thiết yếu sẽ được các doanh nghiệp phân phối dự trữ và vận chuyển cung ứng bình thường.
Tại Cao Bằng, hiện tại, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra bình thường, tình hình cung cầu hàng hóa trên địa bàn vẫn ổn định.
Tại Bắc Giang, đêm ngày 7/9/2024, qua nắm bắt thực tế, các chợ, siêu thị, cửa hàng tổng hợp, tiện ích, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh vẫn mở cửa phục vụ người dân. Lượng hàng hóa hàng thiết yếu (nhất là các mặt hàng tươi sống, rau củ quả, thịt lợn, thịt gà…) tại các điểm bán đầy đủ, nguồn cung dồi dào. Việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa cơ bản bình thường, không xảy ra đứt gãy.
Trước đó, để chủ động, ứng phó với cơn bão số 3, các doanh nghiệp phân phối, kinh doanh hàng hóa, xăng dầu trên địa bàn đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp, có kế dự trữ các mặt hàng để phục vụ nhu cầu của người dân trong khu vực.
Về lượng khách đến mua sắm, do người dân đã chủ động mua sắm, dự trữ lương thực, thực phẩm tươi sống (rau củ quả, thịt lợn, thịt gà...) từ những ngày trước khi bão số 3 đổ bộ, cùng với tâm lý không ra đường do lo ngại mưa bão, nên lượng khách đến mua sắm tại các chợ, siêu thị, cửa hàng ngày 7/9 đã giảm mạnh so với ngày hôm trước (6/9/2024); các mặt hàng được tập trung mua sắm hôm nay chủ yếu vẫn là các mặt hàng thực phẩm tươi sống và rau củ; giá bán hàng hóa tương đối ổn định.
Tại địa bàn các huyện, thị xã, thành phố có một số điểm, khu dân cư bị mất điện do bão (cành cây gãy, biển quảng cáo, mái tôn... bay), các khu vực còn lại trên địa bàn tỉnh hoạt động cung ứng điện cơ bản ổn định. Dự kiến ngay sau khi bão đi qua, Công ty Điện lực tỉnh Bắc Giang sẽ nhanh chóng triển khai sửa chữa khắc phục và cung cấp điện lại.
Đến 7h00 sáng nay, tình hình hệ thống chợ/siêu thị/cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chưa ghi nhận thêm thiệt hại đáng kể nào; hiện nay mưa đã ngớt, gió không còn thổi mạnh, dự kiến hoạt động cung ứng hàng hóa (đặc biệt là lương thực, thực phẩm tươi sống ), xăng dầu ngày hiện nay sẽ diễn ra bình thường.
Tại Điện Biên, đến 7h00 sáng nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên chỉ có mưa nhỏ k ảnh hưởng gì đến việc vận chuyển hàng hoá. Hệ thống chợ/siêu thị/cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh hoạt động bình thường.
Tại Yên Bái, đến 7h00 sáng nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái chỉ có mưa, hệ thống chợ/siêu thị/cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh hoạt động bình thường, cơ sở vật chất chưa có thiệt hại.
Tại Hà Giang, tính đến 8h00 sáng nay, trên địa bàn tỉnh có xảy ra mưa vừa và nhỏ không ảnh hưởng đến việc vận chuyển lưu thông hàng hoá. Các cửa hàng xăng dầu, hệ thống chợ/siêu thị/cửa hàng tiện lợi hoạt động bình thường.
Tại Hòa Bình, qua nắm bắt thực tế đến sáng ngày 8/9/2024, các chợ, siêu thị, cửa hàng tổng hợp, tiện ích, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh vẫn mở cửa phục vụ người dân. Lượng hàng hóa hàng thiết yếu, các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các điểm bán đầy đủ, nguồn cung dồi dào. Việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa cơ bản bình thường, không xảy ra đứt gãy.
Trước đó, để chủ động, ứng phó với cơn bão số 3, các doanh nghiệp phân phối, kinh doanh hàng hóa, xăng dầu trên địa bàn đã chủ động dự trữ các mặt hàng để phục vụ nhu cầu của người dân trong khu vực. Do người dân đã chủ động mua sắm, dự trữ lương thực, thực phẩm tươi sống từ những ngày trước khi bão số 3 đổ bộ, cùng với tâm lý không ra đường do lo ngại mưa bão, nên lượng khách đến mua sắm tại các chợ, siêu thị, cửa hàng ngày 07/9 đã giảm mạnh so với ngày hôm trước (6/9/2024); giá bán hàng hóa tương đối ổn định.
Tại địa bàn các huyện, thành phố có một số điểm, khu dân cư bị giông lốc do bão (cành cây gãy, biển quảng cáo, mái tôn, cột điện bị gãy đổ, hư hỏng nhà dân... Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố phương châm 4 tại chỗ để nhanh chóng khắc phục hậu quả của Bão số 3.
Tại Sơn La, đến 7h00 sáng nay trên địa bàn tỉnh Sơn La chỉ có mưa nhỏ và vừa không ảnh hưởng nhiều đến việc vận chuyển hàng hoá. Hệ thống chợ/siêu thị/cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh hoạt động bình thường.
Dự báo, trong ngày 8/9/2024, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa tiếp tục mở. Tuy nhiên nhu cầu tiêu dùng trên thị trường sẽ trở lại bình thường, giá cả tại các chợ dân sinh sẽ tăng nhẹ; các mặt hàng được tiêu thụ nhiều vẫn chủ yếu là thực phẩm và mặt hàng thiết yếu.
Tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu lương thực, thực phẩm, xăng dầu cơ bản đảm bảo. Bộ Công Thương tiếp tục bám sát, cập nhật tình hình để có chỉ đạo.
Vụ Thị trường trong nước cũng đề nghị EVN (Tổng Công ty Điện lực miền Bắc) ưu tiên cấp điện cho xăng dầu, các hệ thống cung cấp hàng hóa thiết yếu, nhất là khắc phục điện cho khu vực B12 để bơm xăng dầu cho khu vực 1 và miền Bắc.
Theo Congthuong.vn