Thế nhưng, có một “mảnh ghép” mới lạ, độc đáo nhưng vẫn hòa quyện vào “dòng chảy” của làng, đó là không gian Phat Studio của nghệ nhân - họa sĩ trẻ Nguyễn Tấn Phát, nơi những hình tượng dân dã được thổi hồn nghệ thuật để đạt đến một tầm cao mới...
Tình yêu với văn hóa truyền thống
Sinh ra và lớn lên ở thị xã Sơn Tây, vùng đất địa linh nhân kiệt, từ nhỏ Nguyễn Tấn Phát đã mang trong mình tình yêu với nghệ thuật truyền thống và văn hóa dân gian. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, anh càng có điều kiện để hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo thông qua các tác phẩm sơn mài nghệ thuật.
Các tác phẩm của Phát mang phong cách riêng, thể hiện tư duy sắc sảo, năng động của một người trẻ luôn nặng lòng với văn hóa truyền thống. Năm 2017, anh là nghệ nhân trẻ tuổi nhất được Thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội khi vừa tròn 34 tuổi. Năm 2014 và 2019, Nguyễn Tấn Phát giành giải nhất Cuộc thi thiết kế thủ công mỹ nghệ Hà Nội; năm 2020, anh giành giải cao nhất Cuộc thi thiết kế thủ công Việt Nam với bộ “Trâu hoa làng Việt” gồm 1.010 con trâu độc bản. Năm 2022, Nguyễn Tấn Phát tiếp tục ghi dấu ấn với dự án “2.022 tượng hổ sơn mài độc bản”. Đến nay, dự án đã đi được nửa đường với 1.100 tác phẩm được hoàn thành. Anh cũng là một trong không nhiều nghệ sĩ được hãng thông tấn Reutes viết bài, đưa tin hồi đầu năm nay.
Không gian Phat Studio được đặt tại một ngôi nhà cổ nằm sâu trong ngõ nhỏ ở làng cổ Đường Lâm. Qua khoảng sân rộng là những tác phẩm sơn mài được bài trí công phu. Trên tấm phên tre trước gian nhà phụ là những chú kiến bằng sơn mài nhiều màu sắc đang “bò”. Ngoài sân là bộ ghế Ngũ hổ với 5 màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Gần đó là một chiếc ghế - chú hổ khác được tạo tác với dáng vẻ khoan thai, thô mộc và không phủ sơn mài. Đậu trên lưng hổ là 5 - 6 chú chim bồ câu sinh động.
Bước vào bên trong, du khách không khỏi choáng ngợp trước không gian trưng bày gần 4.000 tác phẩm được Nguyễn Tấn Phát thực hiện trong nhiều năm. Mỗi tác phẩm đều có sự đa dạng về màu sắc, kích thước và thần thái. Quan trọng hơn, thông qua hình tượng hổ, Nguyễn Tấn Phát muốn truyền tải thông điệp về quan niệm trong cuộc sống. Anh chia sẻ: “Tôi đặc biệt thích tác phẩm chim đậu trên lưng hổ hay hổ mẹ mang trong bụng hổ con. Thông qua hình tượng này, tôi muốn nhấn mạnh tính bản thiện của loài hổ, đó là sự trung thành, mạnh mẽ, tận tâm và biết yêu thương, che chở”.
Dễ nhận thấy, các tác phẩm của Nguyễn Tấn Phát không đơn giản chỉ là sơn mài mà còn là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhiều loại hình nghệ thuật dân gian với hội họa, điêu khắc và sơn mài truyền thống. Nhân vật trong các tác phẩm thường là những con vật gắn bó với đời sống làng quê, là những hình tượng quen thuộc trong tranh Đông Hồ hay những họa tiết thường thấy trên các mảng chạm khắc ở đình, chùa như chữ triện, hình tượng rồng bay, mây cuộn, voi đấu hổ, rùa cưỡi hổ… Các hình tượng ấy được ứng dụng một cách thông minh, sáng tạo để không chỉ là những tác phẩm điêu khắc, tượng sơn mài mang tính nghệ thuật đơn thuần mà còn có tính ứng dụng cao, trở thành các vật dụng thiết yếu trong cuộc sống như bàn trà, ghế, bình hoa, lọ, hộp đựng đồ, hộp đốt trầm…
Chị Nguyễn Thị Hà My (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trầm trồ: “Tôi chưa bao giờ thấy những tác phẩm sơn mài nào độc đáo, thú vị và giàu cảm xúc đến thế. Chỉ từ những mảnh gỗ vô tri vô giác, nghệ nhân - họa sĩ Nguyễn Tấn Phát đã thổi hồn vào các tác phẩm này, qua đó truyền tải cảm xúc và triết lý về cuộc sống”.
Lan tỏa hình ảnh quê hương
Các tác phẩm của Nguyễn Tấn Phát thường là độc bản. Dù trong một bộ sưu tập, tính nhất quán về phong cách, tư tưởng luôn được đặt lên hàng đầu, tuy nhiên, mỗi tác phẩm lại là một cá thể độc lập, có dấu ấn riêng. Điều đó đòi hỏi ở tác giả nguồn năng lượng cùng sức sáng tạo dồi dào, một nền tảng văn hóa và trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao cùng sự tinh tế, khéo léo. Để tạo dựng phong cách riêng, ngay từ đầu, nghệ nhân - họa sĩ Nguyễn Tấn Phát đã xác định: “Không có con đường nào được hình thành sẵn. Những con đường lớn được hình thành từ con đường nhỏ, và những con đường nhỏ đều khởi nguồn từ con đường chưa được khai phá. Mình phải tự mở ra con đường ấy, dù là con đường độc đạo, và chia sẻ với những người xung quanh”.
Xuất phát từ quan điểm đó, anh quyết tâm mang đến Đường Lâm một không gian mới nhằm lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống nói chung và nghệ thuật hội họa, sơn mài nói riêng. Nhiều người bày tỏ sự hoài nghi, bởi sơn mài vốn không phải là nghề truyền thống của Đường Lâm, liệu có thể tồn tại trong không gian ấy không. Nhưng với một người luôn tìm cho mình con đường riêng, Nguyễn Tấn Phát quyết tâm mang nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống điển hình của vùng đất xứ Đoài xưa về Đường Lâm. Anh bảo, đã là văn hóa truyền thống thì không có sự phân biệt. Sơn mài chỉ là một nghề, là công cụ chuyển tải tình yêu lịch sử, văn hóa truyền thống cùng tinh hoa nghệ thuật của ông cha đến với du khách trong và ngoài nước.
Với sự hỗ trợ của Sở Công Thương, năm 2018, Nguyễn Tấn Phát đã mở lớp đào tạo cho 35 học viên là người dân địa phương nhằm giúp họ có thêm sinh kế, đồng thời góp phần lan tỏa tình yêu nghệ thuật sơn mài và văn hóa truyền thống. Anh chia sẻ: “Thông qua những tác phẩm sơn mài của mình, tôi mong ngày càng nhiều người biết đến thị xã Sơn Tây nhiều hơn, qua đó thúc đẩy việc phát triển du lịch ở Đường Lâm nói riêng và Sơn Tây nói chung”.
Mặc dù luôn nghiêm khắc với bản thân khi đưa ra cho mình những mục tiêu khó, như việc phải có những tác phẩm có giá trị nghệ thuật mang tính hàn lâm, qua đó khẳng định bản thân, nhưng Nguyễn Tấn Phát luôn biết cách cân bằng, lấy ngắn nuôi dài để có thể theo đuổi các mục tiêu dài hạn. Những dự định sắp tới của nghệ nhân trẻ này là thiết kế những sản phẩm lưu niệm đặc trưng cho du lịch Đường Lâm, Sơn Tây và Hà Nội trên cơ sở thế mạnh của mình. Đó là những sản phẩm mang tính thẩm mỹ và khả năng ứng dụng cao, dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống, chú trọng tới những chất liệu có sẵn trong tự nhiên nhằm phát triển bền vững và tôn vinh giá trị bản địa sẵn có.
Cùng với dự định thiết kế các sản phẩm lưu niệm đặc trưng, họa sĩ Nguyễn Tấn Phát cũng ấp ủ dự định đưa không gian Phat Studio trở thành một điểm đến hấp dẫn trong hành trình tham quan làng cổ Đường Lâm. Tại đây, du khách sẽ được nghe anh nói chuyện về nghệ thuật tạo hình và lịch sử hình thành nghệ thuật sơn mài, đồng thời trực tiếp hướng dẫn một số công đoạn như gắn vỏ trứng gà, vẽ sơn, thếp vàng, bạc lá…
Ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng Ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm cho biết: “Việc đưa nghệ thuật sơn mài và không gian Phat Studio vào hành trình tham quan Làng cổ Đường Lâm sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch và hoạt động trải nghiệm, giúp du khách hiểu hơn về nghề thủ công mỹ nghệ độc đáo. Chúng tôi hy vọng rằng, đây sẽ là một trong những không gian văn hóa mới mẻ, mang tính sáng tạo nhưng vẫn nằm trong dòng chảy văn hóa truyền thống nói chung của Đường Lâm”.
Hà Nội đã trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Và những không gian như Phat Studio hay những cá nhân luôn mang trong mình khát khao sáng tạo như nghệ nhân - họa sĩ Nguyễn Tấn Phát sẽ là những nhân tố góp phần vào việc hình thành nên “sức mạnh mềm” văn hóa và sự phát triển của Thủ đô.
Theo Hà Nội mới