Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết trong giai đoạn giá thịt heo tăng liên tục vừa qua, các sở - ngành TP HCM đã làm việc với những đơn vị cung ứng thịt heo lớn như Công ty Vissan, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty CP… và nhận được cam kết bảo đảm nguồn cung cho thị trường từ nay đến Tết nguyên đán 2019. "Công ty CP vừa được UBND TP HCM chấp thuận cho tham gia chương trình bình ổn thị trường lương thực - thực phẩm và thị trường Tết TP HCM từ tháng 8-2018. Sự có mặt của CP sẽ bảo đảm nguồn cung thịt heo chính thống cho thị trường" - bà Trang cho biết.
Cũng theo bà Trang, từ đầu năm đến nay, thị trường thịt heo khá sôi động. Giá thịt heo liên tiếp tăng trong tháng 1, tháng 2, giảm nhẹ trong tháng 3; đến tháng 4, 5 thì từ 31.000 đồng/kg vọt lên 48.000 đồng/kg. Sang quý III, giá heo hơi dao động quanh mức giá 48.000-50.000 đồng/kg, có lúc lên 55.000 đồng/kg; hiện ổn định ở mức 46.000-51.000 đồng/kg. Với mức giá hiện nay, người chăn nuôi đã có lãi, việc tái đàn có xu hướng tăng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết nguyên đán. "Vừa rồi, giá thịt heo có nhích lên do một số hộ ở miền Tây gầy lại đàn, đẩy giá để thăm dò thị trường. Giá heo hơi đang tương đương mức giá cuối năm 2016, đầu năm 2017. Ngoài thịt heo, nguồn cung các mặt hàng chủ lực Tết như gạo, đường, trứng… rất phong phú, giá cả ổn định nên không lo nhảy giá" - bà Trang thông tin.
Đến nay, các DN trên địa bàn TP HCM cơ bản đã chuẩn bị xong kế hoạch cung ứng hàng Tết. Theo kế hoạch, các DN chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng Tết là hơn 18.400 tỉ đồng, tăng 612 tỉ đồng so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Mậu Tuất 2018. Trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường hơn 7.532 tỉ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết (từ ngày 6-1 đến 4-2-2019), tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị là 10.812 tỉ đồng, trong đó có 4.211 tỉ đồng hàng bình ổn. Lượng hàng chuẩn bị tăng 13,2%-16,9% so kế hoạch TP giao và tăng 23%-36% so kết quả thực hiện Tết Mậu Tuất 2018. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối 32%-58% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm (chiếm 55,2%), trứng gia cầm (51,1%), thực phẩm chế biến (33,6%), thịt gia súc (31,7%), dầu ăn (34,5%), gạo (29,3%)...
Cũng như mọi năm, năm nay hàng bình ổn chiếm khoảng 30%-40% thị phần. Với sự tham gia của các đơn vị chủ lực trong lĩnh vực phân phối như Saigon Co.op, Satra, Big C, Aeon Citimart, Lotte… cùng hệ thống hơn 4.000 cửa hàng bình ổn mặt hàng lương thực - thực phẩm, hàng thiết yếu Tết sẽ được đưa đến tay người tiêu dùng với mức giá hợp lý, ổn định trong 2 tháng trước và sau tết. Đặc biệt trong 2 ngày cận Tết, các DN sẽ giảm giá sâu mặt hàng thịt heo, thịt gà, trứng gà/vịt...
Nguồn Người lao động