Được hỗ trợ 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Cơ sở sản xuất bún, phở khô Phương Anh (xã Ân Hảo Đông, Hoài Ân) đã đầu tư thêm 387 triệu đồng trang bị hệ thống sấy, máy đùn bún, máy bón bột tự động, hệ thống vo gạo và xay xát gạo, máy cắt sợi bún cong...
Bà Đào Thị Thức, Chủ cơ sở, bộc bạch: Nguồn vốn khuyến công thực sự là trợ lực quan trọng, giúp chúng tôi có thêm điều kiện, đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất. Từ đó, từng bước mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Các sản phẩm của cơ sở đang được phân phối rộng rãi tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước và đáp ứng xuất khẩu sang các quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Hiện nay, cơ sở mạnh dạn phát triển thêm một số dòng sản phẩm mới, đáp ứng ngày càng đa dạng nhu cầu của thị trường như bún bò Huế, bún tươi với năng lực sản xuất lên đến 150 tấn sản phẩm/năm, tạo việc làm ổn định cho 7 lao động, doanh thu 2,4 tỷ đồng/năm.
Tương tự, là DN chuyên sản xuất và gia công cơ khí, đại diện Công ty TNHH MTV Sản xuất & Thương mại Gia Khang (CCN Đồi Hỏa Sơn, xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn) chia sẻ: Nhờ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng, Công ty đã đầu tư lắp đặt bộ máy cắt CNC laser Fiber và hệ thống máy hàn laser, với tổng chi phí 1,37 tỷ đồng. DN nhận nhiều đơn hàng nhỏ, lẻ nhưng thời gian giao hàng đòi hỏi gấp, nhanh, nhờ lắp đặt hệ thống máy mới đã đáp ứng yêu cầu tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và kịp giao hàng, giúp DN tăng tính cạnh tranh.
Được biết, trong quý I/2024, Sở Công Thương Bình Định đã triển khai 122 đề án khuyến công với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ 20,2 tỷ đồng đến UBND các huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại.
Trong đó, đối với đề án khuyến công quốc gia, Sở Công Thương đã tổ chức thẩm định cấp cơ sở 23 đề án (lập thành 1 đề án điểm, 3 đề án nhóm và 1 đề án riêng lẻ) trình Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2024, với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ 4,59 tỷ đồng.
Đối với đề án khuyến công địa phương, kinh phí khuyến công từ nguồn ngân sách địa phương được giao 5 tỷ đồng. Hiện nay, Sở Công Thương đã tổng hợp các đề án và tổ chức thẩm định, đề xuất UBND tỉnh xem xét, phê duyệt 22 đề án khuyến công địa phương năm 2024 (đợt 1) với tổng kinh phí hỗ trợ 2,3 tỷ đồng trong tháng 3/2024.
Đối với các đề án và kinh phí còn lại, Sở Công Thương tiếp tục rà soát, thẩm định bổ sung đợt 2 theo quy định.
Thời gian qua, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, để khắc phục điều này, theo ông Văn Thái Toàn – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bình Định cho biết, đơn vị sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công, coi khuyến công là một trong các giải pháp trọng tâm để chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh theo hướng công nghiệp, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, thường xuyên rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các cơ chế, chính sách của tỉnh trong lĩnh vực khuyến công, nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp nông thôn phát triển. Song song với đó, sẽ tiếp tục rà soát, đăng ký các đề án có tính khả thi và hướng dẫn lập đề án khuyến công điểm, có tính lan tỏa tập trung vào các ngành nghề, sản phẩm chế biến sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế và các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Ngoài ra, sẽ tập trung nâng cao chất lượng trong việc lựa chọn các cơ sở công nghiệp nông thôn được thụ hưởng các chương trình, đề án khuyến công; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện chương trình, đề án khuyến công đảm bảo nguồn kinh phí khuyến công được sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích và đúng quy định của pháp luật.
An Nhi