Đó là một trong những tồn tại được BCĐ 389 tỉnh Bắc Giang thẳng thắn chỉ ra. Bên cạnh đó, còn khó khăn như: Các lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả biên chế mỏng, kiêm nhiệm nhiều công việc, lĩnh vực khác nhau. Trong khi chế độ đãi ngộ thấp; trang thiết bị phục vụ công tác ở một số huyện cũ, lạc hậu chưa được thay thế, bổ sung kịp thời; Chất lượng công tác điều tra, trinh sát, nắm bắt thông tin còn hạn chế nên vẫn còn hiện tượng bắt giữ phương tiện vận chuyển hàng hóa nhưng không có sai phạm gì hoặc sai phạm rất nhỏ. Chưa phát hiện, xử lý được nhiều những vụ việc có quy mô lớn, giá trị cao về buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn; Việc chủ động phối hợp giữa các ngành chức năng với ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành phố chưa nhiều, chất lượng chưa cao.
Tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn vẫn có những diễn biến phức tạp. Phương thức, thủ đoạn các đối tượng vi phạm tiếp tục sử dụng để đối phó với lực lượng chức năng là: Trà trộn hàng hóa có giá trị vào lô hàng thông thường; cải tạo, gia cố, thay đổi kết cấu thành, thùng xe chở khách, xe du lịch để cất giấu, vận chuyển hàng hóa,...
Trên thị trường nội địa: Tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... vẫn còn diễn ra, tập trung vào nhóm hàng: đồ chơi trẻ em có tính bạo lực, vải may mặc, khoáng sản, mỹ phẩm, mỳ chính và bao bì,... Thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng là: Sử dụng nhãn hàng hóa “nhái” theo nhãn hiệu đã được bảo hộ nhằm mục đích gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng trong việc chọn mua sản phẩm; tìm mua các loại hàng hóa, nguyên liệu bán thành phẩm giá rẻ, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và bao bì, nhãn mác nhái các thương hiệu nổi tiếng, sau đó tổ chức đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, dán nhãn và cung cấp ra thị trường; các sản phẩm này được bầy bán lẫn với hàng thật hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ do nhận thức, hiểu biết của người dân còn hạn chế, gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người tiêu dùng.
Tình trạng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm động vật nhập lậu trái phép, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch thú y trên địa bàn tỉnh năm qua đã giảm nhiều so với các năm trước, nhất là gà thịt thải loại của Trung Quốc cơ bản không còn. Tuy nhiên, vẫn còn một số đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm giống, sản phẩm động vật nhập lậu, không kiểm dịch thú y vẫn diễn ra trên thị trường nhưng không có điểm nóng xảy ra trên địa bàn.
Nguyên nhân là do: Lợi nhuận của việc buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả quá lớn là động lực khiến các đối tượng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả sử dụng mọi thủ đoạn để đối phó với các lực lượng chức năng;
Kinh phí cho công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ít không đủ mua sắm, sửa chữa thay thế phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác, biên chế công chức làm nhiệm vụ không được tăng thêm;
Nhận thức về chất lượng hàng hóa của người dân và ý thức bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp còn hạn chế. Doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả chưa tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác phát hiện, bắt giữ, xử lý. Thậm trí có doanh nghiệp muốn ém thông tin vì sợ người tiêu dùng “tẩy chay” các sản phẩm của mình.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang còn tiếp tục tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp…
Do vậy, các lực lượng chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đến người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; Công khai các vụ vi phạm, các đối tượng vi phạm, thủ đoạn, mánh khóe của chúng, đồng thời đưa tin những gương người tốt việc tốt và các trường hợp vi phạm trong thực thi ccông vụ;
Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành chức năng với chính quyền địa phương, doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả cao không gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp làm ăn chính đáng;
Nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức thực thi công vụ, kiên quyết chống tham nhũng lãng phí, bảo kê cho đối tượng vi phạm và tiêu cực khác;
Các ngành thành viên, Ban Chỉ đạo 389 huyện, thành phố xây dựng kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cụ thể phù hợp với ngành và địa phương quản lý. Tập trung thanh tra, kiểm tra đối với lĩnh vực bán hàng đa cấp; hàng hóa là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc và chất cấm dùng trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm; xăng dầu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng;
Ban Chỉ đạo 389 huyện, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng trên địa bàn tập trung giám sát thị trường không để tình trạng tăng giá bất hợp lý, không để xảy ra kinh doanh hàng cấm trên địa bàn; kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng lậu, như: Thuốc lá, rượu, bia, bánh, kẹo, hoa quả, thực phẩm, gia súc, gia cầm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường tại các chợ nông thôn, vùng sâu, vùng xa để kiểm soát chất lượng hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm;
Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo, đảm bảo chính xác, kịp thời, chủ động chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chức năng và các huyện, thành phố để nắm chắc tình hình, phát hiện kịp thời các phương thức, thủ đoạn buôn lậu, đặc biệt là các đối tượng chủ mưu, cầm đầu.
Nguồn: BCĐ 389