Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND, Sở Công Thương tỉnh đồng thời nhờ luôn bán sát mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch của ngành đề ra, Trung tâm đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo và phát triển đời sống văn hóa – xã hội ở nông thôn. Trong 5 năm qua, với trên 14 tỷ đồng từ nguồn kinh phí hỗ trợ từ chính sách khuyến công, Trung tâm đã tổ chức nhiều khóa đào tạo nghề cho người lao động; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị, điều hành cho các DN; hỗ trợ xây dựng mô hình điểm trình diễn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ; phát triển sản phẩm tiêu biểu; hỗ trợ liên kết, hợp tác phát triển cụm công nghiệp; hỗ trợ các DN tham gia hội chợ triển lãm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm..... Nhìn chung, hầu hết chương trình, dự án đề ra được triển khai, thực hiện thuận lợi, đạt hiệu quả thiết thực. Ngành nghề CN-TTCN ngày càng phát triển, khôi phục và mở thêm ngành nghề mới từ sản phẩm cây dừa; cơ khí phục vụ chế biến; thêu vi tính phục vụ may mặc; may công nghiệp… Sức cạnh tranh của một số sản phẩm được cải thiện, từng bước có vị thế trên thị trường trong và ngoài nước như: Cơm dừa sấy khô, kẹo dừa, chỉ xơ dừa, hàng TCMN từ dừa, thạch dừa, thức ăn chăn nuôi gia súc, sữa dừa đóng lon, bột cá và mỡ cá, chế biến trái cây… Đặc biệt, việc hỗ trợ đầu tư ứng dụng, cải tiến, đổi mới công nghệ, áp dụng sản xuất sạch hơn tại các DN ngày càng mang lại hiệu quả cao, góp phần rất lớn tăng năng suất, chất lượng, tạo nhiều sản phẩm mới, tăng sức cạnh tranh của nhiều DN.
Mặc dù công tác khuyến công trong thời gian qua đã gặt hái được những thành công đáng ghi nhận nhưng bên cạnh đó vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục như: Trong quá trình triển khai chương trình, dự án còn lúng túng, mất nhiều thời gian từ khâu khảo sát, đánh giá, tư vấn, hướng dẫn và các khả năng xây dựng, lựa chọn các đề án khuyến công có tính khả thi chưa nhiều; chưa có kế hoạch đồng bộ hỗ trợ chuyển tiếp, nhân rộng mô hình sau khi thực hiện đề án; các đối tượng thụ hưởng chính sách khuyến công chưa tiếp cận đầy đủ thông tin... Đặc biệt, nguồn kinh phí hỗ trợ còn hạn chế nên chưa khuyến khích các DN mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả, khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác khuyến công, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tập trung vào các giải pháp như: Tăng cường quản lý nhà nước về khuyến công; củng cố, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công; ưu tiên hỗ trợ đầu tư một số dự án có sự cạnh tranh, có lợi thế, tiềm năng, các ngành nghề truyền thống sử dụng nguyên liệu tại chỗ, nhất là từ nông, thủy sản. Quan tâm đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, hàng tiêu dùng và các mặt hàng xuất khẩu, đánh bắt hải sản, chế biến lương thực. Tập trung các hoạt động khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, ngành nghề mới. Đặc biệt, các hoạt động khuyến công sẽ tập trung vào những ngành CN-TTCN thế mạnh, chủ lực của tỉnh, tạo ra nhiều sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh đạt 43.410 tỷ đồng, tăng bình quân 19%.
NQ