Mối đe dọa an ninh
Người ta thật sự chú ý tới UAV thời gian gần đây là bởi vụ ám sát bất thành bằng UAV có gắn thuốc nổ nhăm vào Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm 4/8 xảy ra chỉ hơn 1 tuần sau khi một nhóm khủng bố điều khiển drone vũ trang tấn công vào sân bay quốc tế Abu Dhabi, thủ đô Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Hai vụ tấn công nói trên được cho là có thể khuyến khích các nhóm khủng bố am hiểu công nghệ và những kẻ bất mãn dùng UAV để thực hiện các hành động bạo lực chính trị.
UAV trong tay khủng bố đang ngày càng thổi bùng mối lo ngại trong giới chức Mỹ. Trong bản điều trần chung gửi quốc hội Mỹ hồi tháng 6, Thứ trưởng Bộ An ninh nội địa phụ trách tình báo David Glawe và phó tổng công tố viên của bộ này, Hayley Chang, gọi UAV là "đe dọa lù lù trước mắt" mà Mỹ hiện chưa sẵn sàng đối đầu.
Dù có thể gọi là một dấu mốc mới trong vấn đề sử dụng UAV nhưng vụ tấn công ở Caracas hôm 4/8 không phải là lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia bị nhắm mục tiêu bằng drone. Hồi tháng 1-2015, một chiếc drone rơi vào bãi cỏ của Nhà Trắng sau khi bị mất điều khiển, gây quan ngại rằng tòa bạch ốc của tổng thống Mỹ có thể gặp nguy.
Siết chặt quản lý
Thời gian gần đây, tại Việt Nam, UAV được sử dụng chủ yếu là những chiếc Flycam, xu hướng này của người dân đang phát triển mạnh và việc mua bán, trao đổi loại thiết bị bay không người lái đang diễn ra khá sôi động. Trong khi đó, phần lớn người sở hữu, sử dụng loại thiết bị này không nắm được quy định của pháp luật về loại phương tiện, kỹ thuật còn khá mới mẻ này.
Theo Bộ Quốc phòng, các hoạt động trên tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm cho các hoạt động bay quân sự và dân dụng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch lợi dụng làm phương tiện để thực hiện các hành vi gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị nhất là vào các dịp cao điểm, lễ, tết.
Hiện nay đã có nhiều nghị định quy định về quản lý UAV như Nghị định 36/2008/NĐ-CPVề quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 159/QĐ-BQP. Theo đó, các tổ chức, cá nhân trước khi bay phải thực hiện thủ tục xin phép bay và chỉ được tổ chức bay khi đã được cấp phép.
Theo khoản 5 Điều 19 Nghị định 147/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, trường hợp bay mà không có giấy phép sẽ bị phạt 40 - 100 triệu đồng, tịch thu phương tiện; thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo ông Trần Anh Tú, giảng viên Học viện Kỹ thuật Mật mã, công tác quản lý, giám sát và xử phạt hành vi vi phạm còn chồng chéo, thiếu sự phối kết hợp chặt chẽ và đặc biệt là chế tài còn chưa bảo đảm tính răn đe. Cũng chính vì thế mà nhiều cơ quan liên quan hiện nay đang kiến nghị cần sửa đổi quy định và thậm chí là nên áp dụng chế tài về hình sự đối với một số hành vi vi phạm trong sử dụng thiết bị bay không người lái.
Ông Trần Anh Tú đề xuất để có thể siết chặt quản lý bằng cách buộc những người sở hữu UAV phải có bằng lái giống với các phương tiên khác như xe máy ô tô, ví dụ như ở Trung Quốc từ năm 2017, Chính phủ Trung Quốc áp dụng các quy định nghiêm ngặt để ngăn chặn rủi ro máy bay không người lái đi vào đường bay của máy bay dân dụng, tất cả các chủ phương tiện không người lái dân dụng phải đăng ký UAV của mình bằng tên thật.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng kiểm soát, quản lý cần thông báo rõ nơi tiếp nhận hồ sơ cấp phép và thủ tục, công bố quy định những khu vực không được bay, để người sử dụng UAV biết, chấp hành đúng pháp luật.
Theo Enternews