Thị trường xăng dầu thế giới thời gian qua có nhiều biến động. Giá xăng dầu tăng mạnh khi lực cầu tăng từ kinh tế các nước đang dần hồi phục sau dịch, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đang khôi phục trở lại. Bên cạnh đó, OPEC+ quyết định không gia tăng sản lượng khai thác so với kế hoạch... đã tác động lớn đến giá xăng dầu trong nước.
Liên tiếp trong những kì điều hành gần đây, liên Bộ Công Thương – Tài chính đều có thông báo điều chỉnh tăng giá xăng dầu. Chỉ tính trong 3 kì điều hành gần nhất, riêng giá xăng E5RON92 đã tăng tổng cộng gần 3.000 đồng/lít và giá dầu các loại cũng tăng không kém.
Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ BOG ở mức cao. Từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ BOG đã chi liên tục với mức chi từ 100-2.000 đồng/lít/kg. Do việc sử dụng công cụ Quỹ BOG, giá xăng dầu trong nước đã có mức biến động thấp hơn mức biến động của giá xăng dầu thế giới (giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở tăng từ 59,08% - 76,03% trong khi giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay chỉ tăng 40,23% - 52,59%).
Theo Bộ Công Thương, việc điều hành giá xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường năm 2021, hỗ trợ người dân và DN đang gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý, để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.
Với mục tiêu đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người dân trong điều hành thị trường xăng dầu, trước việc giá xăng dầu trong nước tăng cao, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài các công cụ bình ổn giá cơ quan điều hành cần xem xét giảm thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu nhằm làm hạ nhiệt mặt hàng này trong ngắn hạn. Về lâu dài, cần các giải pháp hỗ trợ về tài chính, giúp DN giảm bớt chi phí đầu vào, sớm khôi phục sản xuất.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, nếu trong lúc này thực hiện giảm thuế, phí đối với xăng, dầu sẽ khiến nguồn thu của nhà nước bị hạn chế, thiếu nguồn lực để hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19. Mặt khác, nếu giá xăng dầu trong nước giảm thấp so với thị trường thế giới và khu vực, tạo nên bất ổn về thị trường vì sẽ có sự thẩm thấu, buôn lậu và gian lận thương mại. Cùng với đó, giá xăng dầu ở mức thấp sẽ không khuyến khích người dân và DN trong tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả.
Theo đề xuất của PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu đưa ra các biện pháp hợp lý để điều hành giá xăng dầu nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, nhất là khi các DN đang cần được hỗ trợ phục hồi sản xuất. Cùng với đó, cần triển khai các gói hỗ trợ tài chính để bù đắp chi phí nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao cho DN và thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu của các thương nhân kinh doanh xăng dầu cũng như xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm ổn định thị trường.
“Thời gian qua, việc hỗ trợ giá xăng dầu từ Quỹ Bình ổn đã làm cho tốc độ tăng giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn 8% so với tốc độ tăng của giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên, nguồn Quỹ không phải là vô hạn và khi công cụ bình ổn tỏ ra kém hiệu quả, cần có ngay giải pháp hỗ trợ về giá xăng dầu cho các DN ngành vận tải, khai thác… bằng cách giúp họ có thể tiếp cận nguồn vốn vay để có thể quay vòng hoạt động kinh doanh, đặc biệt đối với những DN ở những địa bàn bị thiệt hại lớn do dịch vừa qua”, ông Thịnh đề xuất.
Cũng theo quan điểm của PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, để hỗ trợ giá xăng dầu cho DN cần lưu ý đúng đối tượng và đúng thời điểm, tránh việc hỗ trợ tràn lan. Ngoài ra, nhà nước cũng có thể hỗ trợ gián tiếp cho các DN ngoài việc trực tiếp hỗ trợ trực tiếp về mặt hàng xăng dầu, nhất là những lĩnh vực, ngành nghề đang có nhu cầu cao về lao động, từ đó sẽ giúp DN có nguồn lực để phục hồi sản xuất.
“Bằng cách này, nhà nước không nhất thiết phải hỗ trợ DN trực tiếp vào giá xăng dầu, mà gián tiếp hỗ trợ DN vào chi phí sản xuất kinh doanh, khi đó mới tạo ra động lực tăng trưởng”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh bày tỏ.
Nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa cho những tháng cuối năm 2021, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã có Công văn tới các đầu mối kinh doanh xăng dầu, đề nghị chủ động tìm kiếm nguồn hàng, cung cấp đầy đủ cho thị trường nội địa các loại xăng dầu DN đang sản xuất và kinh doanh, không để gián đoạn nguồn cung trong hệ thống kinh doanh của DN. Cùng với đó, các DN cần có phương án về nguồn hàng xăng dầu (từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu) để bảo đảm nguồn cung cho thị trường./.
Theo Vov.vn