Thứ Bẩy, 23/11/2024 02:16:52 GMT+7
Lượt xem: 2430

Tin đăng lúc 03-06-2017

“Kịch bản” nào cho giá xe ôtô năm 2018?

Người tiêu dùng đang có tâm lý dè dặt "xuống tiền" và chờ đợi sau khi được chứng kiến “cơn lốc” giảm giá của hầu hết các hãng xe ôtô thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng mức giảm hiện đã chạm “đáy”. Vậy liệu “cơn lốc” này còn tiếp diễn hay không?
“Kịch bản” nào cho giá xe ôtô năm 2018?
Toyota- hãng xe Nhật đã có những động thái giảm giá xe chưa từng có trong lịch sử hãng này trên thị trường Việt Nam.

Giá đang “chạm đáy”

 

Tháng 5 vừa qua, một số hãng ôtô như Toyota, Honda, Chervolet, Huyndai,... có nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá trực tiếp vào giá bán sản phẩm của mình. Trong đó, ngôi vị “quán quân” trong cuộc đua giảm giá xe tháng 5 thuộc về mẫu Ford Everest với mức giảm từ 46 - 135 triệu đồng. Trong đó, phiên bản Everest Trend 2.2L được các đại lý của Ford mạnh tay giảm giá lên đến 135 triệu đồng, giá thực tế tại các đại lý giảm từ 1,25 tỷ đồng xuống còn 1,115 tỷ đồng.

 

Tiếp đến là mẫu Honda CR-V. Hiện mẫu xe này đang được các đại lý Honda áp dụng mức ưu đãi cao nhất với giá trị lên đến từ 90 - 115 triệu đồng. Giá phiên bản CR-V 2.4 AT TG giảm trực tiếp 115 triệu đồng. Giá thực tế giảm từ 1,178 tỷ đồng xuống chỉ còn 1,063 tỷ đồng. Mức ưu đãi này duy trì từ tháng 4/2017 và được dự báo vẫn sẽ tiếp tục trong tháng 6.

 

Vị trí thứ 3 thuộc về Toyota Camry kho tiếp tục làm cho người tiêu dùng bất ngờ với mức giảm 90 triệu đồng trong tháng 5. Hiện tại, mẫu xe sang Camry có tất cả 3 phiên bản, giá bán của mẫu ô tô này dao động trong khoảng: 1 - 1,3 tỷ đồng.

 

Ngoài ra, các mẫu Toyota Vios, Innova, Ford Focus, Honda Civic vẫn đang có mức giảm cao từ 50 - 80 triệu đồng.

 

Có thể thấy, cuộc đua giảm giá xe bắt đầu “nóng” vào cuối năm 2016 và kéo dài trong suốt nửa đầu năm 2017. Cụ thể, cuối năm 2016, Trường Hải “tung” ra đợt giảm giá “sốc” khi các sản phẩm mang thương hiệu Mazda giảm từ vài chục tới gần 200 triệu đồng và chương trình này kéo dài sang cả năm 2017.

 

Bảng giá bán lẻ của 2 thương hiệu Kia và Peugeot cũng giảm đáng kể từ tháng 2/2017 với mức giảm từ 30-95 triệu đồng với xe Kia và 30-70 triệu đồng với xe Peugeot.

 

Không thể “ngồi yên”, tháng 2, Toyota Việt Nam cũng tung ra giá mới cho các mẫu xe của mình. Theo đó nhiều mẫu xe đã được giảm giá, mức giảm nhiều nhất là 164 triệu đồng cho xe Land Cruiser Prado.

 

Các “đại gia” trong ngành giảm giá đồng loạt kéo theo các đại lý cũng phải “nhắm mắt đưa chân” giảm lãi và hạ giá bán. Như tháng 4 vừa qua, đại lý Honda VN đã giảm nhiều mẫu xe ô tô City 2017, Civic, Odyssey. Các dòng xe của Toyota cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi, các đại lý cũng giảm “sâu” các xe Camry, Hilux, Innova, Vios… Một số mẫu xe như Ford như Fiesta giảm khoảng 37 - 44 triệu đồng, Focus giảm 50 triệu đồng,Ranger cũng giảm từ 20 - 40 triệu đồng…

 

Theo tính toán, với mức giảm 10% thuế NK, giá xe chỉ giảm từ 5-7%. Nhưng nhiều mẫu xe đến nay đã giảm từ 10-15%, tức là giảm giá gấp 2 lần, so với mức giảm do thuế NK mang lại. Mặt khác, xe lắp ráp trong nước không được “hưởng lợi” gì từ việc thuế xe nguyên chiếc giảm, nhưng nhiều sản phẩm lắp ráp cũng đã giảm giá bán. Thậm chí, nhiều chuyên gia nhận định, giá bán của nhiều mẫu ô tô hiện tại được đánh giá đang ở mức “đáy”.

 

Khó giảm tiếp

 

Chính việc giảm giá liên tiếp thời gian qua của các hãng xe khiến thị trường đang ở trong thời khắc khó xác định được giá mua nhất cho người tiêu dùng cũng dè dặt xuống tiền bởi tâm lý chờ đợi một “kịch bản” tiếp tục giảm giá thời gian tới.

 

 

Peugeot đồng loạt giảm đặc biệt các mẫu xe Peugeot 208, Peugeot 508 và Peugeot 3008 với mức giảm từ 30 – 50 triệu đồng.

 

Trong tháng 4 vừa qua lượng bán ô tô trên cả nước chỉ đạt 21.942 chiếc, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước với mức giảm mạnh nhất là xe du lịch, đạt 10.705 chiếc, giảm 36% so với tháng trước; xe chuyên dụng đạt 1.675 chiếc, giảm 6% so với tháng trước. Điều này cho thấy tâm lý chờ đợi của người tiêu dùng vào những đợt giảm giá xe tiếp theo.

 

Tuy nhiên, trong lộ trình hướng tới Hiệp định Thương mại nội khối ASEAN (AFTA) bắt đầu được áp dụng vào tháng 1/2018, chỉ có một vài mẫu ôtô nhập khẩu trực tiếp từ thị trường ASEAN như Toyota Fortune, Ford Ranger,... là được hưởng lợi trong việc giảm thuế nhập khẩu xuống 0%. Còn ôtô trong nước không chịu tác động từ việc giảm thuế này. Cùng với đó mức giảm giá xe hiện đã cao hơn con số 5-7% giảm giá xe tương ứng từ việc giảm thuế.

 

Có thể nói việc giảm giá đồng loạt thời gian qua không hoàn toàn do tác động giảm thuế nhập khẩu xuống 0% nói trên mà là do nhiều “đại gia” trong ngành “chạy đua” để đủ điều kiện đàm phán và lắp ráp một số mẫu xe tại Việt Nam. Như Trường Hải, để đủ điều kiện đàm phán, hợp tác sản xuất sản phẩm với Mazda, Trường Hải phải nhanh chóng đạt số lượng các mẫu xe Mazda lên con số trên 40.000 xe/năm. Giải pháp hiệu quả được DN này đưa ra đó là giảm giá bán xe.

 

Tương tư như vậy Hyundai Thành Công cũng phải chịu áp lực nhanh chóng tăng số lượng, nâng thị phần để đủ “cơ” ngồi xuống đàm phán hợp tác với Hyundai đầu tư sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Và Hyundai Thành Công cũng đi theo chiến lược giảm giá sản phẩm. 

 

Như vậy, việc giảm thuế nhập khẩu xuống 0% sẽ không có nhiều tác động thời gian tới hoặc chỉ tác động tới xe nhập khẩu. Cùng với đó, như đã nói ở trên, nhiều chuyên gia nhận định giá bán của nhiều mẫu ôtô hiện tại được đánh giá đang ở mức “đáy”. “Trừ các sản phẩm không thuộc diện được ưu đãi thuế vào năm 2018 thì hầu hết các mẫu ô tô đang ở mức đáy” – đại diện Honda nhận định.

 

Hơn nữa, các doanh nghiệp cho rằng họ còn đang phải chịu nhiều chi phí khác liên quan đến thuế, phí, chi phí vận chuyển, bán hàng… cùng với các rào cản kỹ thuật dự đoán là sẽ được dựng lên để “ngăn” xe nhập khẩu từ khu vực ASEAN tràn vào…Vì vậy, trong tương lai tới, một kịch bản tiếp tục có lợi cho người tiêu dùng là điều khó có thể xảy ra.

 

Đại diện nhiều hãng cũng đã lắc đầu khi được hỏi về một kịch bản giảm giá sâu có tiếp tục diễn ra thời gian tới. Đơn cử, mới đây, ông Bùi Kim Kha, Phó Tổng giám đốc Trường Hải (Thaco) cho biết, tính đến nay, giá xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đã giảm rất nhiều so với trước.

 

“Có thể nói giá xe đã chạm tới đáy, không có điều kiện giảm hơn nữa” - với phát biểu này, có thể hiểu xe Mazda, Kia do Trường Hải sản xuất lắp ráp và nhập khẩu từ nay tới cuối năm sẽ không còn chương trình giảm giá mạnh mẽ nữa.

 

Như vậy, sau nhiều đợt giảm giá, Thaco chính thức từ bỏ cuộc chiến giảm giá ô tô mà hãng ô tô “nội” này khai mào. 

 

Thay vào đó, một số đại diện tiết lộ, việc tiếp tục giảm giá xe là vô cùng khó khăn, doanh nghiệp chỉ có thể cố gắng tiếp tục duy trì mức giá đã giảm thêm một thời gian nữa, còn việc giảm sâu thêm là không thể.

 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, việc giảm giá xe không phụ thuộc chính vào các doanh nghiêp mà phụ thuộc vào cơ chế thị trường. Bởi theo khảo sát, giá xe VN hiện đang cao hơn so với nhiều nước trong khu vực.

 

Cụ thể, mức giá trung bình cao hơn gần 2 lần so với mặt bằng chung ASEAN (Thái Lan và Indonesia). Bên cạnh nguyên nhân về thuế, phí, qui mô sản xuất nhỏ, chi phí sản xuất lớn… thì kinh doanh ôtô tại Việt Nam vẫn được cho là khá ngon ăn bởi “lợi nhuận” lớn. Do đó, để thị phần không rơi vào tay đối thủ các doanh nghiệp sản xuất ô tô sẽ tiếp tục buộc phải giảm giá để cạnh tranh với xe nhập khẩu có lợi thế về thuế. 

 

Các hãng trong Hiệp hội các nhà Sản xuất Ôtô VN cũng nhận định, doanh số 2017 có thể giảm 10% so với 2016, trước khi có những chuyển biến khó lường trong 2018.

 

Nguồn Enternews.vn


Tag:giá xe

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang