Mất ATTP vẫn diễn biến phức tạp
Mặc dù hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng trên thị trường đã ngập tràn các mặt hàng thiết yếu phục vụ tết, như: Bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát.
Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, mặt hàng này được bày bán rất nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh các mặt hàng có xuất xứ rõ ràng của các nhà sản xuất uy tín trong nước vẫn còn không ít hàng hóa không nhãn mác, không địa chỉ sản xuất cũng như thời hạn sử dụng.
Khảo sát tại chợ Đồng Xa (Cầu giấy, Hà Nội) hay chợ ven sông Bệnh viện thể thao (Mỹ Đình) phóng viên nhận thấy, rất nhiều bánh kẹo, hạt dưa, hạt bí được đựng trong cả bao tải to hoặc chia nhỏ vào các túi nilon nhưng không có nhãn mác. Tiểu thương giải thích rằng, họ bán trong chợ quanh năm chứ có phải hàng rong đâu mà sợ không đảm bảo chất lượng... Quả nhiên, trong lúc phóng viên trò chuyện với người bán thì có khá nhiều người đến mua và gần như không ai quan tâm đến nguồn gốc của những mặt hàng. Bên cạnh đó, các mặt hàng tươi sống như thịt lợn, thịt gà… cũng đa phần không có dấu kiểm dịch.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) - nếu không kiểm soát tốt thì tình trạng mất ATTP vẫn diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã thu hồi hàng trăm giấy phép kinh doanh; tiêu hủy nhiều lô hàng vi phạm về chất lượng cũng như quảng cáo không đúng sự thật; xử phạt gần 6 tỷ đồng với các doanh nghiệp vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm…
Các vi phạm bị phát hiện chủ yếu là kinh doanh không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện; không bảo đảm quy định ATTP trong quá trình chế biến, tiêu thụ; hàng quá hạn sử dụng; kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc...
Siết chặt trong dịp Tết
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Tết là thời điểm nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cao. Đây cũng là cơ hội để mặt hàng không đảm bảo chất lượng trà trộn trên thị trường. Do vậy, Cục ATTP yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm soát các thực phẩm phổ biến trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2019; thường xuyên kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, yêu cầu chủ cơ sở phải tuân thủ những quy định như nhãn mác rõ ràng, kiểm nghiệm sản phẩm, sử dụng phụ gia thực phẩm…
Bên cạnh đó, Cục ATTP cũng nhấn mạnh tới nội dung công khai tên, địa chỉ các cơ sở, cá nhân vi phạm về ATTP và thông tin danh sách, địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chăn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái với quy định của pháp luật, đồng thời để người tiêu dùng biết, lựa chọn mua tại các cơ sở an toàn, có kiểm định, không sử dụng các sản phẩm vi phạm.
“Từ ngày 1/1 - 25/3/2019, 6 đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về ATTP sẽ ra quân kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm trên cả nước gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Lào Cai, Yên Bái, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Tháp, Tiền Giang. Nhiều địa phương đã thành lập các đoàn thanh tra liên ngành từ cấp tỉnh đến quận, huyện, xã, phường...” - ông Phong cho biết.
Bên cạnh việc giám sát, đồng loạt ra quân thực hiện thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, các địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết về cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn. |
Nguồn Congthuong