CPI "hạ nhiệt"
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2018 đã giảm nhẹ 0,09% so với tháng 6, tuy nhiên vẫn tăng 2,13% so với tháng 12/2017 và tăng 4,46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 7, nhóm thuốc và dịch vụ y tế có mức giảm cao nhất 5,85%, đặc biệt là nhóm dịch vụ y tế đã giảm mạnh 7,58% do việc điều chỉnh giảm giá dịch vụ y tế, góp phần làm CPI chung giảm 0,29%.
Nhóm giao thông cũng giảm 0,52% trong tháng 7/2018. Nguyên nhân, theo Tổng cục Thống kê, chủ yếu do ảnh hưởng từ hai đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm ngày 22/6/2018 và thời điểm ngày 23/7/2018 làm CPI chung giảm 0,05%.
Bên cạnh đó, nhóm bưu chính viễn thông cũng giảm 0,05%. Các nhóm còn lại đều có chỉ số giá tăng so với tháng trước.
Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,43%, trong đó lương thực giảm 0,92% do giá gạo giảm 0,8%; thực phẩm tăng 0,87% chủ yếu do giá thịt lợn tăng 3,02%, làm CPI chung tăng 0,13%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,37% do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao.
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,26%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,12%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; nhóm đồ uống, thuốc lá và nhóm giáo dục cùng tăng 0,05%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,56%.
Về lạm phát, Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản tháng 7/2018 tăng 0,15% so với tháng trước và tăng 1,41% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng năm nay tăng 1,36% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng năm 2018 đã tăng 3,45% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
2 kịch bản cho lạm phát
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá nhận định, sẽ có một số yếu tố có thể gây áp lực tăng giá trong những tháng còn lại của năm 2018. Cụ thể là biến động tăng giá một số nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới như giá xăng dầu, LPG.
Bên cạnh đó, biến động tăng của giá lương thực, thực phẩm trong nước; rủi ro từ thiên tai, bão lũ làm tăng giá cục bộ các mặt hàng thiết yếu tại các địa phương bị ảnh hưởng; hay việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước định giá, cũng là những yếu tố khiến lạm phát tăng.
Đặc biệt, CPI còn chịu áp lực từ việc nâng lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ ảnh hưởng nhất định đến lãi suất và tỷ giá trong nước.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đưa ra 2 kịch bản khi bàn về lạm phát những tháng cuối năm.
Theo đó, kịch bản một, nhiều khả năng giá xăng dầu và giá thịt lợn không tiếp tục tăng mà chỉ neo ở mức cao như hiện nay và lạm phát tổng thể tăng trung bình 0,14%/tháng - tương đương mức tăng trung bình của lạm phát cơ bản trong 6 tháng qua, kéo theo lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm xuống mức 3,1% vào cuối năm 2018. Đồng thời, lạm phát trung bình của cả năm sẽ ở mức 3,4-3,5%.
Kịch bản hai, giá xăng dầu và giá thịt lợn vẫn tiếp tục tăng mạnh và lạm phát tổng thể tăng trung bình 0,37%/tháng, tương đương với mức tăng trong 6 tháng đầu năm, khi đó lạm phát trung bình cả năm sẽ ở mức 3,8-3,9%.
Ở góc độ chuyên môn, bà Đỗ Thị Ngọc - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho rằng, áplực lạm phát những tháng cuối năm rất lớn.
Cụ thể, giá thực phẩm, đặc biệt là giá thịt lợn, sẽ tác động đáng kể lên chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng cuối năm nay. Nguy cơ giá thịt lợn tiếp tục tăng cùng nhu cầu thực phẩm vào cuối năm cũng là nguy cơ tiềm ẩn đẩy CPI cuối năm lên cao, bà Ngọc cho hay.
Bên cạnh đó, các yếu tố khác như giá xăng dầu và thiên tai cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với lạm phát từ nay đến cuối năm 2018. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ làm tăng 0,27 – 0,29% CPI cuối năm.
Mặc dù vậy, theo bà Đỗ Thị Ngọc, mục tiêu mà Chính phủ đề ra là kiểm soát lạm phát năm 2018 dưới 4% là có thể thực hiện được.
Theo Enternews