Thực phẩm bẩn có chiều hướng gia tăng
Theo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), thời gian này, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn lậu thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thực phẩm giả, hàng nhái, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Các mặt hàng thực phẩm vi phạm thâm nhập qua nhiều kênh tiêu thụ như cửa hàng bán lẻ, chợ..., thậm chí cả trung tâm thương mại, siêu thị nếu các cơ sở này không kiểm soát hiệu quả đầu vào.
Từ đầu năm đến nay, đã có hàng trăm vụ vi phạm liên quan đến thực phẩm nhập lậu không đảm bảo chất lượng bị lực lượng QLTT phát hiện, thu giữ và tiêu hủy. Đơn cử, Cục QLTT Bình Phước đã ngăn chặn 1,2 tấn trái cây nhập lậu; Cục QLTT Lạng Sơn chặn đứng hơn 1 tấn thực phẩm chủ yếu là sủi cảo, xúc xích chay và 160kg trái cây (chủ yếu là táo và lựu); Cục QLTT ĐăkLăk phát hiện vụ vận chuyển 1,7 tấn lòng lợn bốc mùi hôi thối đang trên đường đi tiêu thụ; trên 8 tạ nguyên liệu chế biến trà sữa không rõ nguồn gốc, 1,3 tấn thực phẩm nhập lậu cũng bị Cục QLTT Bình Dương thu giữ…
Đặc biệt, mới đây, Cục QLTT Thanh Hóa cũng vừa xử phạt hành chính chủ 2 kho thực phẩm gồm 6,8 tấn thịt sấy khô các loại và gần 1 tấn các mặt hàng ruốc thịt, ruốc sấy hương biển, bánh tráng các loại và nước sốt, với số tiền 400 triệu đồng, do hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và kinh doanh sản phẩm có chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp với quy định.
Tăng cường kiểm soát
Mặc dù đã tích cực kiểm tra, kiểm soát thực phẩm trên thị trường, song dường như kết quả này không “đủ đô” trước thực trạng hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay. Bởi, thực phẩm nhập lậu vào nội địa qua nhiều phương thức khác nhau, như đường mòn, lối mở trên các tuyến biên giới, trên biển, đường hàng không, gian lận thương mại... Không những thế, thực phẩm nhập lậu đa dạng chủng loại, có thể dưới dạng nguyên liệu được các cơ sở chế biến, đóng gói đưa ra thị trường; hay nhập lậu thực phẩm chưa có nhãn về sang chiết và đóng gói dán nhãn xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ... Đặc biệt, “các đối tượng vi phạm còn dùng mọi thủ đoạn để tránh bị phạt nặng và truy tố, như chia nhỏ, phân tán để cất giấu, trà trộn với hàng hóa hợp pháp, hay tách các công đoạn vi phạm; vận chuyển qua dịch vụ chuyển phát nhanh; giao dịch qua thương mại điện tử, các ứng dụng internet..., gây rất nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng” - ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục QLthông tin.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT đã ban hành Kế hoạch số 17/ KH-TCQLTT ngày 24/11/2020 cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm và trước, trong, sau Tết Tân Sửu 2021. Theo đó, chỉ đạo lực lượng QLTT trên toàn quốc kiểm tra, kiểm soát về công tác an toàn thực phẩm, nhóm mặt hàng nông - lâm - thủy sản. Trong đó, tập trung kiểm tra chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh, các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đường phố.
“Tổng cục QLTT sẽ tăng cường triển khai trên diện rộng toàn quốc công tác kiểm tra, hậu kiểm, kiểm nghiệm thực phẩm lưu thông trên thị trường nhằm ngăn chặn kịp thời các nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng” - đại diện Tổng cục QLTT cho hay.
Những mặt hàng thực phẩm bị làm giả, nhái, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhiều nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như lương thực, bánh kẹo, đường, rượu, bia, nước giải khát, mì chính... |
Theo Congthuong