Đó là thành tựu đáng ghi nhận của các cấp lãnh đạo tỉnh Bắc Giang. Góp phần vào thành tựu chung đó có sự đóng góp đáng kể của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang.
Được sự chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí từ nguồn kinh phí khuyến công Quốc gia và tỉnh Bắc Giang, đến nay, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang (Trung tâm), đã triển khai nhiều đề án khuyến công có ý nghĩa xã hội thiết thực.
Trong năm 2016, Trung tâm được giao kinh phí khuyến công quốc gia là 900 triệu đồng để triển khai thực hiện 3 đề án, cụ thể: Phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Suối Bia xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất tôn ba lớp cách nhiệt với công suất 480.000 m2/năm tại xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa; Phối hợp với Công ty TNHH Thương mại Xuất khẩu Biển Bạc xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất chế phẩm sinh học Biolin với công suất 720.000 liều/năm tại phường Xương Giang, Tp. Bắc Giang; Hỗ trợ Công ty TNHH Một thành viên Chế biến Lâm sản Trường Sơn ứng dụng máy xẻ gỗ vi tính trong chế biến gỗ tại xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa. Ngoài ra, Trung tâm còn có kế hoạch phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 - Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) triển khai thực hiện 2 đề án khuyến công Quốc gia trên địa bàn tỉnh với kinh phí 400 triệu đồng, đó là: Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất gạch không nung tại xã Kiên Thành, huyện Lục Ngạn cho Công ty TNHH sản xuất gạch không nung Trường Sơn và Đề án đào tạo về quản trị doanh nghiệp cho 200 học viên là cán bộ quản lý tại các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2016 được UBND tỉnh phê duyệt là 3 tỷ đồng, Trung tâm sẽ triển khai hỗ trợ đợt 1 gồm 21 đề án thuộc 7 nội dung khuyến công, trong đó, Trung tâm được Sở Công Thương giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện 19/21 đề án, kinh phí 1.965/2.070 triệu đồng.
Ngoài ra, với tổng kinh phí 1,45 tỷ đồng được phê duyệt thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Trung tâm đã tham mưu xây dựng kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các đề án có tính lan tỏa cao, như: Tổ chức các lớp đào tạo nghề nhằm tăng số lượng lao động làm nghề cho các làng nghề có thể mở rộng quy mô như đan rọ tôm tại Song Khê (thành phố Bắc Giang); đan nhựa cao cấp tại xã Ngọc Châu (huyện Tân Yên); Hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất các sản phẩm mới trên địa bàn huyện, sản phẩm góp phần bảo vệ môi trường như: Chế phẩm sinh học Biolin phục vụ chăn nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm; lò đốt rác thải bằng không khí tự nhiên; tôn ba lớp cách nhiệt; gạch không nung sử dụng nguyên liệu từ đất và phế thải rắn; Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm đang phát triển mạnh như bánh đa nem Thổ Hà (huyện Việt Yên); mỳ gạo Trù Hựu (huyện Lục Ngạn); Hỗ trợ đầu tư phòng trưng bày, xây dựng và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tư vấn thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm nhằm giới thiệu quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm mà địa phương có thế mạnh như: Mỳ Thủ Dương (huyện Lục Ngạn), ván ép xuất khẩu từ gỗ bóc (huyện Lạng Giang); nông sản, thực phẩm chế biến (huyện Việt Yên). Bên cạnh đó, Trung tâm còn thực hiện các đề án thông tin, tuyên truyền; tập huấn nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp; tham gia hội chợ triển lãm Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ năm 2016; Tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bắc Giang 2016...
Có thể thấy, hoạt động khuyến công của tỉnh Bắc Giang trong thời gian qua đã có những đóng góp rất tích cực và là động lực thúc đẩy công nghiệp nông thôn của tỉnh phát triển. Đặc biệt với các đề án đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có được nguồn lực lao động có tay nghề nhất định, đáp ứng sản xuất hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương, chuyển một phần lao động từ nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Các đề án hỗ trợ mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất đã khuyến khích và thu hút được nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Tuy nhiên, trong thời gian triển khai các hoạt động khuyến công tại địa phương, Trung tâm đã gặp không ít những khó khăn bởi mạng lưới khuyến công viên ở địa bàn các huyện, xã hiện nay chưa hình thành; một số doanh nghiệp còn thụ động, chưa tích cực tham gia thực hiện đề án khuyến công; một số chương trình khuyến công chưa được triển khai rộng rãi; nguồn kinh phí khuyến công địa phương còn hạn chế; định mức chi hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công còn thấp nên chưa thu hút được sự quan tâm từ phía các cơ sở công nghiệp nông thôn. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách quản lý, sử dụng kinh phí còn bất cập, chưa có cơ chế hỗ trợ cho cán bộ đi làm công tác khuyến công (nhất là hoạt động khuyến công ở miền núi, vùng cao)... đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ và hiệu quả của công tác khuyến công.
Để hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ngày càng hiệu quả, Trung tâm đã đề ra một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới như: Tổ chức tập huấn, hội thảo nhằm bổ sung kiến thức về tiết kiệm năng lượng cho các đối tượng là cán bộ quản lý Nhà nước, quản lý doanh nghiệp, hội viên Hội Nông dân; Xây dựng các mô hình ứng dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Trao đổi, học tập kinh nghiệm về xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức thực hiện các đề án sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tại một số địa phương trong nước… Hy vọng rằng với những thành công đã đạt được và những kế hoạch mang tính chiến lược, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, giúp công – nông nghiệp của tỉnh ngày càng phát triển, đời sống của bà con nhân dân trong tỉnh ngày càng được nâng cao, từng bước phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới./.
Trần Huyền - Nguyễn Hương