Tuy nhiên, bên cạnh các hoạt động thương mại thông thường, còn có một bộ phận người nước ngoài vào Việt Nam tham gia hoạt động mua bán nông sản, thủy sản, hải sản chưa tuân thủ đầy đủ hoặc thực hiện trái với các quy định của pháp luật Việt Nam, cần được chấn chỉnh, xử lý.
Ngay từ khi xuất hiện hiện tượng thu mua nông sản, thủy sản mang tính chất khác thường, Cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương đã khẩn trương có các biện pháp kịp thời. Cục cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu với Lãnh đạo Bộ hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam làm căn cứ để chỉ đạo, kiểm tra, kiểm soát và xử lý. Đồng thời, có công văn chỉ đạo Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương thống kê, rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc và các tổ chức, cá nhân thu gom các mặt hàng nông sản, thủy sản, hàng tiêu dùng trên địa bàn. Mặt khác, Cục QLTT cũng đã thành lập các Đoàn công tác đến các địa bàn nóng, có xảy ra vụ việc để trực tiếp tìm hiểu, chỉ đạo kiểm tra, xử lý. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đàm phán hiệp định song phương và đa phương... để mở rộng thị trường nhằm tiêu thụ nông sản, thuỷ sản cho nông dân.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 90.826 vụ, xử lý 48.691 vụ vi phạm, tổng số thu gần 203 tỷ đồng, trong đó: xử lý 7.552 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, phạt hành chính trên 26 tỷ đồng, tịch thu: 27.993 chai (lít) rượu; 30.316 lon bia; 18.730 kg (gói) bột ngọt; 18 tấn nông sản; 31 tấn trái cây; 80 tấn đường kính; 67.680 chai nước giải khát; 11 chai (lít) nước mắm; 37.432 kg (hộp) bánh kẹo; 31.544 hộp sữa; 11.987 con và 18.257 kg gia cầm; 192.944 quả trứng gia cầm; 54.770 kg gia súc, phụ phẩm gia súc; 10.385 kg thủy hải sản; 43.449 hộp (kg) thực phẩm các loại.
Tuy nhiên, hiện tượng lợi dụng chính sách mở cửa, khuyến khích du lịch để thâm nhập vào Việt Nam lén lút hoạt động thu mua nông sản, thuỷ sản vẫn có thể diễn ra. Để giải quyết những vấn đề nêu trên có hiệu quả và căn cơ hơn, trong thời gian tới Cục Quản lý thị trường sẽ triển khai một số giải pháp sau đây:
Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan, trước hết là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn thay thế Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ để vừa thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, vừa phát triển các hoạt động hỗ trợ và phát triển thị trường.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra bánh kẹo trung thu
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nếu phát hiện thương nhân nước ngoài không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu mà hoạt động thương mại trái phép tại Việt Nam như mua hàng hóa trực tiếp, trả tiền, thuê người đứng ra mua gom, thuê kho bãi chứa hàng hóa, thuê gia công, sơ chế hàng hóa sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Tập trung kiểm tra tại những địa bàn trọng điểm như vùng Đồng bằng trung du Bắc Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp Việt Nam thu mua gom hàng nông sản, thủy sản và các doanh nghiệp ở các tỉnh biên giới trong việc thực hiện việc xuất khẩu nông sản, thủy sản sang Trung Quốc.
Về phía người nông dân, đề nghị nên sản xuất, nuôi trồng theo quy hoạch của địa phương và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không chạy theo lợi ích trước mắt, tuân thủ các quy định về mua bán hàng hóa, kịp thời cung cấp thông tin, phản ánh những khó khăn, vướng mắc đến các cơ quan quản lý để kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho người dân một cách tốt nhất.
Đối với người tiêu dùng, bên cạnh sự kiểm tra, kiểm soát thị trường của các ngành chức năng, việc tự thẩm định và có chính kiến đối với chất lượng hàng cũng là cách người tiêu dùng tự bảo vệ mình thông qua việc chọn lựa những mặt hàng có xuất xứ rõ ràng để bảo đảm cho sức khỏe của chính mình. Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về mặt hàng cần mua để cân nhắc có nên mua hay không và hãy tìm đến những địa chỉ tin cậy như siêu thị, trung tâm thương mại lớn hoặc các cửa hàng, đại lý có đăng ký biển hiệu uy tín. Ở đây, người tiêu dùng có cơ hội tiếp xúc với sản phẩm chính hãng và có thể yên tâm về giá cả, chất lượng, hạn sử dụng, nhà sản xuất và phân phối.
Nhà sản xuậ́t hoặc nhà phân phối sản phẩm sẽ chịu trách nhiệm với chất lượng của các sản phẩm của công ty họ. Tuy nhiên, để sở hữu sản phẩm thật, chất lượng tốt thì người tiêu dùng sẽ phải chịu một mức giá hợp lý, thường cao hơn giá các sản phẩm nhái hoặc trôi nổi. Khi mua hàng nên xem kỹ trên vỏ hộp của sản phẩm có nhãn phụ được in sắc nét với đầy đủ các thông tin của sản phẩm, nhà sản xuất và phân phối, số điện thoại, địa chỉ của công ty, phải lấy hóa đơn khi mua hàng… Nếu có nghi vấn gì nên gọi điện thoại để tìm hiểu và kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm trước khi mua. Đặc biệt khi mua hàng cần lấy hóa đơn để có cơ sở bảo vệ quyền lợi của mình.
Đối với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất từ chế biến, bảo quản đến vận chuyển, xuất nhập khẩu đối với các loại rượu, bia, nước giải khát. Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân, thời gian tới Cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ để chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước triển khai xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm nhóm hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Bên cạnh đó, tăng cường công tác hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật cho tổ chức, cá nhân về tác hại của việc kinh doanh và sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương)