"Con tàu kinh tế" đạt tốc độ đáng khích lệ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011.
Động lực chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng chung là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức tăng hơn 13%. Xét ở khía cạnh tiêu dùng, cầu tiêu dùng tiếp tục tăng khá và cán cân thương mại thặng dư cho thấy xu hướng cải thiện trong tăng trưởng vẫn được duy trì.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 747 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% GDP và tăng 10,1% so với cùng kỳ, trong đó khu vực ngoài nhà nước chiếm tỉ trọng lớn nhất (41,3%) và có mức tăng cao nhất (17,5%), phản ánh sự đúng đắn và đi vào cuộc sống của chủ trương của Đảng về phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế vẫn còn một số vấn đề cần được quan tâm. Mô hình tốc độ tăng GDP năm 2018 có xu hướng giảm dần, từ 7,45% của quý I (sau khi đánh giá lại) đã giảm xuống còn 6,79% của quý II và 7,08% của 6 tháng. Tuy vẫn ở mức khá, nhưng để đạt được mục tiêu kịch bản tăng trưởng đề ra 6,7% thì cần có sự nỗ lực, phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, cố gắng đạt khoảng 6,53% vào quý III và 6,36% vào quý IV. Lý do là các quý cuối năm 2017 đã đạt mức tăng trưởng rất cao, nên tăng trưởng các quý cuối năm 2018 nếu đạt trên 6% là rất tích cực. Một số tổ chức quốc tế vẫn dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2018 ở mức khá, ví dụ Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo đạt khoảng 6,6% và là mức tăng tốt nếu so sánh với các nước trong khu vực. Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, liên tiếp hai tháng 5 và 6, chỉ số CPI đã có sự tăng mạnh so với tháng trước đó, tháng 5 là 0,55%, tháng 6 là 0,61%. Đây là mức tăng cao, nếu tiếp diễn như vậy thì khả năng rất khó kiểm soát mục tiêu CPI bình quân cả năm dưới 4%.
Dự báo tình hình kinh tế, thương mại thế giới 6 tháng cuối năm tuy có dấu hiệu tăng chậm lại nhưng vẫn ở mức khá. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo kinh tế thế giới sẽ không duy trì được đà tăng trưởng khá vào năm 2019 và có tác động rất lớn đối với các nước đang phát triển, nước có xuất khẩu lớn, trong đó có Việt Nam.
Nhiều vấn đề chủ yếu cần tập trung giải quyết
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị không nêu nhiều thành tích mà phải đưa ra giải pháp sát, đúng với tình hình đất nước, các địa phương, các vùng; trong đó tập trung thảo luận 18 vấn đề chủ yếu, như: kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển đô thị, kinh tế tư nhân, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội...
Đối với các vấn đề xã hội bức xúc, Thủ tướng cho biết, thời gian qua có nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến phản ảnh về tình trạng an toàn giao thông, lừa đảo, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, an toàn thực phẩm, vệ sinh trong trường học, bệnh viện, tham nhũng, lợi ích nhóm, đề bạt cán bộ… “Chúng ta không để tình trạng xã hội bức xúc kéo dài, ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài của đất nước, niềm tin của nhân dân, đến thế hệ mai sau. Cần quan tâm đến lợi ích chính đáng của nhân dân. Đây là yêu cầu cần thiết đối với mọi cấp, mọi ngành” - Thủ tướng nhân mạnh.
Về những khó khăn, thách thức trong lĩnh vực kinh tế, Thủ tướng nêu ra 4 vấn đề lớn để các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận, tìm giải pháp. Đó là, sức ép lạm phát 6 tháng cuối năm, CPI trong tháng 6 tăng 0,61% cao nhất trong 7 năm qua. Nguyên nhân là do giá các mặt hàng xăng dầu, ăn uống, giao thông vận tải, vật liệu xây dựng tăng mạnh. Để kiểm soát lạm phát những tháng còn lại năm 2018, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành không tăng giá điện trong năm nay, giá dịch vụ y tế, giáo dục đủ điều kiện mới tăng, bảo đảm mục tiêu lạm phát tăng dưới 4%.
Các bộ, ngành địa phương cần thảo luận kỹ nguyên nhân giải ngân chậm (giải ngân 6 tháng mới đạt khoảng 33%).
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP đã đề ra, trong quý III phải đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6,23%, quý IV đạt 6,31%, trong khi bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều phức tạp, chiến tranh thương mại có nguy cơ xảy ra.
Thủ tướng cũng gợi ý các bộ, ngành, địa phương thảo luận cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đất là vấn đề lớn, dù đã có tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều rào cản trong phát triển, những nghiên cứu gần đây của các thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng thì đang có sự chững lại trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mục tiêu cắt 50% thủ tục hành chính còn nhiều khó khăn.
Theo báo Công Thương